Thể thao trong nước

Thiếu sân tập chuyên biệt

ClockThứ Hai, 19/09/2016 13:51
TTH - Nhiều đội tuyển thể thao phải tập luyện ở những sân tập tạm bợ hoặc mượn tạm của đơn vị khác. Điều này ảnh hưởng đến thành tích chung khi mà cơ sở vật chất tập luyện là yếu tố quan trọng hàng đầu trong thể thao.

“Liệu cơm gắp mắm”

Có mặt tại buổi tập của tuyển Judo Thừa Thiên Huế, chúng tôi nhận thấy được sự vất vả của các huấn luyện viên (HLV) và vận động viên (VĐV). Trong sân tập khá chật hẹp (mượn tạm của Trung tâm Thể thao tỉnh), các VĐV khi thực hiện kỹ thuật của một bài tập phải chia từng công đoạn vì không đủ diện tích.

Vì sân tập hẹp nên các VĐV chia thành nhóm đề lần lượt tập luyện

Thử vài đòn đánh đầy đủ kỹ thuật, dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng VĐV không tránh được bị hất văng (nhẹ) vào tường (vì diện tích nhỏ). HLV Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng bộ môn Judo tỉnh cho biết, sân tập ở đây chỉ rộng hơn 110 mét vuông trong khi diện tích chuẩn phải gấp đôi. “Để thực hiện kỹ thuật ném (ne waza), phải chia ra làm 3 công đoạn mới trọn vẹn, không thể tập kỹ thuật hoàn chỉnh ngay trong một lần vì sân tập chật hẹp, không an toàn. Thậm chí mỗi lần tập, tôi phải cho học trò đứng vòng tròn xung quanh làm tường bảo vệ, tránh trường hợp các em bị đánh hất văng vào tường”, HLV Nguyễn Văn Ngãi nói.

Diện tích nhỏ đi kèm với nỗi lo chấn thương, trong lúc tập, VĐV rất khó “bung”. Trần Ngân Thoại, VĐV tuyển Judo tâm sự, trước đây trong lúc tập luyện, em từng đánh bạn đụng vào tường nên rất lo. Để tránh chấn thương, cách duy nhất là ra đòn nhẹ, điều này trái ngược hoàn toàn trong thi đấu.

Thiếu sân tập đang là khó khăn chung của các đội tuyển, nhất là các môn võ, vật. Trước đây, hầu hết các đội tuyển tập luyện ở sân tập 87 Nguyễn Huệ, sau khi bàn giao địa điểm này cho thành phố (hiện tại, được sử dụng làm Trung tâm Văn hóa Thanh niên và tổ chức các hoạt động của Đội Công tác Xã hội Thanh niên TP. Huế), nhiều đội tuyển phải “liệu cơm gắp mắm” tìm chỗ tập. Trong khi các môn võ, vật phải trưng dụng hội trường, sảnh để tập thì môn bắn cung phải mượn đường bắn tại sân bóng đá phía sau Trung tâm Thể thao tỉnh, điền kinh thì tập nhờ sân vận động của Đoàn Bóng đá. Môn cầu lông, đá cầu và Judo tập ở Trung tâm Thể thao tỉnh (có trả một khoản điện nước). Đây là cơ sở thường xuyên tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao nên khi các hoạt động này được tổ chức, đội tuyển phải gián đoạn tập hoặc thuê địa điểm khác để tránh bị ảnh hưởng.

Sân tập không đạt chuẩn cũng là lý do khiến bài tập thể lực của VĐV bị hạn chế. Trong các môn vật, võ, ngoài kỹ thuật, các VĐV phải trải qua các bài tập thể lực. Sân tập nhỏ khó có thể trang bị đầy đủ tạ, xà và các vật dụng cần thiết để hoàn thành những bài tập này.

Theo nhiều HLV, để “thích nghi” với hoàn cảnh, giáo án phải thay đổi, chủ yếu là dựa trên điều kiện thực tế để tập luyện. Đây là một khó khăn rất lớn vì thực tế môi trường thi đấu cần nhiều hơn thế. “Trong môn vật cần có vòng tiêu cực để vận động viên thực hiện kỹ thuật nhưng với sân tập như hiện tại, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Chỉ có những sân tập đúng chuẩn chúng tôi mới có thể áp dụng được các kỹ thuật như trong thi đấu”, HLV Đinh Văn Kiên, Trưởng bộ môn vật tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.

Cần sân tập chuyên biệt

Trong làng thể thao Việt Nam, các đội tuyển thể thao tỉnh nhà có những gương mặt sáng giá, đạt thành tích xuất sắc và được gọi tập trung đội tuyển Quốc gia, thi đấu các giải trong khu vực và quốc tế, có thể kể đến những cái tên ở thời điểm hiện tại, như: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (vật), Đỗ Thị Thanh Ngân (Taekwondo), Hà Anh Thư (Judo)… Song, việc duy trì phong độ không đơn giản. Sau khi khoác áo tuyển thủ Quốc gia với sân tập chuyên nghiệp, các vận động viên trở về địa phương với sân tập thường nhật, thiếu thốn nhiều thứ nên khó giữ phong độ, phát triển tài năng.

Sân tập chật hẹp, nguy cơ chấn thương cao

Ông Lê Ngọc Tư, Trưởng phòng Quản lý Thể dục thể thao, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) cho rằng, cái khó về cơ sở vật chất trong luyện tập thể thao tồn tại đã lâu. Đến nay, Sở VH&TT đã có chủ trương và phương án xây dựng nhà tập các môn võ thuật, thời gian tới sẽ triển khai.

Thời gian qua, tỉnh, các ban ngành chức năng đã có nhiều quan tâm về chế độ dinh dưỡng và nhiều chế độ khác cho VĐV. Để thể thao tỉnh nhà vươn xa hơn không chỉ dừng lại ở đó, ít nhất là một sân tập chuyên biệt.

Ông Hồ Đắc Quang, Hiệu trưởng Trường trung cấp TDTT bày tỏ: “Thông tin sẽ có nhà tập khiến chúng tôi rất phấn khởi. Chỉ mong các cơ quan, ban ngành sớm triển khai để các đội tuyển yên tâm tập luyện”.

Minh Tâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không thiếu tàu, xe phục vụ khách dịp Tết

Dự kiến vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân năm 2024 nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh đã triển khai kế hoạch, đảm bảo an toàn, không để thiếu tàu, xe vào dịp này.

Không thiếu tàu, xe phục vụ khách dịp Tết
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Do thiếu nguồn tuyển, năm học này, một số địa phương không tuyển đủ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học. Để đảm bảo công tác dạy học, ngành giáo dục thực hiện nhiều giải pháp nhằm bố trí đủ giáo viên đứng lớp.

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Thiếu vắc-xin SII, DPT4 do phụ thuộc nguồn cung ứng

Tình trạng tạm gián đoạn cung ứng vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đang diễn ra không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà cả nhiều tỉnh thành trong cả nước. Một số phụ huynh tìm đến tiêm dịch vụ, trong khi những người không có điều kiện lại lo lắng.

Thiếu vắc-xin SII, DPT4 do phụ thuộc nguồn cung ứng
Bất động sản "chao đảo" vì thiếu dòng vốn

Thời gian qua, nhất thời điểm từ giữa năm 2022 đến nay, phần lớn các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) "sốt ruột" vì tín dụng bị siết chặt. Đa số DN thiếu vốn để triển khai dự án (DA), còn nhà đầu tư thứ cấp không có dòng tiền để "lướt sóng".

Bất động sản chao đảo vì thiếu dòng vốn
Return to top