Thể thao

Thiếu sân chơi miễn phí

ClockThứ Hai, 25/11/2013 11:37
TTH - Một tin vui cho người yêu bóng đá nói riêng và yêu thể thao nói chung là Liên đoàn Bóng đá Thừa Thiên Huế (HFF) vừa ký văn bản ghi nhớ với Liên đoàn bóng đá Na Uy (NFF) về dự án “Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam”. Dự án nhằm phát triển bóng đá phong trào và cơ cấu tổ chức, xây dựng Thừa Thiên Huế thành mô hình điểm để nhân rộng ra các tỉnh, thành khác ở Việt Nam. Bài viết này đề cập đến việc thiết lập các sân chơi miễn phí, một khía cạnh cần được quan tâm để phát triển bóng đá cộng đồng nói riêng và thể thao cộng đồng nói chung.

 

Đặc thù môn bóng đá là đòi hỏi sân bãi rộng và số người chơi đông. Rào cản khó khăn hiện nay để bóng đá được chơi nhiều, trở thành hoạt động cộng đồng thực sự, đặc biệt ở các thành phố, chính là yếu tố sân bãi.

 

Ngày càng ít dần

 

Sân bãi dành cho bóng đá tự do ở trong các thành phố ngày càng ít. Điểm qua ở Huế, mãi đến những năm 90 của thế kỷ trước, vẫn còn nhiều sân đá bóng công cộng miễn phí. Ngay trung tâm thành phố, trước mặt Hoàng thành là sân Cột Cờ, một sân cỏ rất rộng, nơi sinh viên các trường đại học tổ chức giải bóng đá hằng năm. Sân này bây giờ đã được lát gạch bằng phẳng, đẹp đẽ và trở thành quảng trường Ngọ Môn, nơi không còn cho phép đá bóng. Qua bờ nam sông Hương là sân Xuân Phú, một sân cũng rất lớn, nằm giữa một cánh đồng rộng, xung quanh nhà cửa thưa thớt. Hiện tại thì chẳng mấy ai có thể định vị lại được chính xác vị trí của sân Xuân Phú nữa. Tại nơi đó, một trung tâm thể thao với một nhà thi đấu rất hoành tráng được xây dựng lên, có cả sân đá bóng rất đẹp, rất hiện đại nhưng thuộc quyền một đơn vị độc quyền quản lý và tất nhiên là không thể tự do vào chơi. Xa hơn chút nữa, ở rìa thành phố, có sân vận động Thủy Xuân, một sân bóng rất đẹp và bằng phẳng nằm lọt giữa những quả đồi thấp là nơi giới trẻ trong vùng tha hồ đá bóng. Sân bóng này bây giờ là nơi tọa lạc của một nhà máy rượu dẫu cũng an ủi đôi chút là vẫn còn một diện tích, tuy nhỏ hơn nhiều để làm chỗ chơi tự do. Ở những địa bàn khác, tuy không có sân vận động chính thức nhưng lại có những cánh đồng lúa và sau mùa gặt, dù còn nhấp nhô gốc rạ, chúng trở thành những sân bóng với các cuộc chơi đầy hào hứng. Những cánh đồng đó hiện tại hầu hết đã bị lấp đầy bởi những công trình xây dựng, để lại sự luyến tiếc cho một thời gian khó mà vui thú.

 

Những cầu thủ nhí ở Bình Thành. Ảnh: HG

 

Thật ra, nếu không tính đến phương diện miễn phí thì trong thành phố bây giờ cũng có nhiều nơi để chơi thể thao. Nhỏ như Huế cũng có vài bể bơi, thu phí khoảng mười ngàn đồng trở lên một lượt. Các sân cầu lông trong nhà cũng có dăm bảy cái, thường thì cho thuê bao tháng trên từng sân, mỗi người chơi trả chi phí vài trăm ngàn một tháng. Sân đá bóng mini, mặt trải cỏ nhân tạo cũng có hơn chục nơi, cho thuê với giá vài trăm ngàn một giờ. Những câu lạc bộ thể thao khác cũng mở ra khá nhiều và hầu như tất cả đều có thu phí cả. Nếu như thu nhập của người dân là đủ cao để những khoản phí đó trở nên nhỏ bé thì tình hình cũng không đến nỗi tệ. Thực tế thì vẫn còn rất nhiều người, không chỉ là trẻ con, muốn tập luyện thể thao, nhất là đá bóng, nhưng vì khó khăn về mặt tiền nong nên đành chịu nhịn. 

 

Quên không gian thể thao nơi công cộng

 

Nhìn sâu xa thì phải nói đến vai trò của Nhà nước. Những chủ trương về việc phát triển thể dục thể thao toàn dân tuy vẫn được nói đến đâu đó nhưng lại không có những điều luật và chính sách thật thấu đáo để tạo điều kiện thuận lợi. Các sân bóng nói riêng và các nơi có thể tập luyện thể dục, thể thao miễn phí không được phát triển, nếu không muốn nói là đang bị xóa dần đi một cách đáng lo ngại. Trong quy hoạch của thành phố chỉ đề cập đến không gian công cộng nhưng lại không bắt buộc cụ thể đến không gian chơi thể thao. Điều này là hoàn toàn khác so với Pháp chẳng hạn, mỗi khu phố đều có nơi cho trẻ con chơi và một khu vực rộng hơn thì đều có một công viên lớn trong đó có các bãi cỏ để đá bóng và các dụng cụ để chơi các môn khác. Những sân bóng mini với bề mặt nhựa nhân tạo và có hàng rào xung quanh cũng có rất nhiều ngay cả trong các khu vực dân cư. Nhờ đó mà mọi người, nhất là trẻ em, luôn có chỗ để chơi các môn thể thao ngoài trời mà không tốn phí. Đó cũng là điều kiện phát triển năng khiếu thể thao. Việt Nam, với tình trạng đô thị hóa đang phát triển mạnh, giá đất đô thị đắt đỏ, nhất thiết phải xây dựng các điều luật quy định cụ thể về các sân chơi thể thao công cộng khi chưa quá muộn.

 

Nếu như các văn bản pháp luật chưa có quy định cụ thể thì các cấp chính quyền địa phương với quyền hạn và năng lực của mình cũng có thể thực hiện ở địa bàn của mình những điều đơn giản nhưng có tác động rộng lớn. Có thể tạo dựng trong công viên và các địa điểm công cộng những sân chơi miễn phí. Sân bóng thì không hẳn cứ phải đủ rộng theo tiêu chuẩn mà có thể bé hơn với hàng rào chắn xung quanh. Các sân bóng rổ hay cầu lông (ngoài trời) thì đơn giản hơn nhiều vì chỉ cần lắp đặt vài dụng cụ đơn giản, lại không đòi hỏi diện tích lớn. Các dụng cụ như xà đơn, xà kép có thể lắp đặt bất kỳ nơi nào trong các không gian công cộng. Các dụng cụ chơi cho trẻ con như vòng đu, bập bênh, vách tập leo núi… cũng cần được thiết lập thật nhiều để các em có thể vừa chơi giải trí vừa làm quen với các dạng vận động. Những điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngoài trời sẽ thu hút đông đảo người dân tập luyện. Điều này góp phần tránh được tình trạng trẻ em mê mải với các trò chơi điện tử, người lớn thì ưa thích nhậu nhẹt và dễ sa vào những trò giải trí không lành mạnh hay tệ nạn khác như thực trạng đáng báo động hiện nay.

 

Những vấn đề nói trên có thể nói là khó tiến hành nhưng không phải là không thể nếu được nhìn nhận một cách thấu đáo và có quyết tâm. Mọi điều kiện thực hiện đều nằm trong tay của chúng ta. Chủ trương phát triển bóng đá cộng đồng nói riêng và phát triển thể thao cộng đồng nói chung phải được cụ thể hóa bằng các chính sách cụ thể, trong đó có chính sách đảm bảo điều kiện để người dân có thể chơi các môn thể dục, thể thao mình yêu thích mà không phải trả chi phí quá nhiều. Hãy chung tay để bóng đá và các môn thể thao đi vào cuộc sống của mỗi người dân, trở thành hoạt động cộng đồng thực sự, góp phần tạo nên cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc.

Hà Viết Hải
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

233 VĐV tranh tài Giải bơi - lặn vô địch quốc gia bể 25m

Giải bơi - lặn vô địch quốc gia bể 25m năm 2024 do Tổng cục Thể dục - Thể thao, Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh tổ chức, chính thức được khởi tranh ngày 28/3, tại bể bơi Trung tâm Thể thao tỉnh.

233 VĐV tranh tài Giải bơi - lặn vô địch quốc gia bể 25m
Nội dung vật tự do nữ của Thừa Thiên Huế đứng thứ nhất toàn đoàn

Sau một tuần tranh tài sôi nổi, Giải vô địch các Câu lạc bộ Vật tự do, Vật cổ điển quốc gia năm 2024 được tổ chức tại Khu danh thắng Tây Thiên, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã khép lại. Kết thúc nội dung vật tự do nữ, đoàn Thừa Thiên Huế đã xuất sắc vượt lên xếp thứ nhất toàn đoàn.

Nội dung vật tự do nữ của Thừa Thiên Huế đứng thứ nhất toàn đoàn
Return to top