Thể thao trong nước

Thiệt thòi hạng Nhất

ClockThứ Tư, 18/01/2017 19:52
TTH.VN - Sau khi 3 đội bóng Phú Yên, Đồng Nai và PVF rút lui, giải bóng đá hạng Nhất Quốc gia 2017 chỉ còn 7 đội với 12 lượt trận. Điều này là một thiệt thòi của các cầu thủ.

Giảm cơ hội cọ xát

Câu lạc bộ (CLB) bóng đá Huế đang bước vào giai đoạn nước rút trước khi tiến đến sân chơi hạng Nhất Quốc gia 2017. Dù chưa tiết lộ đội hình chính nhưng đến thời điểm hiện tại, Ban huấn luyện (BHL) đội bóng khẳng định đã tìm được bộ khung với đầy đủ các vị trí, sẵn sàng cho mùa giải mới.

Giải năm nay khởi tranh vào tháng 2/2017 với 7 đội: Nam Định, Viettel, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Bình Phước, Fico Tây Ninh và Huế. Số lượng đội bóng giảm sút đồng nghĩa sân chơi này cũng giảm bớt 6 lượt trận, chỉ còn 12 lượt trận. Số trận giảm là một thiệt thòi cho các đội bóng, nhất là Huế, bởi đây được xem như cơ hội lớn nhất để “rèn chân” cầu thủ.

 

Một trận bóng tại giải hạng Nhất Quốc gia 2016

Ngoài hạng Nhất, Huế khó có cơ hội tiếp cận với các giải đấu lớn hơn. Việc mời các đội bóng quốc tế thi đấu giao hữu hay chiêu mộ cầu thủ ngoại là chuyện không tưởng với đội chủ sân Tự Do vì lý do kinh phí. Ngay cả chuyện cầu thủ Cố đô phấn đấu lên tuyển Quốc gia, sau đó về giúp bóng đá tỉnh nhà phát triển cũng khó. Lý do là người cầm cân nẩy mực ở đội tuyển Quốc gia thường gạch tên cầu thủ Huế hoặc cất kỹ họ ở hàng ghế dự bị, đơn cử như Võ Lý bị gạch tên ra khỏi đội tuyển ở giải U21 Quốc tế 2015. Khó trách được BHL những đội bóng Quốc gia do toàn quốc có quá nhiều chân sút ở giải V.League để lựa chọn, trình độ cầu thủ ở giải hạng Nhất còn giới hạn, vì vậy mà cầu thủ Huế ít góp mặt ở đội tuyển Quốc gia là điều dễ hiểu.

Ông Đoàn Phùng, Trưởng đoàn bóng đá Huế trầm ngâm, túi tiền eo hẹp nên bóng đá Huế vẫn đặt mục tiêu chính là trụ hạng và cầu thủ Huế xem hạng Nhất là cơ hội để phát triển. Song, sự giảm sút các đội bóng năm nay khiến cơ hội cọ xát một lần nữa lại bị thu hẹp. Trung bình, mỗi năm một đội bóng cần thi đấu khoảng 30 trận trở lên. Việc thi đấu nhiều giúp cầu thủ duy trì nền tảng thể lực tốt, gia tăng kinh nghiệm, đồng thời giúp họ có cảm giác tốt với bóng.

Thông thường ở nhiều quốc gia, giải đấu hạng dưới bao giờ cũng có nhiều đội tham dự hơn giải đấu hạng trên. Như ở Anh, giải hạng Nhất có 24 đội tham dự trong khi số đội dự giải Ngoại hạng Anh là 20 đội. Ở Nhật Bản, J.League 2 có 22 đội tham dự còn J.League 1 có 18 đội. Có thể hiểu, lý do giải đấu hạng dưới nhiều hơn để cầu thủ các đội cọ xát, đồng thời đội bóng nào thắng trong cuộc cạnh tranh sẽ thăng hạng. Nhưng hiện tại ở Việt Nam, số đội chơi V-league lại gấp đôi giải hạng Nhất. Tất nhiên, số lượng đội bóng giảm khiến ban tổ chức phải đưa ra điều lệ mới là giảm số trận, đây là một phương án tình thế, nhưng ít nhiều ảnh hưởng đến trình độ cầu thủ khi họ ít được ra sân.

So sánh với các đội bóng trên thế giới là một điều khập khiễng. Song, dễ nhận thấy cầu thủ xứ người đá nhiều nên khả năng hoạt động như một cái máy trên sân suốt 90 phút, thậm chí là 120 phút. Ngay cả World Cup, vừa qua HLV Mourinho cũng tán thành phương án nâng số đội tham dự lên con số 48 (so với 32 đội), tức là sẽ tăng vọt số trận toàn giải lên 80 trận (trước đây là 64) bởi hơn ai hết, “người đặc biệt” hiểu cầu thủ càng đá sẽ càng có kinh nghiệm. Nhìn lại giải hạng Nhất năm nay, không ít người hâm mộ đặt câu hỏi: “đá ít, liệu rằng cầu thủ có nhanh tiến bộ?”.

Tự giúp mình

Lâu nay, người ta nói nhiều đến bản sắc đội bóng và dấu ấn cá nhân cầu thủ. Bóng đá cần thời gian để định hình phong cách đội bóng. Số lượt trận ít, bóng đá và cầu thủ Huế rất khó “khoe” với người hâm mộ bản lĩnh của mình.

Chuyện mùa giải hạng Nhất 2018 có tăng thêm số đội để tăng lượt trận không vẫn chưa có đáp án, nhưng có thể thấy bóng đá Huế còn có cơ hội để nâng trình cầu thủ. Hiện tại, Cố đô có bóng đá phong trào đang phát triển, đội bóng U19 Huế không biết nguyên cớ gì lại đá xuất thần. Kết nối những “nguyên liệu” ấy lại, Huế có thể tự tổ chức những giải đấu cho riêng mình để cầu thủ cọ xát, gia tăng kinh nghiệm. Đây cũng là một công đôi việc để tuyển chọn và giúp các chân sút nghiệp dư hướng đến chuyên nghiệp khi “túi tiền” đội bóng tỉnh nhà đang eo hẹp, khó lòng nhìn ngó cầu thủ bên ngoài.

Phát triển thể thao là cả một quá trình và bóng đá không nằm ngoài quy luật đó. Sân chơi hạng Nhất ít đội là một thiệt thòi, song nếu lạc quan hơn, cũng có thể nhìn đó là cơ hội và thời điểm để tính đến các chiến lược dài hơi, tìm kiếm cầu thủ mới thông qua các giải đấu tự tổ chức trong tỉnh.

Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cầu thủ nhập tịch

Trước thềm 2 trận đấu gặp tuyển Việt Nam vào cuối tháng 3 này, theo tờ Bola. Okezone, Indonesia đã hoàn thành nhập tịch cầu thủ gốc Hà Lan, Nathan Tjoe-A-On. Cầu thủ này đã tuyên thệ trở thành công dân Indonesia. Sau khi tuyên thệ, Nathan Tjoe-A-On có thể khoác áo đội tuyển Indonesia ngay.

Cầu thủ nhập tịch
Không còn “có mới, nới cũ”

Trong danh sách 33 cầu thủ được HLV Troussier triệu tập trong lần tập trung vào đầu tháng 3 này, chuẩn bị cho 2 trận đấu gặp Indonesia ở vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á, xuất hiện nhiều cái tên cũ, là trụ cột và chỗ dựa một thời của bóng đá Việt Nam.

Không còn “có mới, nới cũ”
Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”

Nửa mùa hạng Nhất đã đi qua và với vị trí top 3, bóng đá Huế đang có một mùa giải trên cả mong đợi. Cụ thể với 17 điểm, các học trò của ông Nguyễn Đức Dũng chỉ xếp sau 2 đội bóng được chỉ đích danh thăng hạng ngay từ đầu mùa giải và không có chi bất ngờ nếu được góp mặt ở sân chơi V. League vào năm sau. Sự thật thì chỉ có SHB Đà Nẵng là vượt trội, còn PVF-CAND cũng chỉ hơn CLB Huế vẻn vẹn 1 điểm và vượt lên ở lượt đá cuối cùng vào cuối tuần qua.

Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”
Chờ đến... dài cổ!

Cùng với CLB Huế đang thi đấu ở Giải hạng Nhất Quốc gia, CLB Thể Công - Viettel ở sân chơi V. League nhận được sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ Cố đô, bởi ở đội bóng này có bộ đôi cầu thủ gốc Thừa Thiên Huế là Hữu Thắng và Danh Trung.

Chờ đến  dài cổ
Return to top