ClockThứ Năm, 28/01/2016 08:40

Thiện nguyện ngày giáp Tết

TTH.VN - Huế nổi tiếng là mảnh đất văn hóa. Con người sống ở Huế luôn giữ cho mình cái tâm hướng thiện. Vì lẽ đó, nhiều người khi đến Huế hòa chung vào các hoạt động từ thiện để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và thể hiện đạo lý thương người như thể thương thân.

Chậm hồi hương để làm thiện nguyện

Như thường lệ vào khoảng 2 giờ sáng những ngày giáp Tết, tôi thường có mặt ở TP Huế để theo chân những bạn trẻ đến từ nhiều nơi đang học tập, làm việc tại Huế tổ chức chương trình Xuân ấm áp. Trong cái rét thấu xương của đợt không khí lạnh cuối năm, những người tham dự chương trình này đa số đến từ các vùng quê của Huế, bỏ dở giấc ngủ vượt đường xa để cùng tham gia hoạt động thiện nguyện; hoặc ở trọ tại Huế nhưng nán lại chưa về quê, thậm chí có người đến từ Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên bất chấp khó khăn chuyện tàu xe ngày Tết vẫn xin gia đình ở lại đến tận ngày cuối năm để làm chương trình cho người nghèo.

Bạn trẻ ở Huế mang đến cái tết cho những người nghèo

 

Tôi chở Thu Hương, cô gái Quảng Bình vừa học xong ngành thể dục thể thao ở Huế nhưng cương quyết làm nốt chương trình Xuân ấm áp mới về quê. Ngồi trên xe, em tâm sự, rất nhiều bạn trẻ khi đến Huế ít nhiều chịu ảnh hưởng của lối sống hướng thiện mà một bộ phận khá đông giới trẻ hướng đến. Tham gia nhiều chương trình thiện nguyện, nhưng những chương trình càng khó khăn, thời điểm không dễ thực hiện thì những người như em lại càng muốn tham gia. “Bạn bè của em cũng nhiều người muốn ở lại Huế để làm chương trình Xuân ấm áp, nhưng họ phải về không kiếm được vé tàu xe do dịp tết rất khó mua. Thường trước ngày 20 Tết thì nhiều, nhưng sau ngày đó thì khó kiếm. Có đứa đi học phải xin nghỉ về trước. Còn những ai muốn làm thiện nguyện như em, chấp nhận đem xe máy vô Huế để tự chủ chuyện ra quê mới dám ở lại gắn bó với người nghèo trên mảnh đất này”, Hương chia sẻ.

Chuyến đi thiện nguyện đêm khuya của chúng tôi có tất thảy 12 người, trong đó chỉ có 3 người có nhà ở TP Huế, 2 Việt kiều về nước biết chương trình xin theo đồng hành, còn lại là những người ở xa. Một bạn nữ từ thị trấn Thuận An tham dự chương trình này kể: “Em học ở Trường đại học Kinh tế Huế lên đây ở trọ. Vừa được nghỉ Tết là ba mẹ kêu về. Nhưng em xin ở lại để chuẩn bị chương trình này.

Tết ấm

Con đường vắng giữa đêm khuya càng vắng hơn trong ngày cận kề trước thêm năm mới. Trên chuyến đi ấy, để xua tan cái cảm giác lạnh vào từng thớ thịt, các thành viên tổ chức chương trình đã trò chuyện trên suốt đường đi. Câu chuyện chúng tôi nhắc đến là những ngày đi xin nguồn kinh phí. Trong bối cảnh có rất nhiều tổ chức thiện nguyện hoạt động và thật giả chuyện làm thiện nguyện bị nhiều người nghi ngờ thì việc đi xin nguồn lực để làm các chương trình lại càng khó khăn. Để có được số tiền hơn 30 triệu đồng giúp đỡ cho 30 trường hợp của chương trình Xuân ấm áp, nhiều thành viên nhờ đến người thân, bạn bè, vào những doanh nghiệp hay làm từ thiện và các mạnh thường quân ở hải ngoại luôn hướng tâm về các hoàn cảnh ở Việt Nam

Chuyến thiện nguyện Xuân ấm áp của chúng tôi băng qua nhiều nẻo đường, góc chợ ở Huế từ phía Bắc đến phía Nam thành phố và gặp không ít các hoàn cảnh vô cùng khó khăn: người đàn ông trung niên tàn tật hai chân đẩy xe lăn đi bán vé số từ khuya sớm để đủ tiền mua cho con cái áo mới, lão già ngủ bên vệ đường trông giữ đồ giúp người khác để kiếm tiền chữa bệnh cho vợ đã qua tuổi 80, bà cụ hơn 60 tuổi đạp chiếc xe cà tàng bán xôi bắp mưu sinh… Khi trao những món quà cho họ, nước mắt đã lăn từ hai phía người nhận và người cho. Món quà trao tặng cũng trở nên bé nhỏ hơn những lời động viên, an ủi. Anh Nguyễn Văn An, một thanh niên đi lượm ve chai trong đêm khuya nức nở: “Bệnh tật khiến tui không thể có một công việc đàng hoàng. Tết đến cũng là lúc có trăm thứ phải lo. Con đòi đồ mới, vợ cũng muốn có dĩa mứt gừng lỡ ai ghé tới nhà. Vì rứa mà hai vợ chồng phải gắng bất chấp ngày đêm, lễ tết. Lo lắng, buồn tủi không dám kể với ai nhưng khi gặp các anh chị bây giờ thì tui không cầm được cảm xúc”.

Tham gia chuyến thiện nguyện này, món quà mà những thành viên làm chương trình muốn gửi trao cho các hoàn cảnh là hơi ấm ngày tết. Bởi sự gần gũi, quan tâm người nghèo là “gói hạt dưa, đĩa mứt” ngon nhất mà người nghèo muốn nhận. Ngay lúc chương trình diễn ra, nhiều đối tượng được giúp đỡ đã bật khóc, bởi như lời họ nói, lúc đó (giữa con đường vắng lạnh lẽo), họ đã cảm nhận được không khí Tết giữa Cố đô, cái Tết sự sẻ chia và tình người.

Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phẫu thuật dị tật hàm mặt miễn phí cho 80 trẻ

Ngày 8/4, Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp cùng đoàn phẫu thuật thiện nguyện Interplast (Tổ chức Interplast, Cộng hòa Liên bang Đức) phẫu thuật miễn phí cho các em nhỏ bị dị tật khe hở môi vòm miệng trong cả nước.

Phẫu thuật dị tật hàm mặt miễn phí cho 80 trẻ
Hành trình bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ

Bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ Trần Văn Anh bắt đầu từ năm 2015 đến nay đã được 9 năm đồng hành cùng với quý người già neo đơn, nghèo khó. Đây là chương trình giúp đỡ và bảo trợ đến những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các địa phương Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên Huế) và Hải Lăng (Quảng Trị).

Hành trình bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ
“Nồi cháo yêu thương”

Những phần cháo dù nhỏ, giá trị không lớn, nhưng lại chứa đựng tấm lòng yêu thương của những sinh viên Trường đại học Luật, Đại học Huế.

“Nồi cháo yêu thương”
Chàng sinh viên báo chí mê thiện nguyện

Gặp Đinh Thanh Thiên, sinh viên Báo chí K46, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế một vài lần, ấn tượng với chàng sinh viên này là sự vui vẻ, nhiệt huyết và luôn tỏa ra nguồn năng lượng tích cực.

Chàng sinh viên báo chí mê thiện nguyện
Return to top