ClockThứ Sáu, 27/11/2015 12:50

Thiếu cơ sở đóng tàu xa bờ

TTH - Thiếu cơ sở đóng tàu công suất lớn nên ngư dân phải vào Đà Nẵng, ra Quảng Trị để thuê đóng tàu, gây nhiều trở ngại trong quản lý, tăng chi phí đầu tư.

Một tàu vỏ gỗ đang được nâng cấp

Các hộ ngư dân Trần Huấn, Trần Vẹn ở xã Lộc Trì (Phú Lộc)… vừa đóng mới hoàn thành chiếc tàu vỏ gỗ từ 700 CV trở lên. Có được những chiếc tàu công suất lớn, các ngư dân này phải vào Đà Nẵng để thuê đóng. “Về chất lượng thì đóng tàu ở nơi nào cũng như nhau, nhưng phải đến tận Đà Nẵng để đóng gây nhiều bất lợi. Chủ tàu thường xuyên ra vào kiểm tra, giám sát, không chỉ tăng chi phí đầu tư mà còn ảnh hưởng đến công việc làm ăn. Mỗi chiếc tàu đóng ở Đà Nẵng, chi phí thường cao hơn cả trăm triệu đồng so với đóng ở địa phương”, ông Trần Huấn chia sẻ.

Ngư dân Nguyễn Thanh Bình ở xã Phú Thuận (Phú Vang) sắp đóng mới chiếc tàu vỏ gỗ 800 CV. Ngoài việc hoàn thiện các thủ tục, thời gian qua ông Bình liên hệ tại các cơ sở đóng tàu trên địa bàn tỉnh, nhưng các cơ sở này đều quá tải. Ông Bình nói: “Việc đến các tỉnh khác thuê đóng tàu là “bất đắc dĩ”. Ngư dân chúng tôi đều có nguyện vọng được đóng tàu tại địa phương”.

Sửa chữa tàu tại Công ty TNHH An Thuận

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 2 cơ sở đóng tàu đảm bảo theo yêu cầu Nghị định 67 của Chính phủ, là cơ sở đóng tàu Nguyễn Văn Phong ở thị trấn Thuận An và Công ty TNHH đóng tàu thuyền An Thuận (Phú Vang). Mới đây, các cơ sở được chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp đất, mở rộng mặt bằng theo Nghị định 67. Các điều kiện về kỹ thuật, trang thiết bị máy móc của công ty đều đáp ứng yêu cầu sản xuất tàu công suất lớn, như: hệ thống đường truyền đà (thiết bị nâng chuyển), sức nâng lớn nhất 100 tấn, động cơ kéo tời 5 KW và các thiết bị tời kéo tàu, hệ thống đường triền dọc, hai đường triền ngang, máy khoan tàu... được đảm bảo. Công ty vừa mới đầu tư thêm máy phun sơn, máy nén nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng, thẩm mỹ tàu thuyền.

TS Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho rằng, trước yêu cầu phát triển, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ mở rộng các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu công suất lớn. Ngoài đóng tàu vỏ gỗ, trên địa bàn tỉnh cần có tối thiểu một cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu vỏ sắt. Điều này cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan trong việc đào tạo, tập huấn kỹ thuật đóng, sửa chữa và đầu tư công nghệ, các thiết bị máy móc...

Tuy nhiên, 2 cơ sở trên vẫn không đáp ứng nhu cầu phát triển tàu xa bờ trên địa bàn tỉnh. Tính riêng chỉ tiêu đóng mới tàu xa bờ theo Nghị định 67, trên địa bàn tỉnh có đến 45 chiếc công suất từ 400CV trở lên. Ngoài đóng mới, đến nay có đến hàng trăm hộ đăng ký nâng cấp, cải hoán nâng cao công suất tàu. Hàng chục hộ ngư dân còn tự bỏ kinh phí đóng mới tàu công suất lớn từ 700 CV trở lên. Như vậy, số tàu đóng mới, cải hoán, nâng cấp có thể đến hàng trăm chiếc. Mỗi chiếc tàu đóng mới phải mất từ 4 đến 5 tháng mới hoàn thiện. Với mặt bằng, nhân lực hiện có, các cơ sở đóng tàu trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu, buộc ngư dân phải đến các tỉnh khác thuê đóng.

Cùng với tàu vỏ gỗ, xu thế đóng tàu vỏ sắt, vật liệu mới đang được các ban ngành, ngư dân quan tâm. Đến nay đã có 2 ngư dân đăng ký đóng tàu vỏ sắt. Các cơ quan chức năng đang hoàn thiện các thủ tục để trình UBND tỉnh phê duyệt đóng mới 2 tàu vỏ sắt công suất 820 CV/tàu, với tổng kinh phí trên 41 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67 của Chính phủ. Chủ của hai tàu này là ông Nguyễn Văn Tèo ở xã Phú Hải và Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở đóng tàu vỏ sắt, các cơ sở đóng tàu vỏ gỗ cũng không đủ năng lực, điều kiện để đóng tàu vỏ sắt nên các hộ này sẽ vào Đà Nẵng, hoặc ra Quảng Trị thuê đóng.

Ngư dân Nguyễn Thanh Bình ở xã Phú Thuận cũng như các ngư dân khác đều cho rằng, việc đóng tàu ở các tỉnh khác sẽ gây nhiều khó khăn cho ngư dân. Đóng mỗi chiếc tàu vỏ gỗ đến khi hoàn thành phải mất từ 4 - 5 tháng, tàu vỏ sắt đến cả năm; nếu đóng ở các tỉnh khác không chỉ mất công đi lại để chăm sóc, quản lý, ảnh hưởng đến công việc làm ăn mà còn tăng chi phí đầu tư. Theo tính toán của ngư dân, đóng mỗi chiếc tàu ở các tỉnh khác có thể tăng chi phí từ trăm triệu đến vài trăm triệu đồng, chủ yếu là chi phí đi lại, thuê người chăm sóc. Ngoài ra, việc thiếu cơ sở đóng tàu, sửa chữa tàu vỏ thép nên ngư dân phải đến các tỉnh khác để sửa chữa, duy tu bảo dưỡng cũng gây tốn kém chi phí đi lại, nhiên liệu di chuyển tàu...

Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
AgriDrone tư vấn máy bay phun thuốc sạ lúa rải phân DJI T50

Máy bay phun thuốc sạ lúa rải phân DJI T50 là một công cụ không thể thiếu cho ngành nông nghiệp hiện đại. Với công nghệ tiên tiến và hiệu quả vượt trội, máy bay DJI T50 giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí và bảo vệ môi trường. Hãy cùng AgriDrone tìm hiểu chi tiết về sản phẩm này nhé.

AgriDrone tư vấn máy bay phun thuốc sạ lúa rải phân DJI T50
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Khang Võ - Đơn vị tư vấn và thi công thiết bị bếp công nghiệp uy tín

Thiết bị bếp công nghiệp là những sản phẩm không thể thiếu trong các bếp ăn công nghiệp. Tất cả các sản phẩm thiết bị bếp được sản xuất chính hãng sẽ đảm bảo mang lại năng suất hiệu quả cao. Công ty Khang Võ là đơn vị tư vấn và thi công thiết bị bếp công nghiệp uy tín được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn hiện nay.

Khang Võ - Đơn vị tư vấn và thi công thiết bị bếp công nghiệp uy tín
Tiếp nhận 5 cá thể rùa quý

Ngày 25/4, Hạt Kiểm lâm (HKL) TP. Huế tiếp nhận một cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung từ ông Đỗ Văn Minh ở phường An Đông tự nguyện giao nộp.

Tiếp nhận 5 cá thể rùa quý

TIN MỚI

Return to top