ClockThứ Sáu, 13/12/2019 19:30

Thiếu những lớp học hiệu quả với công nghệ

TTH.VN - Đổi mới giáo dục là định hướng lớn của các trường song theo đại diện lãnh đạo Đại học (ĐH) Huế, nếu không thiết kế được những lớp học lấy công nghệ để tương tác thì cách giảng dạy lâu nay dễ dẫn đến nhàm chán và lạc hậu.

Đột phá của thế hệ giáo viên thời 4.0Giáo dục đại học: Tính toán điều chỉnh cơ cấu ngành đào tạoTriển khai chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học

Công nghệ cao chưa ứng dụng hiệu quả

Có mặt tại một trường ĐH, không khó để thấy nhiều giảng viên vẫn duy trì lối dạy truyền thống. Ngoài truyền thụ kiến thức từ giáo trình, một số giảng viên chỉ vận dụng công nghệ để trình chiếu một số thông tin, hình ảnh mà thậm chí kiến thức đó sinh viên (SV) hoàn toàn có thể tìm hiểu trên mạng. Đề cập vấn đề này, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế trăn trở: “Nếu như cách chiếu slide để giảng dạy nhiều năm về trước là tốt thì hiện nay có thể không còn hiệu quả”.

Một lớp học giảng dạy qua máy chiếu tại Trường ĐH Nông lâm

Theo đại diện ĐH Huế, vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy ở một số đơn vị chưa thực sự tạo ra chuyển biến. Đặc biệt, có nền tảng công nghệ nhưng việc vận dụng vẫn chưa tốt. Ở nước ngoài, nhiều trường đã thiết kế các lớp học tương tác với công nghệ, từ điểm danh đến trả lời câu hỏi của giảng viên đều bằng công nghệ.

“Họ cho SV dùng điện thoại để học và đánh giá chuyên cần cũng như khả năng nắm bắt kiến thức. Lớp học theo mô hình ấy rất sinh động, hiệu quả nhưng các trường ĐH trong nước vẫn chưa làm được. Một số giảng viên vẫn còn dạy với phương pháp cũ, có những nội dung, tài liệu SV đã đọc rồi nên lớp học trở nên nhàm chán”, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương trăn trở.

Theo nhiều SV đang học tại Huế, sự tiến bộ của công nghệ vẫn chưa được vận dụng nhiều vào đào tạo ở bậc ĐH. N.V.T, SV ĐH Huế cho rằng, mô hình đào tạo trực tuyến được nhắc đến từ lâu, tuy nhiên đến nay người học vẫn phải đều đặn cắp sách đến trường trong khi sự tương tác với thầy cô chưa nhiều.

PGS.TS. Võ Viết Minh Nhật, Phó Trưởng Ban Đào tạo ĐH Huế thừa nhận, lợi thế hiện nay công nghệ phát triển và mô hình đào tạo trực tuyến đã được hình thành từ lâu, nhiều giảng viên của ĐH Huế cũng đã được tập huấn nhưng các trường vẫn chưa thể mạnh dạn áp dụng.

“Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích đào tạo trực tuyến nhưng chưa có quy định cụ thể. Thông thường, các trường thuộc Bộ khi ban hành văn bản cần dựa trên các quy định hướng dẫn của Bộ, nếu không họ rất ngại. Trong trường hợp khuyến khích thì dẫn đến tình trạng làm cũng được mà không làm cũng được”, PGS.TS. Võ Viết Minh Nhật phân tích.

Theo đại diện Ban Đào tạo ĐH Huế, một số cán bộ được tập huấn về E-learning (giáo dục trực tuyến) rất muốn áp dụng nhưng có nhiều vấn đề phát sinh, bởi để làm các bài giảng E-learning mất nhiều thời gian, trong khi vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ về tài chính. Hơn thế, cơ sở vật chất chưa đáp ứng, nỗi lo về bảo mật bài giảng, tính ổn định của đường truyền… khiến nhiều người ngại, dẫn đến vẫn dạy theo phương pháp truyền thống.

Hướng đến giáo dục trực tuyến

Theo các chuyên gia giáo dục, nếu không nhanh chóng thay đổi phương pháp giảng dạy thì người học dễ nhàm chán, chất lượng giáo dục sẽ bị ảnh hưởng. PGS.TS. Huỳnh Văn Chương khẳng định, ĐH Huế rất quan tâm đến chất lượng giáo dục và sẽ có những giải pháp để nâng cao kỹ năng giảng dạy theo phương pháp mới.

Những lớp học mở với công nghệ rất cần thiết với sinh viên hiện nay (Ảnh minh họa)

Theo PGS.TS. Võ Viết Minh Nhật, ĐH Huế đã áp dụng thử nghiệm một số lớp học theo các bài giảng E-learning và đang cố gắng hoàn thiện để sắp tới có thể ban hành quy định về giảng dạy E-learning với lộ trình triển khai dần dần, phấn đấu đến năm 2025 có thể triển khai đại trà.

“Mô hình dạy theo E-learning theo hướng tiết kiệm thời gian vì có thể học ở nhà, giúp người học ở xa thuận tiện và tiết kiệm chi phí về cơ sở phòng học, điện nước. Tuy nhiên cần thời gian để giải quyết các vấn đề đã nói, nhất là đảm bảo cơ sở vật chất, hỗ trợ chuyển đổi bài giảng sang E-learning và quan trọng là hành lang pháp lý”, ông Nhật nhấn mạnh.

Hiện nay, với chương trình Hợp tác thể chế ĐH của ĐH Huế do VLIR-UOS tài trợ và sau nhiều lần được tập huấn với các giáo sư đầu ngành từ Vương Quốc Bỉ về mô hình lớp học đảo ngược, một số đơn vị đã áp dụng mô hình này. Theo giảng viên Nguyễn Phước Cát Tường, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, mô hình lớp học đảo ngược là mô hình giáo dục tiên tiến được ứng dụng dựa trên sự phát triển của công nghệ E-Learning và phương pháp đào tạo hiện đại. Với mô hình này, ở nhà SV tự nghiên cứu trước các bài giảng của giáo viên trên các video clips trực tuyến (hoặc qua sách và các trang web). Giờ học ở lớp sẽ dành cho các hoạt động hợp tác giữa giảng viên và SV để củng cố, đào sâu thêm các khái niệm mà SV đã tự tìm hiểu bằng hoạt động thảo luận, vấn đáp.

Tuy nhiên, theo cô Tường, muốn mô hình này được nhân rộng và hiệu quả thì về giảng viên phải đầu tư để có những giáo trình và bài giảng E-Learning bài bản, sinh động và hấp dẫn để lôi cuốn người học. Đồng thời người giảng dạy phải giỏi về công nghệ và vững về phương pháp để có thể theo dõi, đánh giá chính xác được việc tiếp thu bài giảng của người học cũng như quản lý và xử lý tốt những vấn đề liên quan đến kỹ thuật. Ngoài ra, về phía SV, họ phải có khả năng tự học, có tính kỷ luật và ý chí.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top