ClockThứ Tư, 13/10/2021 14:19

Thiếu quy chế hoạt động, vai trò lãnh đạo của Đảng bị xem nhẹ

TTH - Sự việc liên quan đến công tác cán bộ tại Công ty cổ phần (CP) Dệt may Huế cho thấy, tổ chức Đảng gần như chưa được xem trọng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các Nghị quyết của ĐảngTăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác dân vậnNâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng

Là doanh nghiệp Nhà nước nên các hoạt động tại Công ty CP Dệt may Huế chịu sự chi phối của Quy định 287

Là thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Công ty CP Dệt may Huế (Huegatex) là một trong những doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn tỉnh. Đơn vị này chuyên sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu các sản phẩm sợi, vải dệt kim, hàng may mặc; nguyên phụ liệu, thiết bị ngành dệt may... Doanh thu hàng năm gần 1.800 tỷ đồng.

Tại quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp năm 2004 (nay là Bộ Công thương), cơ cấu vốn điều lệ của công ty là 42 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ cổ phần của Nhà nước là 51%, tỷ lệ bán cổ phần cho lao động trong công ty là 49%, là công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng Công ty Dệt may Việt Nam (nay là Tập đoàn Dệt may Việt Nam).

Hiện nay, Công ty CP Dệt may Huế có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Dệt may Việt Nam (doanh nghiệp Nhà nước) là tổ chức đại diện sở hữu 63,9%, còn lại huy động cổ đông. Đảng bộ doanh nghiệp này có hơn 260 đảng viên, chức năng, nhiệm vụ thực hiện theo Quy định 287-QĐ/TW năm 2010 do Ban Bí thư ban hành.

Những ngày gần đây, cán bộ, công nhân Công ty CP Dệt may Huế băn khoăn, thắc mắc khi Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế - ông Nguyễn Văn Phong dù đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục giữ chức vụ thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc công ty.

Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Văn Phong sinh ngày 11/6/1961, được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế nhiệm kỳ 2018-2023 vào ngày 1/4/2018. Quyết định bổ nhiệm do ông Nguyễn Bá Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế thời điểm đó ký. Điều chưa hợp lý là theo quy chế cán bộ của doanh nghiệp này, ông Phong không đủ tiêu chuẩn về tuổi để giữ chức vụ tổng giám đốc. Cụ thể, trước khi được bổ nhiệm tổng giám đốc, ông Phong là Phó Tổng giám đốc công ty, và thời điểm bổ nhiệm ông Phong đã 57 tuổi, không còn đủ tuổi cho một nhiệm kỳ.

Đến nay, dù đến tuổi nghỉ hưu nhưng ông Phong vẫn tiếp tục giữ chức vụ Tổng giám đốc, đặt ra dấu hỏi về lỗ hổng trong công tác quản lý, giám sát và quy trình bổ nhiệm cán bộ quản lý.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Quang (hiện là thành viên HĐQT Công ty CP Dệt may Huế) thừa nhận: “Khi bổ nhiệm ông Phong vào vị trí Tổng giám đốc, chúng tôi cũng làm quy trình chặt chẽ, song việc không để ý tuổi của ông Phong, dẫn đến sai sót. Về vấn đề này, tôi nhận trách nhiệm. Ở thời điểm đó, nếu làm chặt chẽ hơn sẽ không bổ nhiệm ông Phong, bởi tuổi của ông không đủ nhiệm kỳ”.

Từ những thông tin chúng tôi cung cấp, Luật sư Nguyễn Thị Nguyên Hương, Giám đốc Công ty Luật CoPLUS nêu quan điểm: “Quy trình bổ nhiệm ông Phong đã sai. Ngoài ra, đây là doanh nghiệp Nhà nước nên việc ông Phong dù đã đến tuổi hưu nhưng vẫn tiếp tục được giữ chức vụ Tổng giám đốc cũng tạo ra một tiền lệ không tốt. Ông Phong cũng chưa thuộc diện trường hợp đặc biệt để kéo dài tuổi nghỉ hưu. Phía Tập đoàn, Hội đồng quản trị, Đảng ủy doanh nghiệp cần vào cuộc để kiểm tra lại vấn đề này”.

Theo Phó Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh - Hoàng Ngọc Tuấn, Công ty CP Dệt may Huế là doanh nghiệp Nhà nước, song chưa thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa 10. Điều này dẫn đến vai trò của tổ chức Đảng trong công ty không được phát huy đầy đủ.

“Việc bổ nhiệm Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc tại Công ty CP Dệt may Huế, chúng tôi không can thiệp, bởi quy trình này được thực hiện theo Nghị định 159 của Chính phủ. Song, thực tế, tại công ty này, một số vấn đề quan trọng không thông qua Đảng ủy như bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Tổng giám đốc nên bỏ qua tiêu chí đảm bảo độ tuổi của nhiệm kỳ”, ông Tuấn cho biết thêm.

Về việc xác định chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ Công ty CP Dệt may Huế theo tinh thần Quy định 287, ông Tuấn nói: “Chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo công ty. Một số thành viên HĐQT cho rằng, đơn vị này không phải là doanh nghiệp Nhà nước nên chức năng của Đảng ủy không thuộc Quy định 287 của Ban Bí thư, tuy nhiên việc chứng minh điều này đang còn bỏ ngỏ. Sau khi làm việc với Đảng ủy công ty, chúng tôi cũng đã kết luận Công ty CP Dệt may Huế là doanh nghiệp Nhà nước. Do vậy, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh yêu cầu Đảng ủy Công ty CP Dệt may Huế căn cứ Quy định 287 của Ban Bí thư để xây dựng quy chế làm việc”.

Bài, ảnh: Quỳnh Viên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu
Khẳng định vai trò mặt trận và các đoàn thể

Nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (MTTQVN & CĐTCT – XH) là mục tiêu xuyên suốt, thường xuyên liên tục của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Khẳng định vai trò mặt trận và các đoàn thể
Return to top