ClockChủ Nhật, 06/08/2017 08:33

Thiếu một sắc màu văn hóa

TTH - Một lần ghé thăm cung điện Gyeongbokgung ở thủ đô Hàn Quốc, cùng với những khám phá về kiến trúc văn hóa cổ xưa, điều khiến tôi nhớ mãi là bất ngờ được thưởng thức chương trình âm nhạc và biểu diễn nghệ thuật ngoài trời. Cả đám đông không một ai quen biết, bỗng như cảm thấy thân quen, gần gũi lạ.

Những sân khấu ngoài trời đã trở nên phổ biến ở các điểm đến tham quan du lịch tại Hàn Quốc. Ngay ở Seoul, tôi cũng đã bắt gặp các điểm biểu diễn nghệ thuật ngoài trời ở khu vực tháp truyền hình Namsan (N Seoul Tower), đảo Nami và nhiều nơi khác nữa. Điểm chung của những sân khấu ngoài trời này là khá đơn giản, liên tục hoạt động, gợi nhớ đến các sân khấu trong các dịp Festival Huế. Nó hấp dẫn bởi đưa đến cho khách xem như tôi những trải nghiệm lạ và cũng bởi cái không gian văn hóa gần gụi, như không hề có sự ngăn cách nào cả giữa nghệ sĩ và khán giả. Đặc biệt, người Hàn Quốc cũng không quên tận dụng cơ hội để giới thiệu trang phục truyền thống Hanbok, có cách đây hàng trăm năm của họ.

Ở Huế cũng có những sân khấu ngoài trời. Ngay sau ngày giải phóng năm 1975, tôi đã có dịp thưởng nhiều chương trình văn nghệ xung kích diễn ra ở Nhà Văn hóa Lao động (cung An Định) bên bờ nam, hay nơi Thương Bạc ở bờ bắc sông Hương. Ngoài ra, còn có thêm một vài tụ điểm nữa, như ở tiền sảnh Trung tâm Thông tin Văn hóa tỉnh. Hay gần đây là phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu với các hoạt động âm nhạc đường phố vào ban đêm khiến bao người một lần đi qua và ghé lại đều “phải lòng”. Đặc biệt hơn cả là sự xuất hiện trở lại dàn nhạc kèn nơi công viên 3/2. Hình ảnh các bạn trẻ ôm kèn thổi những bản nhạc rộn ràng mỗi chiều thứ bảy đã trở nên quen thuộc với người Huế và khiến cho âm thanh của kèn trở nên gần gũi hơn với mọi người.

Những sân khấu ngoài trời, nhất là vào ban ngày, thường mang lại cho người xem một cảm giác thú vị. Buổi chiều dạo chơi trên phố bất ngờ bắt gặp một sân khấu âm nhạc. Không phải mua vé, chẳng có bờ tường vây quanh, cũng chẳng có kế hoạch cụ thể nhưng vì không cưỡng được “cám dỗ” của tiếng nhạc ngân vang và đám đông vui vẻ, vậy là rẽ lối bước vào và rồi, âm nhạc đã như khiến mọi người xích lại gần nhau hơn. Đã có rất nhiều người cùng chung một nhận xét, các buổi diễn ngoài trời, dù không quá chuyên nghiệp, không có những sân khấu quá xa cách với những trang trí rườm rà mà thay vào đó, ca sĩ và khán giả ở gần nhau, cùng giao lưu và chia sẻ âm nhạc.

Chợt thấy thèm đến lạ lùng một không gian âm nhạc truyền thống nơi góc nhỏ ở cung điện Gyeongbokgung nổi tiếng với điệu Gugak và hình ảnh các vũ công, ca sĩ xứ Kim Chi điệu đà trong trang phục Hanbok khi ghé lại Đại Nội Huế chiều nay sao yên ắng lạ. Còn lên thăm Thiên Mụ, từ ở cao nhìn xuống dòng Hương Giang, lại da diết nhớ lại hình ảnh về sân khấu ca nhạc ở khu di tích tháp truyền hình Namsan. Lang thang dạo bước ở Gyeongbokgung, tháp truyền hình Namsan hay nhiều di tích ở Hàn Quốc, các sân khấu ca nhạc và biểu diễn nghệ thuật ngoài trời là điểm dừng chân và gặp gỡ để mọi người cùng thư giãn, thưởng thức và khám phá những mới lạ nơi mình đang đến.

Di tích, đền đài là của tiền nhân để lại, non xanh nước biếc là báu vật mà tạo hóa ban tặng cho cả một vùng đất. Thiếu vắng âm thanh rộn ràng và những điểm gặp gỡ không cần phải cầu kỳ tốn kém do chính những con người hôm nay tạo nên, các điểm đến du lịch ở Huế trở nên quá trang nghiêm và tĩnh lặng. Sân khấu ca nhạc và biểu diễn nghệ thuật ngoài trời không xa lạ với Huế. Thế nhưng, không hiểu sao nó vẫn chưa được dẫn dắt để đến với các điểm đến du lịch, góp phần tạo nên một sắc màu văn hóa du lịch mới sống động ở vùng đất di sản bên bờ sông Hương.

ĐÌNH NAM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh

Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo nếp sống văn hóa là thành quả đáng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Nam Đông khi triển khai Đề án Ngày Chủ nhật xanh “hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạnh - sáng”.

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh
Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

Văn hóa đọc không còn như trước đây, không phải cứ cầm sách mới là đọc sách. Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời đại công nghệ số, độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần có điện thoại, máy tính… kết nối internet.

Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số
Em và ngày hội đọc sách

So với các bạn cùng trang lứa TP. Huế và vùng đồng bằng, các bạn nhỏ ở huyện vùng núi, vùng xa Nam Đông và A Lưới thiệt thòi hơn nhiều về điều kiện để tiếp cận công nghệ thông tin...

Em và ngày hội đọc sách
Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”

Ngày 21/4, tại tổ dân phố 4, Khối Dân vận phường Phường Đúc (TP. Huế) tổ chức khánh thành “Điểm xanh văn hóa”, trị giá hơn 50 triệu đồng.

Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”
Return to top