ClockThứ Năm, 08/08/2013 14:07

Thói quen tai hại

TTH - Chính vì tiện dụng và rẻ tiền mà giờ đây, đâu đâu cũng có túi ni lông. Mặc dù chiến dịch kêu gọi mọi người tiết giảm sử dụng túi ni lông, phân loại và dần dần nói không với chúng được lan rộng trên khắp mọi miền, nhưng, hiệu ứng đem lại chưa rõ nét.
Giỏ xách bị lãng quên
 
Sử dụng túi ni lông để đựng hàng hóa đã trở thành thói quen hàng ngày - Ảnh: Hoài Thương
 
Dạo vòng quanh một số chợ trên địa bàn Huế, chúng tôi cố tìm kiếm hình ảnh người phụ nữ xách chiếc giỏ ra chợ nhưng quả thực khó gặp. Ghé vào chợ Trường An, phải đếm trên hàng chục người, chúng tôi mới thấy có một phụ nữ trạc tuổi 55 đang xách chiếc giỏ nhựa đựng đầy hoa, trái. Chị Tuyết (tổ 19, phường Trường An) cho biết, chị vẫn thường dùng giỏ đi chợ để đựng thức ăn. Chị Tuyết bảo: “Dùng giỏ xách mình không sợ hư, bầm dập trái cây. Một đôi lần vì tiện đường kết hợp ghé chợ mà không mang theo giỏ, mình thấy rất bất tiện. Nào là tay xách lỉnh kỉnh nhiều đùm, nhiều túi, có lúc còn làm rơi hay để quên hàng đã mua. Lúc về nhà soạn vứt nhiều túi ni lông tự dưng mình cũng thấy áy náy vì không thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường của tổ, của phường”. Chị kể, ban đầu mình chưa quen với việc dùng giỏ và có vẻ hơi lạc lõng, nhưng dần dần trở nên bình thường và thành thói quen mỗi khi đi chợ.
 
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020”. Đi đôi với việc tuyên truyền, nâng cao ý thức kết hợp giải pháp về công nghệ, mục tiêu đến năm 2015 sẽ giảm 40% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010, giảm 20% tại các chợ dân sinh, thu gom và tái chế 25% khối lượng chất thải túi ni lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt. Đến năm 2020, sẽ giảm sử dụng loại túi này lên đến 65% ở các siêu thị, trung tâm thương mại, 50% tại các chợ và 50% được thu gom tái sử dụng.
Về các vùng thôn quê, hình ảnh các bà, các mẹ xách chiếc giỏ ra chợ hầu như thưa dần từ mấy thập niên trở lại đây. Tại chợ Nịu, một ngôi chợ ở vùng quê Quảng Thái (Quảng Điền), chúng tôi quan sát từ bó rau, trái ớt, củ khoai lang nóng, con cá đang nhảy đành đạch thay vì thời xưa thường được gói trong những chiếc lá dong, lá vả, lá mít hay buộc bằng một chiếc lạt tre, bây giờ tất tần tật đều được người bán cho vào từng chiếc túi ni lông hai quai gọn nhẹ. Điều này là nguyên nhân khiến vùng nông thôn, đầm phá trở nên bức xúc với tình trạng rác ni lông hoành hành, gây ô nhiễm môi trường.
 
Vạn sự khởi đầu nan
 
Một thời, rất nhiều người phản ứng quyết liệt với quy định lắp đặt gương chiếu hậu hay bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe mô tô, gắn máy. Thế nhưng chỉ sau một thời gian đi vào nền nếp, ai cũng nhận ra tính hữu ích cho chính sức khỏe và tính mạng. Tương tự, muốn bảo vệ môi trường, hạn chế việc sử dụng túi ni lông, việc chúng ta nên làm là tuyên truyền, vận động người dân thay đổi hai thói quen.
 
Khi chúng tôi trao đổi về vấn đề này với nhiều chị em phụ nữ, đa phần đều cho rằng để không sử dụng túi ni lông và thay bằng dùng giỏ đi chợ là rất khó. Với những phụ nữ hiện đại, nội trợ không phải là công việc chính hằng ngày vì họ còn phải đi làm, tham gia các hoạt động xã hội, nên việc đi chợ thường được kết hợp lúc rảnh rỗi, sau giờ hành chính. Việc mang một chiếc giỏ đi chợ sẽ rất khó thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Ánh, (phường Thuận Lộc, T.P Huế) khẳng định: “Mặc dù chúng tôi không xách giỏ đi chợ, nhưng những chiếc túi ni lông mang về được chúng tôi phân loại để riêng và mang cho những người thu mua ve chai. Có những người xách giỏ đi chợ nhưng chưa hẳn là không có túi ni lông trong giỏ, nên chúng tôi cho rằng việc phân loại rác, tái sử dụng cũng rất quan trọng để hạn chế thải túi ni lông ra môi trường”.   
 
Chị Đinh Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN phường Trường An, T.P Huế cho biết, năm 2010, Hội LHPN tỉnh đưa dự án “Bảo vệ môi trường” về phường và giao phường chọn tổ dân phố thành lập câu lạc bộ triển khai thí điểm. Hồi đó, có 25 hội viên được tặng giỏ xách để đi chợ và thùng rác để phân loại rác tại nhà. Chỉ sau khoảng 1 năm, hoạt động của câu lạc bộ “Bảo vệ môi trường” trở nên chệch choạc, do không có nguồn kinh phí và thiếu tính chủ động. Theo chị Hương, để mô hình thành công, vấn đề quan trọng là trong quá trình hoạt động phải được sự hỗ trợ, vận động, chỉ đạo thường xuyên của các cấp, ngành khởi xướng.
 
Không riêng Trường An, nhiều đơn vị, tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh rất quan tâm tới vấn đề chất thải túi ni lông với nhiều sáng kiến được đưa ra áp dụng, như các chiến dịch truyền thông “Nói không với túi ni lông”, “Ngày không túi ni lông”, “Phân loại rác”, “Xách giỏ đi chợ”…; hoặc áp dụng các giải pháp sản xuất, sử dụng túi phân hủy sinh học, túi thân thiện với môi trường ở một số doanh nghiệp nhằm hạn chế tác động tiêu cực của loại rác thải này tới môi trường. Thế nhưng vẫn chưa mang lại hiệu ứng sâu rộng, chưa có chuyển biến rõ trong cộng đồng dân cư.
Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso

Ngày 22/3, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học về dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền". Dự án do PGS.TS Nguyễn Văn Toản, giảng viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế làm chủ nhiệm.

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso
Tắt sóng 2G: Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên phạm vi toàn quốc, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Để không có người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đã chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng.

Tắt sóng 2G Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng
Return to top