ClockThứ Sáu, 09/10/2020 15:29
Thị trường hàng lưu niệm và quà tặng:

Thiếu sản phẩm đặc trưng - Kỳ 2: Cần chiến lược dài hơi

TTH - Để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh sản phẩm lưu niệm và quà tặng (LN & QT) Huế, tạo thương hiệu khẳng định thế mạnh của địa phương, cần một chiến lược dài hơi và hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu cho hàng lưu niệm và đặc sảnĐa dạng hóa sản phẩm lưu niệm và quà tặngThiếu sản phẩm đặc trưng - kì 1: Chưa có “đất diễn”

Khách du lịch tham quan thao diễn nghề truyền thống tại các cơ sở sản xuất

Đầu tư sáng tạo mẫu

Tại hội nghị bàn giải pháp phát triển thị trường hàng LN & QT diễn ra cuối năm 2019, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ trăn trở: Huế là cái nôi của nghề và làng nghề truyền thống, với đông đảo đội ngũ thợ thủ công lành nghề, tài hoa. Song, lâu nay Huế vẫn thiếu các sản phẩm LN & QT đặc trưng và mang bản sắc văn hóa Huế; chưa có các bộ sưu tập hàng lưu niệm độc đáo, đáp ứng nhu cầu của du khách. Đây cũng chính là lý do để các sản phẩm LN & QT ở các tỉnh, thành phố trong nước xuất hiện tràn lan và chiếm lĩnh thị trường, gây khó khăn cho các cơ sở sản xuất cũng như nghệ nhân Huế.

Khơi dậy tiềm năng sáng tạo và tạo bộ sưu tập hàng LN & QT đặc trưng gắn với các danh lam thắng cảnh, di sản Huế, thời gian qua, Sở Công thương tổ chức nhiều cuộc thi và hàng năm, đều lựa chọn sản phẩm đặc trưng để hình thành bộ sưu tập.

Các ban ngành hỗ trợ kinh phí để các DN, cơ sở phát triển hàng LN & QT thông qua việc nghiên cứu, thiết kế các mô hình mô phỏng các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh đặc trưng của Huế để chuyển giao cho các DN sản xuất số lượng lớn phục vụ du khách, như các mẫu thiết kế mô phỏng cầu Trường Tiền, tượng cụ Phan Bội Châu, lầu Ngũ Phụng, Kỳ đài Huế, tháp chùa Thiên Mụ, kiệu triều Nguyễn...

Dưới góc nhìn của Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, hàng LN & QT Huế chưa phong phú và thu hút khách là do thiếu sự kết hợp giữa người sản xuất với người tạo mẫu.

Người thợ thủ công có thể sản xuất hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm song không thể thiếu sự sáng tạo của những người có kinh nghiệm tạo mẫu, họa sĩ hoặc người có năng khiếu mỹ thuật, những người thổi hồn sản phẩm truyền thống vào sản phẩm lưu niệm. Quà tặng phải thiết kế đảm bảo các tiêu chí nhỏ, gọn, đơn giản, song phải đưa giá trị truyền thống vào sản phẩm và phải có bao bì đóng gói phù hợp. Lâu nay, các cuộc thi thiết kế ngôi nhà mô phỏng Ngọ Môn hay Cầu ngói Thanh Toàn cồng kềnh, rất khó vận chuyển.

Ông Hoa cho rằng, để phát triển thị trường quà tặng, tỉnh cần có chính sách mang tính tổng hợp, trong đó chú trọng đến khâu thiết kế mẫu, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thu nhỏ danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Huế bằng nhiều chất liệu và quan trọng là bao bì đóng gói, phải sang, phù hợp để làm quà tặng.

Sản xuất gắn với du lịch

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc, hiện có 2 xu hướng tiêu dùng và lựa chọn hàng LN & QT. Đó là dòng khách có khả năng chi trả thì mong muốn được trực tiếp xem thao diễn nghề và tự tay chọn các sản phẩm độc lạ, không quan tâm đến giá cả; dòng khách thứ hai thì thích những món quà lưu niệm có mẫu mã đẹp, gọn nhẹ và gắn với di sản Huế.

Ông Phúc cho rằng, nhiều năm qua, ngành du lịch kết nối các tour du lịch đến các làng nghề, điểm tham quan như tour du lịch trải nghiệm làng nghề đúc đồng; nhà vườn Thủy Biều, Kim Long; tour tham quan làng cổ Phước Tích với làng gốm và đệm bàng Phò Trạch; tham quan nghề hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình…Đây là cách kết hợp khai thác tiềm năng du lịch di sản vốn có của Huế, bởi khách du lịch đến làng nghề không chỉ mua sắm, xem các nghệ nhân làm ra sản phẩm mà còn muốn tìm hiểu những giá trị phi vật thể tồn tại hàng nghìn năm. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông ở các điểm đến chưa hoàn thiện, các cơ sở chưa chú trọng mẫu mã mà chủ yếu sản xuất sản phẩm giá rẻ nên chưa tạo sức hút cho khách.

Quy hoạch phát triển nghề truyền thống và làng nghề trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, tỉnh xác định phải gắn với du lịch vào quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm tại chỗ.

Việc đưa hoạt động du lịch về các làng nghề sẽ tạo nguồn thu nhập mới cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển nghề bằng việc tạo ra sản phẩm có hàm lượng, đặc trưng văn hóa cao, đáp ứng nhu cầu du khách. Theo đó, tỉnh xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sáng tác mẫu sản phẩm mới, mạnh dạn đầu tư công nghệ thiết bị hiện đại để sản xuất hàng loạt các sản phẩm truyền thống, giá thành thấp phục vụ nhu cầu của du khách và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Giải pháp

Huế có đội ngũ thiết kế có tiềm năng, từ các nghệ nhân, thợ thủ công đến sinh viên các trường đại học. Sắp tới, tỉnh nghiên cứu để tổ chức các hội thi, thiết kế sản phẩm nhằm tạo mẫu mã mới, tinh xảo, đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất có điều kiện tiếp cận với các tư liệu, tài liệu về các bảo vật, các kiến trúc đặc sắc; từ đó, chọn lựa ý tưởng sản xuất các sản phẩm đậm chất văn hóa Huế.

Trước xu hướng lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường, sắp tới, ngành công thương vận động các cơ sở tích hợp mã xuất xứ hàng hóa, thông tin riêng biệt của từng loại sản phẩm gắn với mỗi địa phương, nghệ nhân cụ thể. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở triển khai đăng ký sử dụng con dấu nhận diện sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) Huế để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra nét riêng, điểm chấm phá độc đáo, góp phần tôn vinh sản phẩm Huế.

Cùng với thiết kế mẫu, ngành công thương tập trung hỗ trợ cho các làng nghề và cơ sở nghề đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến từ nguồn vốn khuyến công. Trong đó, vận động các cơ sở liên kết thành lập HTX; liên kết giữa các hộ, các cơ sở sản xuất đơn lẻ thành HTX kiểu mới, đảm bảo các tiêu chí để thụ hưởng các nguồn hỗ trợ của Nhà nước.

Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh, hiện có bộ sưu tập hàng LN & QT với gần 60 sản phẩm và đang quảng bá trên các website của sở, song khách du lịch ít quan tâm và truy cập vì đây là bộ sưu tập tĩnh, sản phẩm cũ và mẫu mã không mới.

Ông Thanh cho rằng, Huế là một vùng đất có chiều sâu về văn hóa và nhiều làng nghề truyền thống mang tính đặc trưng; trong đó, có nhiều sản phẩm TCMN nổi tiếng trong nước và quốc tế với diện mạo riêng, độc đáo.

Để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, sắp tới sở tiếp tục có chiến lược phát triển thương hiệu cho các sản phẩm TCMN Huế; tổ chức các hội thi thiết kế sản phẩm TCMN, hàng LN & QT nhằm tạo cơ hội để các cá nhân, nghệ nhân, thợ giỏi trên địa bàn tỉnh phát huy ý tưởng sáng tạo trong thiết kế mẫu sản phẩm TCMN. Đồng thời, thông qua các sản phẩm TCMN để quảng bá, truyền tải thông tin về văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của vùng đất cố đô Huế.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác thị trường xuất khẩu rau, quả khu vực châu Á

Thị trường châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và Trung Đông còn rất nhiều dư địa cho xuất khẩu rau, quả Việt Nam. Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt cần chủ động tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn của các thị trường và đảm bảo nguồn cung chất lượng.

Khai thác thị trường xuất khẩu rau, quả khu vực châu Á
Tạo đà phục hồi hoàn toàn thị trường khách quốc tế

Theo nhận định của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), du lịch quốc tế đang trên đà trở lại mức trước đại dịch vào năm 2024. Đây cũng là giai đoạn Thừa Thiên Huế cần thực hiện nhiều chiến lược để phục hồi mạnh mẽ thị trường khách quốc tế.

Tạo đà phục hồi hoàn toàn thị trường khách quốc tế
Hoa tết và câu chuyện thích ứng thị trường

Thực tế cho thấy, câu chuyện luẩn quẩn của ngành trồng, kinh doanh hoa tết vẫn lưu cửu. Dù bài học “bể hoa tết” không mới, nhưng gần như năm nào cũng tái diễn. Đó là bài học về việc “bắt mạch", thích ứng với thị trường”-nguyên tắc sống còn trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là với mặt hàng hoa tết.

Hoa tết và câu chuyện thích ứng thị trường
Chợ hoa tết:
Hoa nhiều, nhưng khách chưa đông

Đó là nhận định của một số hộ kinh doanh hoa và cây cảnh phục vụ thị trường tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn TP. Huế.

Hoa nhiều, nhưng khách chưa đông

TIN MỚI

Return to top