ClockThứ Năm, 21/08/2014 03:09

Thiếu thiết kế chung cho bó vỉa

TTH - Lâu nay, hầu như các chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức đến bó vỉa ở các tuyến đường, khu dân cư, nên người dân phải tự lắp thêm tấm đan, lưới thép... để lên xuống cho thuận tiện. Điều này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị thành phố, mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và cản trở việc thoát nước.

Mỗi nơi mỗi kiểu

Đường Hùng Vương nhộn nhịp, sầm uất với hàng chục quầy áo quần may sẵn, giày dép mỗi bên. Chừng đó quầy hàng là chừng đó người thuê. Do đó, mật độ lắp bậc cấp bằng sắt, thép để lên xuống trở nên dày đặc. Đoạn từ ngã sáu đến chân cầu Trường Tiền, dễ dàng nhìn thấy hàng chục tấm đan, lưới thép được người dân tự thiết kế.

Đường Đống Đa có bó vỉa khá phù hợp

Tại đường Nguyễn Huệ, đoạn từ Trần Thúc Nhẫn tiếp giáp đường Hùng Vương, cũng có hàng chục tấm đan bằng sắt và lưới thép được đặt tiếp giáp từ lòng đường với vỉa hè. Hầu như rất ít trường hợp người điều khiển phương tiện xe máy chạy vòng tới các bó vỉa có sẵn để lên xuống mà đa phần là chạy xe trên các bậc cấp do người dân tự làm.

Anh Phan Quốc Phương, kinh doanh áo quần ở đường Hùng Vương cho hay, dù quán bên cạnh có tấm đan để xe dễ dàng lên xuống, nhưng anh cũng thuê thợ làm cho nhà mình một tấm đan để tiện việc đi lại, nhất là với khách hàng. “Người ta tới mua áo quần của tiệm mình mà chạy xe lên phía quầy người khác cũng khó chịu. Không tốn nhiều tiền, lại tiện lợi nữa, nên nhà ai cũng làm một tấm đan”, anh Phương nói.

Tại đường Dương Văn An, đoạn mới mở rộng từ Bà Triệu đến Hà Huy Tập, dù độ cao từ lòng đường đến vỉa hè không lớn như một số tuyến đường khác, song người dân vẫn lắp các tấm ván, gỗ trước cửa nhà mình để dễ di chuyển phương tiện. 

Do chưa có quy định cụ thể, nên ở mỗi tuyến đường, người dân lắp các tấm đan, lưới thép, tấm ván, gỗ theo nhu cầu, gây lộn xộn, mất mỹ quan và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, kể cả tai nạn, ảnh hưởng thoát nước mùa mưa lũ. Đó là chưa kể chất lượng các tấm đan, lưới thép, có những tấm đã cũ, hỏng hóc nhưng người dân vẫn sử dụng. Người viết từng chứng kiến một trường hợp điều khiển xe máy chạy lên tấm đan để lên vỉa hè đường Hùng Vương, do không quan sát kỹ, cộng với độ chênh giữa xe và tấm đan lớn làm tấm đan bật ngược trở lại, rất nguy hiểm.

Nên có thiết kế chung

Bó vỉa là cấu tạo phổ biến dùng để chuyển tiếp độ cao giữa một số bộ phận trên đường phố. Bó vỉa thường được bố trí ở mép đường, dải phân cách nhằm đảm bảo việc lưu thông. Có ba loại bó vỉa chủ yếu. Loại thứ nhất là có mặt ngoài thẳng đứng, nhằm hạn chế tối đa phương tiện lưu thông. Loại thứ 2 có mặt ngoài hơi nghiêng để xe có thể lưu thông trong những trường hợp cần thiết và loại thứ 3 là bề mặt ngoài nghiêng để xe dễ dàng lưu thông. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, loại thứ 3 rất phù hợp với các tuyến đường đông dân cư trong đô thị. Với các khu dân cư, quy hoạch, tùy theo mức độ, tính chất để thiết kế loại thứ 1 hoặc 2.

Những hạn chế trong việc thiếu bó vỉa ở các tuyến đường đông dân cư trong đô thị đã được nhìn thấy và khắc phục ở một số khu dân cư, khu quy hoạch mới sau này, nhất là ở Khu đô thị mới An Vân Dương, khu quy hoạch dân cư Xuân Phú. Song, về lâu dài, cũng cần có quy định cụ thể về việc thiết kế, quy định chung trong việc thi công bó vỉa ở các tuyến đường để hạ tầng đô thị Huế đồng bộ hơn.

Có tồn tại nói trên là do trước đây, các chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này, nên ở hầu như tất cả tuyến đường trên địa bàn TP Huế, người dân phải tự lắp thêm “dốc phụ”, ngoại trừ một số tuyến đường mới hình thành sau này như Đống Đa, được đánh giá là có thiết kế bó vỉa khá phù hợp, thuận tiện.

Theo ông Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, khắc phục tồn tại này không phải là không có cách. Quan trọng là chủ đầu tư, đơn vị quản lý có chịu làm hay không. Cách mà ông Nguyễn Đại Viên nêu là nên lắp bó vỉa bằng bê tông đúc sẵn để thay thế toàn bộ các “dốc phụ” do người dân tự thiết kế. Dù tốn kinh phí, song sẽ hạn chế được một số tồn tại như đã nêu, đồng thời tạo ra sự đồng bộ cho hạ tầng kỹ thuật đô thị Huế.

Về giải pháp lâu dài, theo chúng tôi, với các tuyến đường mới và các khu đô thị, khu dân cư, đơn vị quản lý Nhà nước cần tham gia thêm ý kiến về việc thiết kế các bó vỉa cho phù hợp, về cả khoảng cách, độ cao để đảm bảo vận hành, sử dụng một cách hiệu quả nhất, tránh tình trạng để người dân tự chế theo nhu cầu. Khi đã có quy định cụ thể, cũng cần kiểm tra, xử lý với những hộ vi phạm.

Qua thăm dò một số cơ quan liên quan, chúng tôi thấy giải pháp này khá khả thi, bởi theo Nghị định 15 của Chính phủ, từ giữa 2013 trở đi, các cơ quan quản lý Nhà nước có quyền tham gia thẩm tra, góp ý tất cả các thiết kế, không giao cho chủ đầu tư như trước đây.

Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai
Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa

Chiều 25/3, UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng tại Dự án (DA) Cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A,B,C Khu Chung cư Đống Đa (KCCĐĐ) tại Phường Phú Nhuận, TP. Huế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì buổi đối thoại.

Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top