ClockThứ Ba, 09/01/2018 13:06

Thói quen cần thay đổi

TTH - Ngày đầu năm, tầng 1 tòa nhà ODA Bệnh viện Trung ương Huế, nơi làm các thủ tục vào, ra viện... đông nghịt khiến những người ngại đám đông như tôi thấy rất nản. Nản nhưng cũng phải hòa chung với đám đông ấy, bởi bản thân mình cũng đang cần thực hiện một số thủ tục tại đó. Khổ thế, đầu năm nhưng bệnh tật thì đâu có phân biệt thời gian...

Cảnh chen lấn ngày làm việc đầu năm mới khu vực làm thủ tục ở BVTW Huế

Cũng phải cất tiếng “xin lỗi”, chen chen lấn lấn một chút tôi mới có thể nộp được hồ sơ vào chỗ cần nộp. Sau đó, thoái lui tìm chỗ ngồi đợi. So với trước đây, bây giờ chỗ làm thủ tục của bệnh viện phải nói là quá tiện nghi. Rộng rãi và có bố trí ghế ngồi lịch sự cho người đợi. Các quầy tiếp nhận hồ sơ hầu hết đều được bố trí loa ngoài để nhân viên hô tên hô số người cần giao tiếp. Vậy nhưng, một thực trạng hết sức đáng phiền là có quá nhiều người không chịu tìm chỗ ngồi chờ, dù rằng không hề thiếu ghế. Thay vào đó, họ cứ chen lấn, bu đen bu đỏ trước các cửa quầy. Các nhân viên phải liên tục lên tiếng yêu cầu, song, chỉ được một thoáng, rồi tình trạng lại về như cũ; lại lên tiếng yêu cầu - lại dạt ra - lại về lại như cũ... Cứ như trò cút bắt không ngưng nghỉ.

Việc chen lấn, chầu chực như thế không chỉ gây ra cảnh lộn xộn, làm khó cho người đến sau cần nộp hồ sơ, khó cả cho người đến phiên cần vào hoàn thiện thủ tục, lại còn gây sự ức chế cho nhân viên làm việc lẫn nhiều người chung quanh. Và tôi chắc chắn, bản thân những người đang bu bám trước các ô cửa trên cũng không thoải mái gì. Vậy cớ sao họ vẫn bu bám? Chịu, không thể tìm ra lý do gì khác ngoài hai chữ: Thói quen! Và rõ ràng đó là một thói quen tệ hại, rất cần được thay đổi.

Bản thân bệnh viện đang cố gắng đầu tư nâng cao chất lượng khám - chữa bệnh, cải thiện các điều kiện dịch vụ để tạo môi trường văn minh, thoải mái cho người bệnh. Song, sự nỗ lực đầu tư đó có phát huy hiệu quả như mong muốn hay không, cần phải có sự cộng hưởng từ phía bệnh nhân và người nhà của họ. Mà một trong những sự cộng hưởng không mấy khó khăn và tốn kém là việc bỏ thói quen chen lấn xô đẩy, tạo thói quen chờ đợi trật tự, có lẽ là điều rất nên làm trước.

Bài, ảnh: Hàn Yên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường

Bằng những hình thức lồng ghép tuyên truyền thực tế, mô hình dùng giỏ nhựa, làn nhựa đi chợ trên địa bàn phường Phú Thượng (TP. Huế) ngày càng được nhân rộng, thu hút đông đảo chị em tham gia, tạo sự chuyển biến tích cực trong ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường (BVMT) trong cán bộ hội viên phụ nữ và cộng đồng dân cư. Từ mô hình này đã dần thay đổi thói quen của người dân về việc sử dụng rác thải nhựa dùng một lần tràn lan, thay vào đó là nâng cao ý thức BVMT.

Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường
Tạo thói quen “đã lái xe, không uống rượu, bia”

Tăng cường xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông (TGGT) vi phạm nồng độ cồn không chỉ nhằm mục đích giảm tai nạn giao thông, mà dần xây dựng ý thức, tạo thói quen “đã lái xe, không uống rượu, bia”.

Tạo thói quen “đã lái xe, không uống rượu, bia”
Thuận tiện, nhưng cần tạo thói quen sử dụng của người dân

Xác định, việc cấp tài khoản định danh điện tử (VNEID) là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) của Chính phủ. Thời gian qua, công an trong toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ dịch vụ công trực tuyến; tạo sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân.

Thuận tiện, nhưng cần tạo thói quen sử dụng của người dân
Return to top