ClockThứ Bảy, 21/12/2019 15:25

Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp dệt may đang 'hụt hơi'

Thông thường hàng năm, đến thời điểm cuối năm này, các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đã có đơn hàng cho cả năm sau đó, nhưng năm nay, đơn hàng dè dặt hơn. Lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp hiện mới chỉ bằng 80% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu dệt may đối mặt nhiều thách thứcĐiểm dừng chân của người lao độngXuất khẩu dệt may 2019 “chạm ngưỡng” 40 tỷ USDGiữ nghề, tạo việc làm

Không chỉ thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp còn không nhận được những đơn hàng dài hạn, mà thay vào đó là các đơn hàng ngắn hạn theo tháng, theo quý.

 

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH May Tinh Lợi, vốn đầu tư của Hong Kong (Trung Quốc), tại khu công nghiệp Lai Vu (Hải Dương). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), dự kiến kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành trong năm 2019 này chỉ đạt 39 tỷ USD, tăng 7,55% so với năm 2018. Như vậy, xuất khẩu cả năm không đạt được mục tiêu như đã đề ra từ đầu năm là 40 tỷ USD.

Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc May Hồ Gươm cho biết, năm 2019 các đơn hàng của may Hồ Gươm sụt giảm so với năm ngoái. Nhìn lại một năm thấy rõ, đơn hàng quý I và quý II không thiếu, chưa biểu hiện khó khăn, nhưng đến quý III thực sự doanh nghiệp càng khó khăn do đơn hàng giảm đột biến. Có thời điểm doanh nghiệp thiếu đơn hàng, công nhân phải nghỉ việc. Tuy nhiên, đến cuối năm đơn hàng đã ổn định hơn. Hiện doanh nghiệp đang cố gắng tìm nguồn hàng để duy trì sản xuất. Khách chào đơn hàng nào, doanh nghiệp cũng thỏa thuận nhận đơn hàng đó và chấp nhận bù lỗ để giữ chân công nhân, duy trì sản xuất.

Theo ông Phí Ngọc Trịnh, nguyên nhân đơn hàng năm nay giảm là do thị trường mới nổi Myanmar “bùng nổ” hàng đi châu Âu. Giá nhân công của họ thấp hơn Việt Nam, do vậy sức cạnh tranh lao động không còn là điểm mạnh của dệt may Việt Nam. Bên cạnh đó, thuế hàng dệt may Việt Nam vào châu Âu cao cũng là một rào cản để các đơn hàng không vào Việt Nam.

Là một trong những doanh nghiệp may lớn có uy tín trong ngành may xuất khẩu, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 - CTCP phân tích, sau nhiều năm kinh doanh, ông nhận thấy năm nay là một năm bất ổn nhất trong nhiều năm qua, bất ổn từ đơn hàng, đến các nhà nhập khẩu ở các thị trường lớn của May 10 như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Cụ thể, những năm trước đơn hàng gia công chiếm tỷ trọng 60% năng lực sản  xuất của công ty, nhưng năm 2019 đơn hàng gia công giảm trầm trọng.

Thị trường dệt may năm 2019 “nóng”, “lạnh” bất thường, có những thời điểm tưởng dư đơn hàng, nhưng lại là lúc thiếu đơn hàng. Và có những thời điểm tưởng thiếu đơn hàng thì lượng đơn hàng lại về dồn dập.  Đặc biệt vào dịp cận Tết Nguyên đán 2020 này, tưởng thiếu đơn hàng nhưng hiện đơn hàng của May 10 đang dồn về. Nhiều khách hàng yêu cầu giao hàng trước Tết Âm lịch.

Mặc dù thị trường khó khăn bất ổn, đơn hàng giảm như vậy nhưng kết thúc năm 2019, May 10 vẫn đạt được kế hoạch đề ra với kim ngạch xuất khẩu đạt và vượt 11,5% so với năm 2018. Có kết quả này do bộ phận làm hàng FOB (tự chủ về nguyên liệu) của May 10 đã nỗ lực tìm kiếm thêm khách hàng mới, thị trường mới. Thay vì đơn hàng làm gia công (OEM) giảm, nhưng đơn làm hàng FOB tăng cao đã bù đắp khi đơn hàng gia công thiếu hụt.

Ông Thân Đức Việt dự báo, sang năm 2020, đối với các đơn hàng xuất khẩu có tín hiệu tốt hơn năm 2019. Tuy nhiên, giá đơn hàng của các nhà nhập khẩu xu hướng không tăng, thậm trí khách hàng có yêu cầu giảm giá và vẫn có dấu hiệu bất ổn như sẽ có những lúc “rất nóng”  sẽ có những lúc “rất lạnh” như năm 2019.

Trong bối cảnh thị trường bất ổn vậy, May 10 đã có cái nhìn và có giải pháp nhằm giữ được lượng đơn hàng  từ thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và tới đây thị trường Hàn Quốc, Canada, Trung Quốc ổn định sẽ tạo công ăn việc làm cho người lao động trong doanh nghiệp.

Sở hữu doanh nghiệp trên 15.000 lao động, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, năm 2019 cả ngành dệt may gặp khó khăn do  các đơn hàng số lượng lớn, đơn giản... đã rút bớt sang các thị trường khác. Thay vì khách hàng trước đây họ đặt trước 5-6 tháng, nay họ chỉ đặt 1-2 tháng. Hơn nữa, đối tác thường xuyên đòi giảm giá từ 10 - 15%, năm ngoái. Cụ thể, một cái áo có giá gia công 4 USD thì năm nay đối tác đòi hỏi chỉ còn 3,5 USD. Nhiều khi doanh nghiệp đồng ý giá 3,5 USD, đối tác cũng không ký vì có nơi khác giá còn rẻ hơn.

Trước những khó khăn trên, không còn con đường nào khác, May Hưng Yên phải hạ giá để giữ đơn hàng (rẻ cũng phải làm). Dẫn đến tình trạng sản xuất kinh doanh 2019 thấp, hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm. Mặc dù doanh thu giảm nhưng tiền lương vẫn phải đáp ứng cho người lao động. Sang năm 2020, doanh nghiệp trông chờ áp lực chiến tranh thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu Mỹ tiếp tục áp đặt thuế vào các mặt hàng Trung Quốc; trong đó, có dệt may thì khách hàng chuyển đơn hàng hàng sang Việt Nam cũng là cơ hội.

Lý giải một trong những nguyên nhân khiến đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh trong năm nay, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng do xuất phát từ tác động của các Hiệp định thương mai tự do (FTA). Các FTA, điển hình như FTA Việt Nam-EU (EVFTA), ban đầu tưởng rằng sẽ có tác động mạnh, tuy nhiên, thực chất FTA này mới được ký kết chứ chưa có hiệu lực thực sự, hàng xuất khẩu vẫn chịu thuế. Khách hàng nhìn nhận các FTA mang đến nhiều cơ hội nhưng cơ hội chưa thật, Việt Nam mới chỉ ở dạng tiềm năng, nếu chuyển đơn hàng sang thị trường khác thì lợi ích cao hơn.

Một trong những nguyên nhân các doanh nghiệp dệt may đưa ra là họ đang đối mặt với nhiều khó khăn như: cạnh tranh từ các cường quốc dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... nhiều nước tập trung hỗ trợ ngành dệt may; trong đó có cả những quốc gia mới nổi ở khu vực châu Phi khiến số lượng nhà sản xuất tăng mạnh, đơn hàng bị san sẻ và dòng đơn hàng chuyển dịch sang nước khác cũng khiến dệt may Việt Nam gặp khó.

Đơn hàng từ Trung Quốc có xu hướng chuyển sang các quốc gia hiện có ưu đãi về thuế suất như Bangladesh, Campuchia. Bên cạnh đó giá bông thường xuyên giữ ở mức thấp trong khi việc sử dụng bông tại các quốc gia như Bangladesh, Việt Nam, Trung Quốc đang chậm lại. Cả thương nhân và người mua cuối cùng đều giữ nhu cầu ở mức tối thiểu và tránh tích lũy hàng tồn kho. 

Bên cạnh đó, do chính sách tiêu dùng của một số nước nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản có một số mặt hàng sức mua của họ giảm do thời tiết, chính sách tiêu dùng và ảnh hưởng chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Cẩm, thiếu đơn hàng không phải ở tất cả các doanh nghiệp dệt may, chỉ ở một số đơn vị và một số mặt hàng.

Chủ tịch Công ty Đầu tư và Thương mại May Thái Nguyên (TNG), ông Nguyễn Văn Thời cho biết, năm 2019, công ty có thể đạt lợi nhuận sau thuế 220 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch năm và tăng 22% so với năm trước. Cho giai đoạn 2020-2024, Công ty lên kế hoạch doanh thu tăng 15% và lợi nhuận tăng 19% bình quân mỗi năm.

Hiện Công ty đã có đủ đơn hàng cho đến năm 2020. Các khách hàng chủ yếu của đơn vị là EU và Mỹ vẫn yêu cầu Công ty nâng công suất. Ngoài ra, Công ty có tiếp xúc với khách hàng ở Nga và nhận được phản hồi tốt. Trong 5 năm tiếp theo, TNG định hướng ngành may mặc vẫn giữ vai trò chủ đạo.

Trong năm 2020, Công ty lên kế hoạch tăng đầu tư 100 tỷ đồng vào Nhà máy May TNG Đồng Hỷ giai đoạn 2 với 15 chuyền may, nâng tổng chuyền may toàn Công ty lên 267 chuyền may. Đồng thời, dự kiến trong tháng 12 sẽ khởi công Nhà máy May TNG Võ Nhai với tổng vốn đầu tư 290 tỷ đồng và quy mô 32 chuyền may.

Để ổn định sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đưa ra khuyến cáo doanh nghiệp dệt may cần có biện pháp mới nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với tình hình mới, cần tích cực tìm kiếm đơn hàng để bảo đảm sản xuất.

Cùng với đó là chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA. Doanh nghiệp cũng phải tuân thủ yêu cầu của nhãn hàng về phát triển bền vững để thu hút được nhiều đơn hàng trong tương lai. Năm 2020 ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 42 tỷ USD.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top