ClockThứ Hai, 12/07/2021 15:04

“Thổi hồn” cho hoa ngũ sắc

TTH - Từ loài tưởng từng mọc hoang nơi lùm bụi, hoa ngũ sắc trở thành cây cảnh được nhiều người săn lùng bởi vẻ đẹp ở cả dáng thế, tán lá và màu hoa.

Anh Nguyễn Văn Nghĩa vớiniềm đam mê hoa ngũ sắc

Đa dạng

Vườn hoa ngũ sắc tại phường Thủy Lương (thị xã Hương Thủy) vào những ngày cuối tuần tấp nập người vào ra. Trên diện tích hơn 500m2, hàng trăm gốc hoa của anh Nguyễn Văn Nghĩa đang khoe sắc. Anh Nghĩa cho biết: “Khu vườn này được lập nên từ năm 2019. Trước đó, tôi chỉ tìm tòi và trồng những cây hoa ngũ sắc bản địa. Sau này mở rộng niềm đam mê, các dòng hoa ngũ sắc khác theo đó cũng tăng số lượng”.

Anh Đỗ Văn Châu sở hữu vườn hoa ngũ sắc tại Vinh Thanh (Phú Vang), chia sẻ: “Năm 2020, tôi chỉ trồng thử nghiệm 20 chậu. Nhận thấy nhu cầu chơi hoa ngày càng tăng, ngũ sắc lại dễ chăm sóc, tưới bón nên tôi mở rộng diện tích vườn lên xấp xỉ 100 chậu như hiện nay”.

Từ loài ít được nhiều người biết đến, hoa ngũ sắc đang “hot” trên thị trường cây kiểng cả nước. Các hội nhóm hoa ngũ sắc như Hoa ngũ sắc Việt Nam, Hội yêu thích hoa ngũ sắc có từ vài nghìn đến hàng chục nghìn người tham gia. Riêng tại Huế, hội chơi hoa ngũ sắc hiện tại cũng có hơn 650 thành viên và sức hút của loại hoa này vẫn đang rất nóng.

Anh Nghĩa bật mí: “Để có được chậu hoa ngũ sắc đẹp, trước hết cần nguồn phôi hoa chất lượng. Hiện nay phôi hoa thường được nhập từ các tỉnh miền Bắc và Tây Nguyên. Những phôi hoa này có đặc trưng rất khác với hoa ngũ sắc Huế ở chỗ nhiều nốt u sần và dáng thế độc, lạ”.

Với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của mình, anh Nguyễn Văn Nghĩa và Đỗ Văn Châu đã khoác lên những chiếc áo mới, độc đáo cho hàng trăm gốc hoa ngũ sắc.

Thu nhập khá

Dựa vào những phôi hoa ấy, những chậu ngũ sắc với dáng trực, nghiêng, trượng phu, thác đổ… lần lượt ra đời. Bởi thế khi ghé thăm những vườn hoa ngũ sắc, người mua sẽ được chiêm ngưỡng từ những chậu hoa cao, tán xòe to hai người ôm đến hoa ngũ sắc bonsai mini chỉ nhỉnh như khay trà.

Đang rộ nở trong giai đoạn hiện nay, hoa ngũ sắc mang lại thu nhập khá cho người làm vườn. Anh Đỗ Văn Châu cho biết: “Tùy dáng thế, cành lá và màu hoa mà mỗi chậu ngũ sắc có giá từ 100 nghìn đồng đến vài triệu đồng. Trên phôi hoa, chúng tôi có thể kết hợp nhiều màu hoa khác nhau như trắng, vàng chanh, hồng cánh sen, đỏ nhung… để làm nổi bật vẻ đẹp của phôi, của hoa, của lá”.

Khác với những loại cây cảnh, hoa ngũ sắc được giới chuộng bonsai yêu thích bởi nét đẹp riêng có và sự đa dạng trong cách thưởng lãm. Anh Nguyễn Văn Dũng, một khách hàng đam mê ngũ sắc bày tỏ: “Tôi có thể ngắm ngũ sắc lúc hoa nở, ngắm lá hoặc dáng cây mà không hề chán. Đặc biệt nhất là mỗi lần ngắm hoa, ký ức tuổi thơ của tôi lại ùa về khi quê hương tôi là vùng đất cồn với nhiều hoa ngũ sắc mọc hoang”.

Trước đây, khi phong trào chơi hoa ngũ sắc tại Huế chưa rộ nở, anh Dũng phải cất công tìm những chậu hoa ngũ sắc ở những địa phương khác. Giờ đây, với sự đa dạng và nhiều chọn lựa, anh có thể tìm cho mình những chậu ngũ sắc ưng ý nhất.

Anh Nghĩa phân tích nguồn vốn bỏ ra để chơi hoa ngũ sắc khá rẻ, mỗi phôi hoa chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng nên trung bình mỗi chậu, người trồng hoa có thể thu lãi gấp 3 – 4 lần. Hơn nữa chỉ cần cắt tỉa sau 25 ngày là hoa có thể cho ra lứa mới. Tùy loại hoa mà tán lá có thể được ghép như lá to, lá nhỏ, lá rủ. Với thân hoa thì đa dạng những u, cục rất đẹp và bắt mắt. Cách chăm sóc, tưới bón lại dễ dàng, tuổi thọ hoa cao.

“Việc cắt ghép phôi hoa thành sản phẩm bonsai vừa thỏa mãn đam mê, vừa mang lại thu nhập nên tôi không ngừng mở rộng quy mô trồng hoa. Thời gian tới, vườn sẽ mở rộng thêm bảng màu hoa để người chơi hoa có thêm nhiều lựa chọn”, anh Nghĩa nói.

Hiện tại, chẳng riêng hoa ngũ sắc, nhiều loại cây vốn chỉ mọc hoang đang được những người mê cây cảnh sưu tầm như sim rừng, dành dành, cây trinh nữ. Không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người trồng, việc biến những loài cây mọc hoang thành sản phẩm bonsai còn góp phần làm phong phú thêm sự đa dạng của các loài hoa, cây kiểng tại Huế.

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái

Với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, khoảng 40-50% địa phương trong cả nước có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn.

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái
Cơ hội bứt phá cho mục tiêu mới

Với nhiều quy hoạch lớn mang tầm chiến lược ở Thừa Thiên Huế cũng như Luật Đất đai 2024 (sửa đổi) và nhiều luật mới đã, sắp ban hành, hy vọng sẽ tạo động lực cho Thừa Thiên Huế bứt phá trong tương lai gần.

Cơ hội bứt phá cho mục tiêu mới
Chuẩn bị tốt cho công tác huấn luyện

Đầu tháng 3, sau lễ ra quân huấn luyện, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh sẽ đồng loạt triển khai công tác huấn luyện năm 2024. Tất cả đã sẵn sàng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu.

Chuẩn bị tốt cho công tác huấn luyện
Return to top