Thế giới

Thời hậu COVID-19, Đông Nam Á nên tận dụng tiềm năng từ du lịch nội khối

ClockThứ Năm, 31/03/2022 18:13
TTH.VN - Theo Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), khi các hạn chế đi lại vì đại dịch được nới lỏng, các quốc gia Đông Nam Á nên tập trung vào việc thu hút khách du lịch trong và ngoài khu vực để thúc đẩy nên kinh tế.

Indonesia kêu gọi xúc tiến hành lang du lịch ASEAN để tăng tốc phục hồi kinh tế khu vựcKhai mạc Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) lần thứ 40Mùa du lịch đến gần, Đông Nam Á chạy đua mở cửa lại biên giớiĐưa du lịch ASEAN thoát khỏi vòng xoáy của đại dịch COVID-19

Trong ASEAN, Thái Lan là điểm đến được yêu thích thứ 2, chỉ sau Singapore. Ảnh: Getty Image

Với những bãi biển hoang sơ, cảnh quan hùng vĩ và các nền văn hóa phong phú, có thể nói Đông Nam Á luôn lọt vào danh sách điểm đến du lịch của bất cứ ai. Khu vực này cũng sở hữu những con số đầy hứa hẹn: GDP tổng hợp của 10 nước ASEAN đạt 3.200 tỷ USD vào năm 2019, đưa ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên toàn cầu, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.

Với các dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức cao và các cam kết vững chắc nhằm thực hiện một thị trường mở và hội nhập, ASEAN đang trên đường trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030.

Ngoài ra, 65% dân số trong khu vực dự kiến ​​sẽ thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2030, với 60% trong số đó dưới 35 tuổi, khiến họ trở thành “người tiêu dùng hoàn hảo” cho thị trường du lịch quốc tế với nhiều dịch vụ phù hợp với giới trẻ như du lịch kết hợp với học tập, đào tạo nghề, tình nguyện và du lịch cá nhân.

Chi tiêu mạnh cho du lịch

Năm 2019, ASEAN-6, gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore và Việt Nam, đã chi gần 90 tỷ USD cho chi tiêu du lịch quốc tế, bao gồm cả các khoản thanh toán cho các hãng vận tải nước ngoài để di chuyển quốc tế.

Theo đó, tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế của ASEAN-6 đạt xấp xỉ 1/3 mức chi tiêu của Trung Quốc, quốc gia chi tiêu lớn nhất trong lĩnh vực du lịch toàn cầu và đóng góp gần 20% tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế. Trong nhóm ASEAN-6, Singapore là quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho du lịch quốc tế, với 25,24 tỷ USD vào năm 2019. Tiếp theo là Thái Lan ở vị trí thứ hai với 16,85 tỷ USD.

Mặc dù ASEAN có sự tăng trưởng ổn định trong chi tiêu du lịch quốc tế trong những năm qua, nhưng đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch quốc tế. Tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế của ASEAN-6 đã giảm từ 90 tỷ USD vào năm 2019 xuống còn 24,83 tỷ USD vào năm 2020. Tuy vậy, dấu hiệu phục hồi trong lĩnh vực này khá rõ rệt, khi mức chi trong năm 2021 tăng nhẹ lên 38,55 tỷ USD. Theo dự báo từ Economist Intelligence Unit, tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế của ASEAN-6 sẽ trở lại mức trước đại dịch vào năm 2024.

Các nhà phân tích cho rằng đây chính là thời điểm tốt để các quốc gia ASEAN khai thác triệt để tiềm năng du lịch từ chính những khách hàng trong nước và trong khu vực, thay vì chỉ chú trọng đến thị trường khách du lịch từ các khu vực và lục địa khác.

Đông Nam Á cần thúc đẩy du lịch nội 

Việt Nam mở cửa lại đón khách du lịch quốc tế từ 15/3. Ảnh: Baoquangnam

Trong bối cảnh chính sách chống dịch của các quốc gia vẫn còn nhiều khác biệt không đồng nhất, gây bất tiện cho du khách khi di chuyển đến các nước khác nhau, nhiều chuyên gia cho rằng Đông Nam Á nên tìm cách thúc đẩy, thu hút khách du lịch trong khu vực nhiều hơn, như một cách để tận dụng sự thuận tiện về khoảng cách di chuyển và các thủ tục liên quan.

Mặc dù không ít người coi ASEAN như một thị trường đồng nhất, nhưng khu vực này có các phân khúc thị trường rất đa dạng. Việc thu hút khách du lịch trong khu vực, theo đó, sẽ đòi hỏi sự hiểu biết về sự đa dạng và các hành vi du lịch của từng quốc gia.

Theo nghiên cứu của Ủy ban Du lịch Châu Âu, Singapore – quốc đảo nhỏ nhưng có sự kết nối toàn cầu cao, đã chứng kiến một lượng lớn du khách di chuyển đến Australia trong năm 2017. Trong khi đó, Indonesia - quốc gia đông dân nhất trong ASEAN, lại ghi nhận một lượng đáng kể du khách đến Saudi Arabia trong cùng năm. Điều này không có gì ngạc nhiên khi Indonesia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới và là nguồn thu nhập quan trọng của thị trường du lịch hành hương của Saudi Arabia.

Cũng rất thú vị khi phân tích sở thích của các công dân ASEAN. Trong một cuộc khảo sát gần đây do Viện ISEAS-Yusof Ishak công bố, Nhật Bản đứng đầu danh sách các điểm đến du lịch được yêu thích, với 22,8% công dân ASEAN chọn đất nước mặt trời mọc là điểm đến yêu thích của họ trong kỳ nghỉ.

Những người chọn Nhật Bản chủ yếu đến từ Lào, Singapore, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia. Trong khi đó, Liên minh châu Âu và ASEAN lần lượt đứng thứ hai và thứ ba trong danh sách điểm đến được yêu thích nhất, với 19,2% và 14,0% tỷ lệ phiếu bầu.

Trong số những người được hỏi chọn ASEAN là điểm đến yêu thích, Singapore là lựa chọn hàng đầu với 27,9%, tiếp theo là Thái Lan và Indonesia.

Ngoài du lịch nội khối, một số người ASEAN được hỏi cho biết đã chuyển sang du lịch nội địa do những gián đoạn trong du lịch toàn cầu bởi đại dịch COVID-19. Ví dụ, hơn một nửa số người được hỏi đến từ Thái Lan bày tỏ ý muốn thích đi du lịch trong nước.

Mặc dù có một lượng khách du lịch nước ngoài đầy hứa hẹn, nhưng nhiều nước ASEAN, đặc biệt là các nước đang phát triển, lại không được hưởng đặc quyền đi du lịch tự do. Công dân mang hộ chiếu một số nước ASEAN có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức khi đi du lịch, nhất là khi đến các nước có yêu cầu về lệ phí thị thực cao và thủ tục giấy tờ khắt khe.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng du lịch quốc tế sẽ sớm nhộn nhịp trở lại. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, việc thu hút khách du lịch ngay từ các nước láng giềng trong khối ASEAN sẽ là cơ hội tốt cho ngành du lịch của mỗi quốc gia Đông Nam Á. Hiện nhiều quốc gia như Thái Lan, Philippines, Campuchia, Việt Nam và Singapore đã chọn sống chung với đại dịch và đang mở rộng biên giới đón chào du khách.

Khi cuộc đua phục hồi kinh tế đang diễn ra gay gắt, đã đến lúc các quốc gia này phải xem xét nghiêm túc việc thu hút khách du lịch từ trong khối ASEAN đến thăm đất nước và giảm bớt các rào cản đối với việc đi lại xuyên biên giới giữa các nước trong khu vực, Channel News Asia nhấn mạnh.

Tố Quyên (Lược dịch từ CNA)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người

Sự lây lan toàn cầu đang diễn ra của các ca nhiễm “cúm gia cầm” sang động vật có vú trong đó có con người là một mối quan ngại lớn về sức khỏe cộng đồng, các chuyên gia y tế cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 18/4 cho biết, khi họ công bố các biện pháp mới nhằm giải quyết những bệnh lây truyền qua đường không khí.

Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người
Return to top