ClockThứ Bảy, 20/06/2015 07:52

Thời làm báo Cờ Giải Phóng trong rừng

TTH - Buổi chiều ngày 25/12/1966, sau trận bom B.52 dội xuống Thành ủy, tôi và anh Thuyết (Hoàng Phủ Ngọc Tường) được bố trí qua công tác ở Báo Cờ Giải Phóng thuộc Ban Tuyên huấn. Ngay tối hôm đó, cơ quan Tuyên huấn nấu kẹo đậu phụng liên hoan chào mừng chúng tôi về công tác, nhân thể giới thiệu với chúng tôi anh em cán bộ trong cơ quan luôn. Năm tháng qua chúng tôi là khách của Thành ủy, giờ đây mới được làm cán bộ. Đáng lẽ cái phút liên hoan này vui lắm, nhưng tiếc là vừa bị trận B.52 lúc xế trưa vẫn còn âm vang trong tai, tôi hơi buồn ngủ nên muốn cho cái “thủ tục” nầy diễn qua nhanh để tìm chỗ treo võng ngủ. Giọng bác Ưng Trí (cháu nội của Tuy Lý Vương, Phó Ban Tuyên huấn) nói đều đều, đến đoạn giới thiệu bộ phận nhà in Sông Hương bỗng vui lên làm cho tôi phải chú ý:

 

- “Đây là đồng chí Võ Văn Linh phụ trách nhà in Sông Hương, đây là đồng chí Nguyễn Mậu Vinh nguyên là một học sinh đệ tứ Trường Hàm Nghi, là công nhân chủ chốt của nhà in... Công tác báo chí của hai anh có quan hệ mật thiết với nhà in. Vì thế hôm nay hai đồng chí nhà in tuy ở xa cũng đại diện cho công nhân ra thăm hai anh!”.

 

Trong khi mệt mỏi, buồn ngủ không biết sao đầu óc tôi lại tỉnh ra dần. Tôi đọc được trong lời giới thiệu của bác Ưng Trí có một cái gì đó rất tin tưởng và tự hào về bộ phận nhà in. (Mãi về sau nầy làm quen với cuộc đời kháng chiến tôi mới dần dần hiểu hết. Giúp việc cho Thành ủy lãnh đạo có hai bộ phận quan trọng bí mật tuyệt đối là cơ quan điện đài (vô tuyến điện) và nhà in. Đã có lần ân hận vì một câu hỏi thơ ngây trước mặt anh Thanh Hải nên buổi tối hôm ấy tôi không dám nói năng gì.

 

Tác giả (trái) hỏi chuyện Xã đội trưởng Thế ở Diên Lộc (Phú Lộc) viết tin gửi về Tòa soạn Báo Cờ Giải Phóng

 

Sau buổi tối ấy, chúng tôi bắt đầu cuộc đời làm báo kháng chiến.

 

Tòa soạn Báo Cờ Giải Phóng khi đó có bốn người: anh Thanh Hải phụ trách chung, anh Lê Khánh Thông (người Hương Sơn, Hà Tỉnh, hiện nay hưu trí ở Bình Dương) trình bày và khắc gỗ, anh Thuyết và tôi - vừa viết vừa là người biên tập. Sau có thêm anh Ngô Kha ở trên về thay anh Thanh Hải. Để chuẩn bị số báo Tết năm Đinh Mùi (1967), chúng tôi đi chặt cây đẵn gỗ làm một cái “tòa soạn” riêng ngay bên dòng suối nước chảy róc rách phía trên nhà cơ quan Tuyên huấn.

 

Tờ Cờ Giải Phóng khổ nhỏ (bằng một phần tư khổ báo Nhân Dân) 8 trang, chỉ in trong bốn ngày là xong. Đọc tờ báo có đăng bài của mình lần đầu tiên giữa chốn rừng xanh âm u, tôi xúc động hết sức. Tôi cầm tờ báo đưa ra xa rồi lại kéo nó vào gần, tôi nghiêng qua rồi ngoảnh lại ngắm nghía không chán mắt. Những hàng tít quan trọng màu đỏ, thơ in chữ nghiêng, nét chữ sắc sảo, không lèm nhèm.

 

Báo Việt Nam Trẻ số 2 tháng 11/1967

 

Năm 1967, ngoài nhiệm vụ phục vụ tuyên truyền, Nhà in còn phải lo một khối lượng giấy mực in lớn chuẩn bị phục vụ chiến dịch Xuân 1968. Nhà in cho người về Văn Xá, dòng Thiên An, làng Thanh Thủy thượng mua giấy in (phần lớn là giấy manh). Tôi và anh Thuyết được chỉ thị làm một tờ báo ronéo để tuyên truyền trong nội thành. Học tập óc sáng tạo của công nhân nhà in, tôi đích thân về Hương Trà nhờ anh Thọ (tức Nguyễn Hữu Hường, Bí thư Huyện uỷ) mua hộ một tấm gương phẳng khổ lớn hơn tờ giấy stancin một chút. Nhờ Văn phòng Thành ủy mua giấy stancin, mực in ronéo và giấy in ronéo. Kỹ thuật in ronéo theo kiểu cải tiến này là dùng ru-lô bôi đều mực in lên mặt tấm kính. Sau đó úp tờ stancin đã đánh máy xuống tấm kính, mực in theo những khe giấy sáp đã bị máy chữ đục thủng tươm ra, chúng tôi đặt nhẹ giấy ronéo lên đó và vuốt đều. Thế là xong. Từ một người viết tôi đã trở thành một anh “công nhân in”. Báo Việt Nam Trẻ ra đời. Tờ báo này là sẽ nối tiếp tờ Nghiên Cứu Việt NamViệt Nam Việt Nam rất được chú ý của chúng tôi hồi đầu năm 1966 ở Huế. Ngoài việc in Báo Việt Nam Trẻ, bộ phận in ronéo đã đỡ cho nhà in Sông Hương bớt một phần gánh nặng in ấn tài liệu chuẩn bị cho sự ra đời Mặt trận Liên minh Huế. Tác phẩm cuối cùng được in bằng ronéo lúc ấy là tập thơ Nổi Lửa phát hành vào giữa những ngày Huế mùa Xuân năm 1968. Anh em sinh viên Huế nhận được báo Việt Nam Trẻ và tập thơ Nổi Lửa họ cứ tưởng là chúng tôi làm ngay giữa thành phố nầy. Đến nay, nhiều người còn giữ và mang đến tặng chúng tôi làm kỷ niệm.

 

Chiến dịch Mậu Thân xong, chiến trường Thừa Thiên - Huế gặp khó khăn chưa từng thấy. Lực lượng cách mạng có lúc phải lui qua đến tận biên giới Lào. Thiếu lương thực, anh chị em Nhà in Sông Hương ăn môn vót, môn thục và môn trâu vẫn bám máy, hằng tháng, báo chí, tài liệu tuyên truyền vẫn ra đều đều. Địch đánh phá dữ dội, nhiều khi nhà in phải ở cách xa lãnh đạo và Ban Tuyên huấn đến hai ngày đường. Nhà in là một loại “công nghiệp nặng”. Máy móc vật tư của nhà in nặng đến 5 tấn. Hai người mới gùi nổi một hộp chữ. Trong những lần di chuyển hay chạy càn, chúng tôi rất khâm phục những đồng chí gùi cái nền thép và cái ru-lô (hai bộ phận chính của máy in). Chúng vừa nặng nề vừa cồng kềnh, chui lủi trong rừng vướng víu rất khó xoay xở. Chỉ có các anh An, Vinh, Huy - những người mạnh nhất của nhà in mới đủ sức tải món cơ khí nặng nề ấy.

 

Từ 1972 trở đi, phong trào cách mạng ngày càng khởi sắc nên nhịp độ hoạt động của nhà in Sông Hương cũng tăng trưởng không ngừng. Đối với chúng tôi, thời kỳ có nhiều kỷ niệm sâu sắc chính là những năm ở chiến trường có nhiều khó khăn nhất. Báo Cờ Giải Phóng từ khổ nhỏ cuối năm 1967, trở thành khổ lớn đầu năm 1968. Nhưng đến năm 1969, chiến trường ác liệt quá, anh em cán bộ nằm đất ngủ hầm không thể ngồi giở một tờ báo lớn ra trước mặt mà đọc được, buộc lòng phải thu nhỏ tờ báo xuống bằng bàn tay. Lực lượng viết, người thì ra tuyến sau, người đau nằm bệnh viện, người lo vào rừng đào củ chuối củ mài, môn trâu môn vót nuôi anh em, nhiều số báo chỉ có một người viết. Tuy thế vẫn có đầy đủ xã luận, tạp ghi, tin tức, thơ văn, và báo ra đều kỳ. Bởi vì đồng bào mình mỗi lần chờ lâu không thấy báo về, họ cứ lo “Cách mạng đã bị tiêu diệt rồi” thì nguy lắm. Sự hiện diện của tờ báo in nó quan trọng đến như thế cho nên với bất cứ giá nào cũng phải bảo đảm cho báo ra đúng kỳ.

 

Mỗi lần nhớ lại những ngày gian khổ làm báo trên rừng tôi thấy quý những gì tiện nghi, thuận lợi hôm nay. Bởi thế tôi rất sợ tên mình ký dưới những bài viết thiếu thông tin chính xác và không vì lợi ích của Nhân dân.

Nguyễn Đắc Xuân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6: Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi

Cuộc đánh chiếm đảo Cô Lin của kẻ thù vào năm 1988 đã thất bại trước sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân. Hình ảnh con tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, thường trực cảnh giác để canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6 Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu, An ninh nội địa Công an Nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2024), Đoàn Thanh niên Phòng Tham mưu, Đoàn Thanh niên Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở.

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long
Return to top