ClockThứ Sáu, 01/02/2013 13:40

Thiếu…

TTH - Trong rất nhiều vụ án hình sự, bị cáo đi đến con đường phạm tội do thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình, cha mẹ. Đến lúc con (cháu) bị kết án, phạt tù, họ vẫn không nhận ra vấn đề quan trọng đó…

Một sáng cuối năm, dù còn rất sớm, nhưng khoảng sân ngoài phòng xét xử đã lố nhố người đợi. Đó là cha mẹ, người thân của 2 bị cáo T (20 tuổi) và S (19 tuổi) bị truy tố về tội “cướp giật tài sản”, sáng hôm đó phải ra trước vành móng ngựa. Gió lạnh. Những người đợi, có người môi tím tái, có người co ro thu mình sau nhiều lớp áo, nhưng không ai chịu vào phía trong phòng xét xử. Có lẽ, ai cũng hiểu, họ đang đợi “khúc ruột”, “giọt máu” của mình, dù chúng bước xuống từ chiếc xe “bít bùng” của công an bởi hành vi vi phạm pháp luật.

Minh họa: Hương Trà

Trước vành móng ngựa, các bị cáo luôn cúi mặt, bộ dạng thiểu não, khiến ai cũng khó tin, rằng chính bọn chúng là những kẻ cướp máu lạnh, trong thời gian 5 tháng liên tục, “tung hoành” từ Phong Điền đến Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang… thực hiện hàng loạt vụ cướp giật trên đường, không “tha” cho bất cứ đối tượng nào, dù đó là những cô bé học sinh đeo cặp sách, đi xe đạp, để lấy tiền ăn chơi vung vít.

Vị kiểm sát viên công bố cáo trạng: “vụ thứ nhất…”, “vụ thứ hai…”, “vụ thứ ba” “vụ thứ 10”… “…S lái xe áp sát cháu C, T ngồi sau giật túi xách rồi tăng ga bỏ chạy… mở túi xách kiểm tra thấy có 120 nghìn đồng, cả hai lấy chi tiêu ăn uống chung. Cháu C sau khi bị giật túi xách, ngã xuống đường bất tỉnh, được người dân đưa đến bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu…” Giọng vị kiểm sát viên rành rọt, nghiêm khắc, càng khiến T và S cúi gằm mặt. Cha mẹ các bị cáo, những người từ trước tới nay chỉ biết cắm cúi với công việc lao động lương thiện, mặt mày cũng tái mét, như thể chính họ là người gây nên tội. Một người thiểu não nói như phân bua: “Nhà đông con, hoàn cảnh khó khăn quá nên hắn không được đi học. Suốt ngày lo chạy cơm chạy gạo, nên mô có để ý việc chi khác được. Yên tâm con đi làm cát sạn thuê cho người ta, chứ có biết hắn theo bạn bè đi giật đồ như rứa?”

“Nhặt” từ những lời kể rời rạc của người thân T và S, được biết từ khi hai bị cáo này bị bắt, mỗi lần được phép, cha mẹ đều bỏ công bỏ việc, lặn lội đến trại tạm giam thăm. Đồ mang theo cho con dù rẻ tiền nhưng đủ thứ, từ thức ăn đến đồ dùng nhỏ nhặt. Họ sợ con thiếu thì tội nghiệp! Đến phiên tòa cũng là một dịp thăm, nên người thân S và T mới có mặt đông đến vậy. Và họ cũng không quên bới theo những giỏ xách lỉnh kỉnh bao nhiêu thứ đồ “tiếp tế”.

Sau khi tuyên án, T 8 năm 6 tháng tù, S 7 năm tù, Hội đồng xét xử công bố kết thúc phiên tòa. Công an làm nhiệm vụ nhanh chóng đưa hai bị cáo ra lại xe “bít bùng”. Nghe số năm mà con (cháu) mình phải ngồi trong tù, cha mẹ người thân của T và S bàng hoàng, chân cứ như bị “đóng đinh” xuống nền nhà phòng xét xử. Rồi họ hớt hải, cuống quýt chạy theo hai bị cáo, mong dúi được mấy thứ đồ ăn thức uống. Khi chiếc xe mất dạng sau ngã rẽ, những người “ở lại” mới thẫn thờ hỏi nhau: “Có gửi được hết đồ bới theo không?” “Có dặn được hắn nhớ làm đơn xin giảm mức án không?”…

Đó là nỗi lòng những người làm cha, mẹ, ông bà… có con, cháu rơi vào hoàn cảnh này. Nhưng, trong lo lắng của họ thiếu hụt một nỗi lo quan trọng nhất. Đó là, suốt cả buổi sáng, chưa lần nào có ai trăn trở, rằng chính sự thiếu quan tâm uốn nắn của gia đình nên con (cháu) họ mới “sa đà” đến vậy? Và làm cách nào để giúp con (cháu) trở về con đường thiện, sau khi chấp hành xong bản án. Bởi uốn nắn, cải tạo một người lầm lỡ, để sau này họ không tiếp tục sa chân vào lỡ lầm, không phải cứ “khoán trắng” cho những người quản giáo, cho xã hội, mà rất cần đến sự giáo dục đúng đắn, kiên quyết và nghiêm khắc của gia đình.

Phạm Thùy Chi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù

1 án tử hình, 1 chung thân và 9 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2,5 - 14 năm tù là bản án nghiêm khắc dành cho 11 thanh niên trong vụ hỗn chiến kinh hoàng dưới chân đèo Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) làm 2 người chết, 3 người trọng thương.

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù
Mất tình ruột thịt

Bất kể vụ tranh chấp nào phải “mang đến” chốn pháp đình cũng phức tạp. Nhưng phức tạp và đau lòng nhất vẫn là những vụ án mà đương sự là người thân ruột thịt trong một gia đình.

Mất tình ruột thịt
Bi kịch do sử dụng ma túy

Học đến lớp 11 thì bỏ học nửa chừng vì bị chúng bạn lôi kéo sử dụng chất ma túy, Lê Ngọc Phú Thịnh (SN 1995, trú phường Kim Long, TP. Huế) trở thành kẻ sát nhân máu lạnh. Đau đớn hơn khi mà nạn nhân lại chính là bà nội của y.

Bi kịch do sử dụng ma túy
Lời cảnh tỉnh

Thiếu cẩn trọng khi tham gia giao thông, người thiệt mạng, người còn vị thành niên bị pháp luật xử lý.

Lời cảnh tỉnh
Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân

Theo đó, tuyên mức án tử hình đối với Phan Văn Bá (SN 1976) và Lê Kim Huân (SN 1990), cùng trú TP. Đà Nẵng; đồng thời tuyên án chung thân đối với Phạm Đăng Huy (SN 1981), trú tỉnh Bình Thuận, trong vụ vận chuyển 14 bánh heroin (gần 5kg) từ Hà Tĩnh vào phía nam, bị bắt giữ tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân
Return to top