ClockThứ Tư, 16/02/2022 05:57
Trường học mở cửa:

Thiếu giáo viên mầm non ngoài công lập

TTH - Nhiều giáo viên mầm non ngoài công lập đã phải làm đủ nghề để kiếm sống khi trường học đóng cửa dài ngày. Công việc dần dần ổn định, họ không muốn trở về trường cũ khi lương tiền chưa ổn định bởi tỷ lệ các cháu đi học còn ít.

Các tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng giáo viên mầm non, phổ thôngGiáo viên mầm non ngoài công lập: Chật vật giữ nghề trong dịchCô giáo trường làng tận tụy

Chăm trẻ là công việc thường xuyên của giáo viên mầm non (Ảnh minh họa)

Chị Nguyễn Ngọc Mai, giáo viên một trường mầm non tư thục tại TP. Huế đã xin nghỉ việc, tập trung bán hàng online. Chị Mai cho biết, gắn bó với công việc giáo viên mầm non tư thục đã 7, 8 năm qua. Tuy nhiên, do dịch bệnh, cuộc sống của chị bấp bênh, nghỉ dài ngày không có nguồn thu nhập, khó khăn chồng chất khó khăn. “Giáo viên chúng tôi cứ dạy được một vài tháng, có đợt dịch mới trường học lại đóng cửa. Tại nơi tôi làm việc nhiều người đi làm giúp việc theo giờ, người bán hàng online… Suốt hai năm nay, tôi gặp không ít khó khăn khi không ổn định cuộc sống”, chị Mai chia sẻ.

Một số trường còn cầm cự giữ chân giáo viên khi hỗ trợ một phần chi phí nhưng chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Tôi vẫn còn nhớ nỗi lo âu của cô Nguyễn Thị Nhung, một chủ trường mầm non ngoài công lập khi hàng ngày chứng kiến giáo viên chuyển nghề. Cô tiếc vì nhiều giáo viên tận tâm với  nghề, được đào tào bài bản lại lần lượt rời trường để làm công việc khác. “Ban đầu, trường cố gắng trả mức lương cơ bản cho hơn 15 giáo viên và nhân viên, sau đó giảm xuống còn 50%. Về sau thì không cố gắng được nữa nên chúng tôi thông báo cho các cô giáo chủ động công việc” - cô Nhung ray rứt.

Khó tuyển lại giáo viên mầm non ngoài công lập trong thời điểm hiện tại trở nên phổ biến. Là chủ trường mầm non tư thục lớn, cô Đinh Thị Thơ nhận định: Lực lượng giáo viên mầm non ở các cơ sở ngoài công lập nhiều tháng rồi không có việc làm, chịu áp lực về vấn đề kinh tế. Hầu hết các trường đều không còn khả năng chi trả lương cho người lao động. Nếu họ tìm được công việc tốt, mức thu nhập tương đương hoặc cao hơn thì họ sẽ khó quay lại với nghề, khi trường học cứ mở được ít tháng lại đóng. “Tan tác mỗi người mỗi nơi tôi cảm thấy hụt hẫng, ai cũng mong mở trường lại nhưng áp lực nhất là sau đại dịch, giáo viên bỏ nghề, trường rất khó tuyển được lao động mới. Chưa kể, phụ huynh cũng khó khăn, chuyển nhiều học sinh về khối trường công để giảm chi phí”, cô Thơ trải lòng.

Bà Vũ Thị Thy, chủ trường mầm non Mẹ yêu con cho hay, dù trong đợt dịch COVID-19, nhà trường đã hỗ trợ lương cơ bản để giữ chân đội ngũ nhưng một số giáo viên xin nghỉ để về quê tránh dịch, sau đó họ ở lại quê luôn nên trường thiếu hụt giáo viên. Hiện, trường đang cần tuyển gấp 10 giáo viên mầm non. Theo bà Thy, nếu trước đây trung bình 3 giáo viên/lớp thì với đội ngũ hiện tại sẽ 2 giáo viên/lớp. Bà Thy ước lượng học sinh quay lại trường chỉ đạt khoảng 30% nên trước mắt với đội ngũ này vẫn đảm bảo chất lượng giảng dạy, nhưng về lâu dài sẽ cần phải bổ sung thêm giáo viên.

Trong khi các trường mầm non ngoài công lập thiếu giáo viên, một số cô vẫn chưa sẵn sàng để trở về trường. Cô Hà Thị Yến, người có 10 năm trong nghề “gõ đầu trẻ” chia sẻ, khi nghe hiệu trưởng mời về dạy lại, tôi thấy vui lắm, nhưng cũng còn lăn tăn. Hiện tôi đã mở được một quầy tạp hóa, buôn bán cũng ổn định, còn về lại trường thu nhập phụ thuộc vào sĩ số đến trường của trẻ. Hiện tại, phụ huynh vẫn chưa cho con đến trường nên thu nhập giảm sút so với thời điểm trước, khó để ổn định cuộc sống.

Nhìn trực diện vấn đề này, lãnh đạo GD&ĐT nhận định, hiện các đơn vị và người lao động hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non ngoài công lập đã được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ hỗ chung của Chính phủ. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tiếp tục đối mặt với nguy cơ thiếu giáo viên, cơ sở vật chất xuống cấp, không có kinh phí để duy trì hoạt động, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch, thậm chí bị giải thể. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục mầm non và kết quả phổ cập giáo dục cho trẻ em dưới 5 tuổi trong thời gian tới.

Cần có cơ chế động viên để giáo viên mầm non không bỏ việc, đảm bảo nguồn giáo viên khi điều kiện học tập dần quay trở lại bình thường là một trong những mục tiêu mà các trường phấn đấu. Tuy nhiên, ngoài những chính sách hỗ trợ, vẫn rất cần sự đồng lòng và yêu nghề từ phía giáo viên để đảm bảo mục tiêu có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp.

Bài, ảnh: HUẾ THU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau

Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên (1 trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu - người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam) mới đây đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế xung quanh những vấn đề về giáo dục hiện nay. Bà chia sẻ về áp lực của giáo viên, học sinh cùng trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong bối cảnh chương trình giáo dục liên tục thay đổi.

Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau
Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn

Để tăng cơ hội cho trẻ em ở vùng khó khăn được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện.

Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn

TIN MỚI

Return to top