ClockThứ Tư, 03/02/2016 05:03

Thời thanh niên sôi nổi

TTH - Xin mượn tên một bài hát nổi tiếng của nước Nga để nói về tuổi trẻ Gia Hội chúng tôi ngày ấy... Hẳn bạn sẽ rất khó tin, làm sao những cô cậu học trò cấp ba, tuổi chỉ 15.17, chưa hết thơ ngây, khờ dại..., lại có được một thời thanh niên sôi nổi để tự hào như thế. Nhưng đó đúng là chúng tôi, lứa học sinh những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước.

Sinh hoạt ngoại khóa của học sinh Gia Hội

Tôi học lớp A, niên khóa 1977 - 1980. Các bạn trong lớp phần đông là con em gia đình lao động ở vùng ven thành phố và nông thôn, chỉ một số ít con nhà khá giả ở đường Chi Lăng, Bạch Đằng, Phan Đăng Lưu... Chúng tôi sống hòa đồng, vui vẻ. Tôi thuộc diện con cán bộ tập kết, mới từ miền Bắc theo bố mẹ trở về quê hương sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Các bạn gọi tôi là “bộ đội”! Nhưng tôi còn có một danh xưng khác: 307! Đó chính là một trong những điều tuyệt vời nhất tôi có được dưới mái trường Gia Hội thân yêu, gắn với kỷ niệm một thời sôi nổi, đầy nhiệt huyết.

Hồi ấy, hằng năm, trường đều tổ chức văn nghệ. Tôi được tham gia một tiết mục đơn ca. Bạn bè mượn cho tôi một bộ quân phục (rộng thùng thình) để tôi hát bài “Tiểu đoàn 307”. Bài hát mang âm hưởng hào hùng của cha anh một thời đánh giặc ngoại xâm gìn giữ đất nước, khơi gợi trong chúng tôi thật nhiều xúc cảm về truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Cùng với đó là rất nhiều tình cảm mà bạn bè, thầy cô dành cho người hát... Đi đâu tôi cũng được gọi là “307”. Nhiều năm sau, khi gặp lại, đều không quên gọi tôi bằng danh xưng thân thương ấy. Không chỉ văn nghệ, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, chúng tôi còn tham gia nhiều hoạt động lao động sản xuất. Nhớ nhất là những ngày trồng sắn ở Bình Điền. 3 giờ sáng, chúng tôi cùng thầy cô xuống bến Đông Ba, ngồi đò dọc sông Hương lên Tuần rồi từ bến Tuần đi bộ thêm 5 - 7 cây số mới vào đến địa điểm sản xuất. Những ngày lao động trên núi thật vô cùng vất vả. Ban ngày trồng sắn trên đồi, nắng cháy da. Ban đêm, sương xuống, lạnh tê tái. Sáng sớm, bạn nào được phân công nấu ăn thì phải dậy thật sớm, xuống suối vò gạo, lên nhóm lửa, cơm nước cho kịp mọi người ăn sáng để đi làm.

Nhưng có lẽ chúng tôi không vất vả bằng các thầy cô, nhất là các thầy cô chủ nhiệm lớp và đang sinh hoạt Đoàn Thanh niên - vừa phải trông coi lũ học trò tinh nghịch và rất thiếu kĩ năng lao động chúng tôi, vừa phải làm việc để thực hiện chỉ tiêu sản xuất của Chi đoàn Giáo viên... 

Đầu năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ. Cả nước sục sôi ý chí bảo vệ biên cương. Hàng ngàn học sinh chúng tôi đã xuống đường tham gia mít-tinh, tuần hành phản đối chiến tranh. Nhiều bài hát chống chiến tranh vang lên trên các giảng đường. Tôi lúc này đang ở trong Ban chấp hành Đoàn trường, được phân công cùng một số bạn đi đến tận các lớp học để tập các bài hát cần phổ biến cho học sinh toàn trường. Lúc đầu cũng rất lo, không biết rồi có bị trêu chọc không, nhất là ở các lớp trên; không biết các bạn có chịu hát theo không...? Nhưng tất cả đều diễn ra tốt đẹp. Giờ nghĩ lại, tôi cũng không hiểu sao một thiếu nữ tuổi 16 lại có bản lĩnh bước chân vào từng lớp học, hướng dẫn từng câu ca và cùng các bạn cất vang tiếng hát sục sôi ý chí đấu tranh: Đất nước của ngàn chiến công/Đang sục sôi khí thế hào hùng/Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa/Đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca...

Tôi chỉ được học ở trường Gia Hội ba học kỳ. Đến năm 12, tôi cùng bạn Thanh Hà được gọi vào học chuyên văn đầu tiên của Bình Trị Thiên. Tôi còn nhớ mãi lời thầy Hiệu trưởng Hoàng Trọng Từ: Trường không muốn chia tay em, nhưng đây là cơ hội học tập của em, cũng là vinh dự của trường. Lớp Chuyên văn ngày ấy chỉ có 8 bạn, nhưng đã có 2 bạn đến từ Gia Hội! Năm 1980, tôi dự thi Học sinh giỏi Văn toàn quốc, đạt giải và được tuyển thẳng vào học tại Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội.

Vậy là đã qua 35 năm, kể từ ngày lứa chúng tôi tốt nghiệp ra trường. Chúng tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ. Và mỗi lần gặp nhau, lại một lần nhớ về ngôi trường cũ, nhớ thầy cô, bạn bè, nhớ những ngày thơ ngây nhưng tràn đầy nhiệt huyết tuổi thanh xuân ở ngôi trường Gia Hội dấu yêu.

Xin cảm ơn các thầy cô, xin cảm ơn bạn bè Gia Hội đã cho tôi những tháng ngày học tập và luyện rèn đầy ý nghĩa, để hôm nay tôi có thể tự hào cùng các bạn nhớ về một thời thanh niên sôi nổi: Dù sương gió, tuyết rơi/ Dù vắng ngôi sao giữa trời/ Kìa trái tim vang tiếng ca/ Giục ta vượt chân trên đường xa...

TS. TRƯƠNG THị NHÀN

(Cựu học sinh niên khóa 1977- 1980)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Từ Duyên giang bát hàng đến Gia Hội phố 36 nhà hàng

Ngày xưa, phố Hàng Đường (đường Bạch Đằng) đối diện với phố Hàng Bè (đường Huỳnh Thúc Kháng) ở bên kia sông Đông Ba. Đây là điểm nhấn của khu đô thị cổ Gia Hội. Sử liệu xưa cho biết, đây là khu phố buôn bán tấp nập ở phía đông Kinh thành Huế, do người Hoa lập ra vào giữa thế kỷ XIX, nằm trong mạch phát triển từ thương cảng Bao Vinh - Thanh Hà kết nối với Kinh đô Huế.

Từ Duyên giang bát hàng đến Gia Hội phố 36 nhà hàng
Cơ hội để phố cổ Gia Hội được “đánh thức”

Nghị quyết số 54 - NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành làm nức lòng cán bộ và người dân xứ Huế. Những người yêu Huế, những người nặng lòng và quan tâm đến văn hóa Huế tin tưởng phố cổ Gia Hội sẽ có cơ hội và tương lai trong dòng chảy chung ấy...

Cơ hội để phố cổ Gia Hội được “đánh thức”
Hai khu phố cổ tạo điểm nhấn cho du lịch Huế

Nếu Kinh thành Huế và lăng tẩm của các hoàng đế nhà Nguyễn là những gì còn sót lại của một vương triều đã lùi xa vào dĩ vãng thì phố cổ Bao Vinh, phố cổ Gia Hội chính là dấu ấn vẫn chưa phai mờ của đời sống cư dân mảnh đất Thần kinh xưa.

Hai khu phố cổ tạo điểm nhấn cho du lịch Huế
Return to top