ClockThứ Bảy, 21/01/2017 05:56
SÂN CHƠI CHO HỌC SINH TIỂU HỌC:

Thiếu sự chăm chút

TTH - Một trong những mục tiêu “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở bậc tiểu học (TH) là tăng cường giáo dục kỹ năng sống, trang bị hành vi, thói quen lành mạnh, giúp học sinh (HS) có khả năng làm chủ bản thân, khả năng ứng xử và ứng phó phù hợp, tích cực trước tình huống trong cuộc sống và có thể lực thật tốt để sống khoẻ.

Trẻ luôn cần những trò chơi vận động để phát triển

Chưa phát huy công năng

Ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo-GD&ĐT) cho rằng, HS đầu cấp thường bị “sốc” khi rời môi trường “thuần vui chơi” ở mầm non sang môi trường giáo dục phổ thông. Để tập cho các em thói quen mới, một không gian trung chuyển cho cháu mẫu giáo khi vào trường phổ thông là rất cần thiết. Bên cạnh đó, được tham gia các trò chơi vận động là tạo điều kiện phát triển thể chất của trẻ. Cách nay khoảng 10 năm, Bộ GD&ĐT từng có dự án đầu tư các điểm “trò chơi vận động” trong sân trường cho HS TH, như cầu trượt, xích đu… Ở Thừa Thiên Huế, một số trường được đầu tư với kinh phí khoảng 360 triệu/trường, như Trường TH Trần Quốc Toản, Trường TH Quang Trung (TP. Huế), Phú Bài số 2 (TX. Hương Thuỷ), gần đây hơn có Phú Hải (H. Phú Vang)… với ý định xây mô hình điểm để nhân rộng theo hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Tuy nhiên cho đến nay, mô hình này không những không phát triển mà còn “co” lại, các điểm đầu tư không phát huy tác dụng. Cô Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung (Huế) lý giải việc cột xích đu không cho trẻ chơi vì sợ các em đạp cát làm bẩn sân trường, lớp học… Ở các điểm khác, do không được bảo dưỡng nên cầu trượt, xích đu… hầu hết bị xuống cấp không sử dụng được. Một số trường được đầu tư sân bóng, bể bơi cũng vẫn “để làm cảnh” nhiều hơn là phát huy tác dụng. Ông Hải tỏ ra nuối tiếc khi cho rằng, “HS đi bộ, sân cỏ bỏ không” để nói về hệ thống CSVC cho trò chơi vận động chưa được sử dụng hết công suất…

Chỉ cần tâm đắc

Có lần Sở GD&ĐT tổ chức một sự kiện ở Trường TH Quang Trung, khi nhìn không gian khá rộng của trường nhưng gần như không có CSVC cho hoạt động vận động thể chất của trẻ, ông Phan Văn Hải nói: “Tôi rất muốn vận động nhà trường phối hợp với phụ huynh tạo cho các em những góc chơi quanh trường”. Chỉ bức tường ông cho rằng, nếu làm một “cầu khỉ” bám vào đó, dưới sân là độ mềm an toàn của nền đất, cầu gồm những vật liệu an toàn như ống nước, dây nhựa… sẽ là một điểm cho học sinh tham gia các trò chơi vận động tích cực. Rồi ông “vẽ ra” những cầu trượt, xích đu, nhà quay… bằng gỗ, tre, phế liệu mà nhà trường và phụ huynh có thể chung tay để tạo thành những cụm vui chơi vận động trên sân trường cho HSTH.

Tạo CSVC cho các trò chơi vận động trên sân trường TH đã trở thành một nội dung mà Phòng GDTH chỉ đạo theo phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm". Một số trường, như TH Phú Thượng, Phú Lưu (Phú Vang), Phú Bài 2 (Hương Thuỷ) đã xuất hiện những mô hình sân chơi vận động cho trẻ. Tuy còn rất hạn chế nhưng các điểm vui chơi đã thu hút HS trong giờ chơi và sự đồng tình của phụ huynh.

Cái khó của việc xây dựng điểm vui chơi, theo ông Hải, không phải là vì eo hẹp kinh phí mà do nhiều lãnh đạo lười phát động, ngại chịu trách nhiệm. Ông Hải cũng cho biết, Phòng GDTH vẫn đang vận động các trường chủ động xây dựng các điểm vui chơi vận động cho trẻ trên sân trường và các hiệu trưởng trẻ rất ủng hộ chủ trương này. Ông Hải tâm sự: “Ở nhà trẻ đã ít có chỗ chơi những trò vận động, nếu ở trường cũng không thì làm sao phát triển thể lực”.

Hầu hết trường tiểu học ở thành phố và thị xã có chung một yếu điểm là không gian chật chội, nhưng tiềm năng xã hội hoá cao, CSVC chuẩn hơn. Ở nông thôn, diện tích rộng, trong sân chơi không chỉ có xích đu, cầu trượt mà còn có thể có đường chạy, hố nhảy… Như vậy, tùy điều kiện cụ thể mà các trường định hướng xây dựng các trò chơi của đơn vị mình. Theo ông Hải, các trường đều có thể bố trí không gian, sắp xếp trang thiết bị, dụng cụ cần thiết dành cho dạy học kỹ năng sống. Vấn đề là giáo viên phải quan tâm hơn đến trẻ trong giờ chơi, phụ huynh ngoài ủng hộ vật chất cần quan tâm đến chất lượng sân chơi bãi tập cho trẻ. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh sẽ tạo nên chất lượng trong việc tổ chức cho trẻ những điểm vui chơi vận động hữu ích cho cả trí tuệ lẫn thể chất.

Bài, ảnh: HƯƠNG GIANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thể thao phong trào, sân chơi của chị em

Phong trào rèn luyện thể dục thể thao (TDTT) với nhiều loại hình phong phú của hội viên phụ nữ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Huế đã được các cấp Hội phát động, triển khai, duy trì và ngày càng được nhân rộng, thu hút ngày càng đông hội viên tham gia.

Thể thao phong trào, sân chơi của chị em
“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”
Chế biến trà từ hoa sim

Từ việc nghiên cứu đề tài tham dự cuộc thi khoa học – kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, nhóm học sinh Trường THPT Đặng Trần Côn đã chế biến trà túi lọc từ hoa sim, một sản phẩm độc đáo từ nguồn nguyên liệu địa phương.

Chế biến trà từ hoa sim
Học sinh nghiên cứu khoa học

Phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh với nhiều đề tài có tính ứng dụng cao đã góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Học sinh nghiên cứu khoa học
Return to top