Thế giới

Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng cấp học bổng cho các sinh viên Việt Nam

ClockThứ Năm, 24/08/2017 14:51
Trong cuộc gặp hẹp với báo chí Việt Nam vào chiều ngày 23/8, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết giáo dục là một trong những lĩnh vực mà hai bên có thể thúc đẩy trong tương lai, và Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng cấp học bổng cho các sinh viên Việt Nam sang học tại những trường đại học hàng đầu nước này.

Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ kỷ niệm Quốc khánh 2/9

 


Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim bắt tay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp báo ngày 24/8 (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim bắt tay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp báo ngày 24/8 (Ảnh: Reuters)

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên từ ngày 22-24/8, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim vào chiều tối qua đã có cuộc gặp gỡ với một số phóng viên báo chí tại Hà Nội để chia sẻ về chuyến thăm cũng như việc thúc đẩy quan hệ song phương trong tương lai.

Xin ông cho biết những thuận lợi và khó khăn trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ?

Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở nút giao giữa châu Á và châu Âu, kết nối châu Âu với Trung Á, Trung Đông và Nga. Đây là một địa điểm chiến lược. Trong khi đó, Việt Nam là một thành viên của ASEAN và là một cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, hai nước cũng có những điểm tương đồng về dân số, nền kinh tế đang đều tăng trưởng nhanh, người dân cần cù, quý trọng độc lập và tự do. Tôi nghĩ rằng, với vị trí chiến lược của cả hai bên và các điểm tương đồng này, hai nước có những nhuận lợi hơn nữa để thúc đẩy quan hệ.

Tôi nhận thấy chúng ta không có khó khăn nào, mà thực tế có nhiều cơ hội để đưa quan hệ song phương phát triển. Tôi tới đây để thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Trong 39 năm qua, hai nước không có các chuyến thăm cấp cao nào và tôi là thủ tướng đầu tiên tới thăm Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm này tuy muộn nhưng là điểm khởi đầu tốt. Tôi hi vọng chuyến thăm này sẽ mở ra những cơ hội mới. Tôi cũng đã mời Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Những chuyến thăm cấp cao này sẽ giúp thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Việt Nam có vai trò như thế nào trong chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ?

Trong các vấn đề khu vực, hai nước hợp tác chặt chẽ và ủng hộ nhau trên trường quốc tế, như các vấn đề như chống khủng bố và an ninh biển - tài sản chung của tất cả các quốc gia có liên quan. Trên trường quốc tế, hai nước cũng ủng hộ lẫn nhau, như Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và chúng tôi cũng đề nghị Việt Nam ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ làm thành viên Hội đồng Chấp hành của UNESCO.

Ông có thể cho biết về đường hướng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới? Những lĩnh vực nào mà hai bên sẽ tập trung trong tương lai?

Hai nước đã đặt mục tiêu nâng kinh ngạch thương mại hai chiều lên 4 tỷ USD vào năm 2020, so với mức hiện thời là chưa đầy 2 tỷ USD. Tôi cho rằng mục tiêu này là có thể đạt được và thậm chí hai nước còn có khả năng làm tốt hơn thế.

Tôi vui mừng khi biết hiện có 16 công ty Thổ Nhĩ Kỳ đang làm ăn tại Việt Nam, với số vốn đầu tư tổng cộng khoảng 700 triệu USD. Chúng tôi có tiềm năng để đầu tư nhiều hơn vào đất nước các bạn.

Chúng ta cũng đã có đường bay thẳng giữa Istanbul với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và điều này tạo thuận lợi để người dân hai nước qua lại lẫn nhau. Hai nước còn có dịch vụ vận tải hàng không trực tiếp.

Hai nước có thể đàm phán về một một hiệp định thương mại tự do, thỏa thuận tránh đánh thuế 2 lần, tạo thuận lợi cho đầu tư của hai nước. Trong chuyến thăm nay, tôi cũng đã chứng kiến các lễ ký kết một số thỏa thuận và biên bản ghi nhớ hợp tác. Tôi tin tưởng hai bên có thể đạt được mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 4 tỷ USD.


Ông Binali Yildirim thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào chiều ngày 24/8 (Ảnh: Quý Đoàn)

Ông Binali Yildirim thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào chiều ngày 24/8 (Ảnh: Quý Đoàn)

Các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm tới các lĩnh vực đầu tư nào tại Việt Nam?

Tôi đến Việt Nam cùng một phái đoàn doanh nghiệp lớn. Họ sẽ có cơ hội để tìm hiểu, thảo luận các cơ hội hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, du lịch, dệt, khai khoáng, đóng tàu, xây dựng… Rất nhiều cơ hội đang chờ đợi.

Thổ Nhĩ Kỳ có lợi thế về năng lực quốc phòng, hàng không, hàng hải, đóng tàu, điện, đào tạo và giáo dục.

Một lĩnh vực lợi thế khác của Thổ Nhĩ Kỳ là giáo dục đại học và giáo dục bậc cao. Chúng tôi có thể cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam tại các trường đại học của Thổ Nhĩ Kỳ, và cũng có thể trao đổi sinh viên với các trường đại học của Việt Nam.

Vào năm tới, hai nước sẽ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chúng ta có thể tuyên bố năm 2018 là năm văn hóa giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ.

Du lịch cũng là một lĩnh vực có nhiều tiềm năng, nhưng điều này một phần phụ thuộc vào chính sách visa của hai nước.

Chúng tôi cũng chú trọng tới sự hợp tác về khoa học công nghệ. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ cũng tháp tùng tôi trong chuyến thăm và đã có những cuộc thảo luận với phía Việt Nam để tìm kiếm hợp tác. Tôi cho rằng hai nước có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực này.

Tôi đã gặp vài nhà đầu tư và đại diện doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam hôm nay và họ cảm thấy rất hài lòng khi làm ăn tại Việt Nam. Họ đánh giá cao người lao động Việt Nam và sự hỗ trợ của chính phủ đối với họ.

Ông đã đề cập tới lĩnh vực quốc phòng, vậy triển vọng hợp tác trong lĩnh vực này ra sao, thưa ông?

Chúng tôi có lợi thế về năng lực quốc phòng và Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác về quốc phòng với Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm nay, chúng tôi cũng đã thảo luận các lĩnh vực có thể hợp tác về quốc phòng và quan chức phụ trách của hai nước sẽ sát sao vấn đề này.

Chúng tôi cũng biết rằng các bạn có tiềm năng lớn về dầu mỏ và khí đốt. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ rất quan tâm tới lĩnh vực này và tôi tin họ sẽ đến đây trong tương lai gần.

Chuyến thăm Việt Nam để lại trong ông những ấn tượng gì?

Tôi được biết người Việt Nam rất cần cù, chăm chỉ. Tôi cũng cảm nhận được sự chân thành, hiếu khách của người dân đất nước các bạn.

Trong chuyến thăm này, tôi đã có cơ hội tới thăm vài địa điểm, trong đó có Văn Miếu. Tôi vô cùng ấn tượng với công trình này. Tôi được chứng kiến một truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Tại đó, tôi cũng đã có cơ hội xem các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn các tiết mục truyền thống. Phải nói là rất tuyệt vời. Tôi đã thử đánh trống. Đó là những kỷ niệm rất đáng nhớ khi chúng tôi trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Dantri

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Đón dòng vốn FDI dịch chuyển sang Việt Nam

Năm 2024 được dự báo là điểm khởi đầu của làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lần thứ tư vào Việt Nam. Nhiều địa phương đã chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón dòng vốn ngoại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đón dòng vốn FDI dịch chuyển sang Việt Nam
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10
Return to top