ClockThứ Ba, 15/12/2015 16:14

Thở từ biển

TTH - Khi đứng trên ban công ở tầng cao, nghe sóng dội vào bờ những nhịp không hề trầm tĩnh, tôi biết Nha Trang khác hẳn Huế - nơi tôi vừa tạm rời đi. Ngày cả gió, ít người đi chân trần trên mép sóng. Những con chim biển cũng không thấy bóng dáng, nhưng phía mà tôi đang dõi theo vẫn có một kiểu thao thiết thật riêng. Hay là tôi đã cảm thấy thế từ phía dội sóng của chính mình.

Vùng lõi của thành phố gần 400.000 dân không hẳn là đẹp, với những con đường nội ô nhỏ, ít vỉa hè. Dây điện, biển hiệu, màu sắc, nhấp nhoải những trắng đỏ vàng xanh mái phố mang đến cảm giác về việc quy hoạch còn lắm dùng dằng. Nhưng gió thổi vào từ biển lại thênh thang lắm. Thênh thang như khuôn ngực tràn căng. Lại như cứ muốn dang tay để thở, và tóc bay trong điệu tango của gió.

Nhưng ở phía mà tôi đang đứng, phía biển, ngày náo nhiệt trôi qua như vũ điệu samba. Tiếng Nga chảy trên đường, đến nỗi chỉ có thể phân biệt được những âm quen thuộc và vài ba từ đơn giản đã học từ thời sinh viên xa ngái. Không thanh mảnh cả trong dáng hình và phong cách, khách Nga trông hồn nhiên và thật thà. Có lẽ, Nha Trang đã trở thành một điểm đến quen thuộc, và nó đã được mặc định đâu đó trong các tour du lịch của Rusia nên ở thành phố này, và nhất là trên tuyến đường Trần Phú, các biển hiệu bao giờ cũng có thêm tiếng Nga. Những người bán hàng trong phố đêm hay khu shopping cũng có thể trao đổi, mặc cả bằng tiếng Nga, ít nhất là những từ phổ thông. Khi đi dọc phố trong buổi sáng, tôi gặp một đôi vợ chồng người Nga đang lúi húi dọn hàng và chuẩn bị mở cửa đón khách. Những cửa hàng như thế của người Nga ở thành phố này không hiếm. Cũng không rõ Nha Trang bây giờ có còn là đất khách với họ hay không, nhưng điều chắc chắn rằng, thành phố biển này với họ đã là một nơi tạm trú dài lâu.
Không, hoặc là ít “định cư” như người Nga, khách du lịch đến từ Trung Quốc lại có một kiểu ồn ã dễ nhận biết. Thường đi theo số đông, ít cũng vài ba người, nhiều đến hàng chục, họ thường tạo nên sự huyên náo ở những điểm dừng, nhiều nhất là trong các quán ăn, nhà hàng hải sản, là những cuộc chuyện trò xem chừng rôm rả ở các điểm mua sắm. Đã từ lâu, khách Nga và Trung Quốc đã là một “phân khúc” lớn trong thị phần khách du lịch của Khánh Hòa. Họ đóng góp đáng kể vào lượng khách đến đây vào khoảng trên 3,8 triệu lượt và đóng góp không nhỏ vào doanh thu gần 6.500 tỷ đồng cho ngành du lịch Khánh Hòa trong 11 tháng của năm. Sự quyến rũ của biển, hải sản thơm ngon, người dân thân thiện đã thúc đẩy sự tăng trưởng ở lĩnh vực này của thành phố biển. Thay vì đưa chúng tôi đến chợ Đầm, người lái taxi đã hỏi và khuyên chúng tôi nên mua một vài món làm quà ở một điểm gần hơn và kiên nhẫn đợi khách với giá của cuốc xe là 30.000 đồng. Đây là chi tiết làm tôi khá ấn tượng. Cũng không thể nói là người lái taxi có hoa hồng từ cửa hàng vì món hàng chúng tôi mua rất ít và số tiền cũng bé.
Khi tỳ tay vào ban công và lắng nghe tiếng sóng vẳng lên trong đêm từ bên kia đường, tôi nghĩ Nha Trang thở từ biển. Đường Trần Phú luôn rộn rã và có lẽ đêm nào cũng thế với vệt đèn như ngũ sắc dài xuyên tuyến. Thay cho tiếng khoan cắt bê tông ở một công trường vốn là khách sạn cũ vào ban ngày là tiếng nhạc, tiếng hò reo và theo như cách mà tôi mường tượng thì những người khách ngoại quốc đang say trong vũ điệu. Có thể ai đó còn tiến ra sàn nhảy với một chai vodka với vài cái lắc hông điệu nghệ trong sự tán thưởng của bạn bè. Biển phóng khoáng. Đêm phóng khoáng và rộn rã.
Nhưng tôi lại thích biển vào ban sớm. Khi ấy, biển hiền hòa lắm với một dải xanh. Hình như đêm đã trung hòa mọi thứ, tiếng ồn, những dải biển đục, những luồng xe, những ánh đèn màu. Và tôi thích cách mà biển thở, giản dị và hiền hậu như thế!
Cúc Lam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top