ClockThứ Năm, 05/10/2017 08:15

Thói quen xấu xí

TTH.VN - Trên facebook vừa râm ran “câu chuyện bức xúc”, sau khi Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Phan Thiên Định đưa lên tấm ảnh chụp một nhóm thanh niên “nhìn là biết không phải người thiếu học” thản nhiên “giải quyết nỗi buồn” ngay trên đoạn đường 23/8 trước Đại Nội, giữa thanh thiên bạch nhật (lúc 14h ngày 29/9/2017). Và xấu hổ hơn, hình ảnh này diễn ra ngay trước mắt du khách vào tham quan Đại Nội.

Không gian xanh sạch đẹp thế này sao lại nỡ phóng uế? Ảnh: Võ Nhân

Ông Phan Thiên Định viết trên trang facebook của mình: “Rất đau xót khi đăng bức ảnh này, nhưng nếu không báo động thì Huế sẽ ngập trong những thứ vô văn hóa”. Chỉ trong một ngày 30/9, đã có gần 400 người like với việc phải đưa chuyện này ra để cùng bàn luận, rất nhiều người ngạc nhiên và phẫn nộ, 41 lượt share câu chuyện bức xúc đó. Một cuộc tranh luận diễn rất sôi nổi ngay trên mạng, thu hút đến 87 ý kiến tham gia, không chỉ “hội chẩn” về căn bệnh “đái đường” mà còn bàn đến nhiều thứ “bệnh tật” khác trong cách hành xử của người Huế với không gian sống của mình và của cả du khách thập phương.

Một vài ý kiến cho rằng, do thành phố thiếu WC (nhà vệ sinh), nên mấy anh này phải tè bậy như thế. Lập tức nhiều ý kiến khác bác bỏ ngay. Không thể nói thiếu WC thì có thể đứng bên đường, lại là một con đường xanh sạch đẹp luôn đông đúc du khách, để làm cái việc mà ngay trẻ con cũng xấu hổ. Điều đáng nói, ngay trước mắt họ khoảng 50m có một nhà vệ sinh công cộng mà ông giám đốc di tích xác định là luôn sạch sẽ. Chỉ vài bước chân thôi, nhưng họ không bước vô. Nếu nói rằng vì không có WC nên đành phải, vậy thì sẽ có hàng trăm, hàng ngàn người đi trên đường phố vì bí quá mà làm việc đó. Và thành phố sẽ xây dựng bao nhiêu WC cho đủ?

Cảnh trạng tương tự như thế vẫn diễn ra suốt ngày này qua ngày khác ở các quán ăn hiện nay, dù gần như dưới mỗi bàn ăn đều có giỏ đựng rác, nhưng người ta vẫn cứ thản nhiên xả mọi thứ xuống nền nhà. Thùng rác trên đường phố Huế hiện nay cũng không ít, nhưng có mấy ai biết cầm rác đến thủng để bỏ? Thậm chí, nhiều người vẫn mang rác đến nhưng lại vứt dưới chân thùng. Chỉ một động tác bỏ rác vào thùng, vẫn khó nhọc đối với họ!

Điều đó cho thấy, thói quen phóng uế bữa bãi không phải do thiếu WC, thiếu thùng rác. Cái thiếu ở đây là thiếu ý thức. Là thiếu một sự xấu hổ khi bao người nhìn vào cái hành vi xấu xí của mình, như mấy chàng trai trong tấm ảnh tôi vừa nhắc trên đây. Họ không biết tôn trọng người khác mà cũng không cần tôn trọng bản thân mình. Họ không có trách nhiệm với cộng đồng mà cũng vô trách nhiệm với cả gia đình mình, bởi khi nhìn hình ảnh đó, ai cũng thốt lên: “con nhà ai mà bậy bạ rứa hè?”... Thiếu ý thức nên kéo theo thiếu rất nhiều thứ!

Nhưng, vì sao hiện nay rất nhiều người mặt mày sáng sủa, có học hành đầy đủ vẫn thản nhiên tè bậy, thản nhiên xả rác, khạc nhổ giữa phố, bấm còi inh ỏi, thản nhiên vượt đèn đỏ...?

Rõ ràng là có nguyên nhân từ giáo dục. Trước hết là giáo dục của gia đình, sau đó là nhà trường, và giáo dục của xã hội... có vấn đề. Tôi đã từng chứng kiến một bà mẹ trẻ cho con ăn sáng trước cổng trường mẫu giáo, và thản niên quẳng cái vỏ hộp sữa ngay trên vỉa hè, trước mặt đứa con của mình. Và có lẽ, bà mẹ ấy không chỉ làm việc đó một lần trước con mình. Vậy thì làm sao đứa bé ấy không nghĩ rằng việc xả rác nơi công cộng là điều bình thường? Trong khi đó, những bài học về bảo vệ môi trường, không xả rác nơi công cộng, đã trở nên nhỏ nhoi, khuất lấp sau vô số bài học ngồn ngộn ở trường. Và rồi, khi bước ra khỏi cổng trường, đứa trẻ ấy lại chứng kiến cảnh người lớn thản nhiên xả rác, khạc nhổ, vượt đèn đỏ, bấm còi inh ỏi, thản nhiên đứng tè bên đường, mà ai cũng thấy... bình thường. Thậm chí hành vi bẻ cành hái hoa đường phố còn được xem như là “người có tâm hồn” (!?).

Việc xử phạt chưa nghiêm cũng là một nguyên nhân khiến thói quen xấu xí này thản nhiên tồn tại. Chính phủ đã ban hành Nghị định 167 (ngày 12/11/2013) về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội. Theo đó, hành vi tiểu tiện trên đường phố, nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng; xả rác nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng, và buộc phải khắc phục hậu quả. Nghị định đã ban hành bốn năm rồi, nhưng đến nay ở TP. Huế vẫn chưa thấy anh nào tè bậy, xả rác bừa bãi bị xử phạt cả.

Nhiều ý kiến rằng đã đến lúc Huế phải thực thi ngay biện pháp xử phạt này. Phải xử phạt thật nghiêm một vài trường hợp điển hình để làm gương, những hành vi cố tình làm mất mỹ quan thành phố, trước nhiều người và nhất là trước du khách. Cũng có ý kiến phải lắp đặt camera để giám sát ở những khu vực công cộng cần phải bảo vệ môi trường, mỹ quan. Đồng thời phải lắp đặt thêm WC công cộng. Phải thừa nhận rằng đây cũng là thứ còn rất thiếu của Huế, dù mấy năm trở lại đây, WC công cộng đã tăng thêm, cùng với hệ thống WC Free (miễn phí) mà các cơ quan, doanh nghiệp mở cửa mời du khách. Tất nhiên, trước khi xử phạt thì cần phải truyền thông cho dân chúng và du khách biết cách ứng xử để tránh bị xử phạt. Đồng thời là các cuộc vận động, các cuộc thi, các diễn đàn cần phải mở ra để tôn vinh văn hóa thị dân, biểu dương cái đẹp trong hành xử nơi công cộng, ứng xử với du khách...

Nhưng, giải pháp căn cơ và lâu dài nhất vẫn là xây dựng ý thức của người dân. Đó chính là câu chuyện của nước Nhật. Trên đường phố của Nhật hầu như không thấy thùng rác nhưng phố xá rất sạch. Vậy thì rác thải đã bỏ vào đâu? Họ mang đến bỏ vào những thùng rác chỉ đặt ở vài nơi công cộng như cửa hàng mua sắm, bến xe, bến tàu, hoặc mang... về nhà. Họ không đặt nhiều thùng rác công cộng, vì cứ hễ có thùng rác thì người ta sẽ mạnh tay thải rác. Rồi một hôm vì lý do gì đó thùng rác bị mất, hoặc công nhân không kịp dọn các thùng rác, thì người ta sẽ xả rác xuống đường. Vì vậy, để tránh thói quen xả rác ra nơi công cộng, người Nhật đã chọn cách không đặt nhiều thùng rác nơi công cộng. Sẽ không bao giờ đủ thùng rác cho thói quen xả rác mọi lúc mọi nơi!

Nhu cầu “giải tỏa bức xúc” thì đương nhiên cấp bách hơn là thải rác, vì vậy, WC phải cần nhiều hơn. Nhưng cũng sẽ không bao giờ đủ WC, nếu trong suy nghĩ những cư dân sống ở nơi văn minh như đô thị vẫn thiếu ý thức về việc giữ gìn vệ sinh và mỹ quan cho thành phố, cho chính mình.

MINH TỰ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường

Bằng những hình thức lồng ghép tuyên truyền thực tế, mô hình dùng giỏ nhựa, làn nhựa đi chợ trên địa bàn phường Phú Thượng (TP. Huế) ngày càng được nhân rộng, thu hút đông đảo chị em tham gia, tạo sự chuyển biến tích cực trong ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường (BVMT) trong cán bộ hội viên phụ nữ và cộng đồng dân cư. Từ mô hình này đã dần thay đổi thói quen của người dân về việc sử dụng rác thải nhựa dùng một lần tràn lan, thay vào đó là nâng cao ý thức BVMT.

Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường
Loại trừ nạn phóng uế bậy nơi công cộng

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, một việc nữa không thể không làm là phải tăng cường phát hiện, chế tài xử phạt thật nghiêm, thật nặng đối với bất kỳ ai thiếu ý thức, cố tình xâm hại môi trường công cộng.

Loại trừ nạn phóng uế bậy nơi công cộng
Tạo thói quen “đã lái xe, không uống rượu, bia”

Tăng cường xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông (TGGT) vi phạm nồng độ cồn không chỉ nhằm mục đích giảm tai nạn giao thông, mà dần xây dựng ý thức, tạo thói quen “đã lái xe, không uống rượu, bia”.

Tạo thói quen “đã lái xe, không uống rượu, bia”
Thuận tiện, nhưng cần tạo thói quen sử dụng của người dân

Xác định, việc cấp tài khoản định danh điện tử (VNEID) là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) của Chính phủ. Thời gian qua, công an trong toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ dịch vụ công trực tuyến; tạo sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân.

Thuận tiện, nhưng cần tạo thói quen sử dụng của người dân
Return to top