ClockThứ Hai, 11/07/2016 14:04

Thôn 14 Quảng Công - Nơi in đậm hình bóng Phan Thế Phương

TTH - Từ lênh đênh sông nước, phải chạy ăn từng bữa, 67 hộ dân thôn 14 (xã Quảng Công, Quảng Điền) đã “an cư lạc nghiệp”. Sau 30 năm lên bờ, nhờ phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhiều ngư dân ở đây đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Tri ân người tâm huyết

Về Quảng Công, chúng tôi được ông Phạm Kính, Bí thư Chi bộ thôn 14 dẫn ra khu vực nuôi trồng thuỷ sản của thôn, được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng từ giao thông đến hệ thống chiếu sáng.

  Mô hình nuôi trồng thủy sản đang mang lại thu nhập cao cho người dân

Nhớ ơn người truyền nghề nuôi trồng thủy sản trong buổi đầu lên bờ (1986), ngư dân thôn 14 đã lập miếu thờ ông Phan Thế Phương, nguyên Giám đốc (GĐ) Sở Thuỷ sản Bình Trị Thiên, coi ông như ông tổ nghề nuôi tôm ở đây. Dừng chân ở đền thờ GĐ Phan Thế Phương đúng lúc cơn mưa đang nặng hạt nhưng những người thợ vẫn tỉ mẫn thực hiện các công đoạn xây dựng cuối cùng của miếu để kịp khánh thành đúng dịp kỷ niệm 30 lên bờ. Theo ông Kính, khi bác Phương mới mất, người dân trong thôn tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng miếu thờ bác để thuận lợi cho việc hương khói. Trong cuộc họp bàn về công tác tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm lên bờ, người dân bày tỏ tâm nguyện muốn xây dựng lại miếu thờ cụ khang trang hơn. Thế là mọi người tự nguyện đóng góp kinh phí, thông qua ban điều hành thôn lên kế hoạch xây dựng mới miếu thờ với kinh phí huy động trên 70 triệu đồng. Miếu nằm ngay giữa khu nuôi trồng thủy sản. Các cụ cao niên bảo: “Xây dựng ở vị trí này để bác Phương chứng kiến những đổi thay của vùng đất mà bác đã bỏ nhiều tâm huyết truyền nghề”.

Từ bấp bênh đến thu nhập nhất nhì của huyện

Sau trận bão năm 1985, cư dân thủy diện dọc phá Tam Giang được Nhà nước đưa lên bờ tái định cư. Thôn 14 từ đó được thành lập. Nhớ lại những ngày đầu lên bờ, ông Kính bùi ngùi: “Nhiêu khê lắm. Vì dân vốn sống trên đò, làm nghề theo đuôi con cá, nên nói lên bờ định cư ít người chấp nhận. Vận động mãi mới có 16 hộ lên bờ. Năm 1986, do chưa thích nghi với điều kiện sống, nhiều hộ lại xuống thuyền sinh sống, cả thôn số hộ nghèo đói chiếm đến hơn một nửa, cơ sở hạ tầng, điện, nước hầu như chưa có gì. Điều kiện sống khó khăn, người dân chủ yếu chạy ăn từng bữa, đời sống thấp, trình độ dân trí không cao, con em ít có điều kiện đến trường”.

Người dân tập trung hoàn thiện đền thờ cụ Phan Thế Phương

Đó cũng là thực trạng chung của nhiều thôn tái định cư thủy diện ngày ấy. Sau này, khi Nhà nước có chủ trương quy hoạch vùng phát triển nuôi trồng thủy sản, cuộc sống ngư dân mới dần ổn định. Với diện tích quy hoạch ban đầu chỉ có 2ha, sau này, phong trào nuôi tôm trên phá phát triển, diện tích nuôi tôm ở thôn tái định cư 14 được mở rộng lên 15,4 ha.Tuy nhiên, việc phát triển nuôi trồng không theo quy hoạch cộng với kiến thức chưa cao nên có thời điểm, tôm thả xuống chừng nào chết chừng đó, nhiều ngư dân trắng tay.

“Thời điểm ấy, bác Phan Thế Phương, Giám đốc Sở Thuỷ sản Bình Trị Thiên đã đích thân về đây cùng ăn, ở, hướng dẫn các quy trình nuôi và chữa bệnh cho tôm. Chỉ sau hơn 1 năm cùng ăn ở với ngư dân, 2 ha tôm nuôi thử nghiệm của thôn 14 đã thành công. Với sự hỗ trợ của bác Phương và các kỹ sư nông nghiệp, người dân trong thôn bắt đầu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, đưa nghề này trở thành nghề chính trong phát triển kinh tế thôn”, ông Phạm Kính chia sẻ.

Bắt tay nuôi trồng thủy sản từ năm 1989, đến nay, ông Phạm Việt Dũng đã có hơn 2,5 ha hồ nuôi các loại cá đặc sản cho thu nhập cao với lãi ròng gần 200 triệu đồng/năm. Ông Dũng nhớ lại: “Ngày mới bắt tay vào đào hồ nuôi tôm, thấy tôm chết trắng, tôi hoảng lắm, có lúc cũng có ý định xuống thuyền sống cuộc đời nổi trôi. Nhưng khi được bác Phương và các kỹ sư tận tình hướng dẫn, tôi mới thấy yên lòng”. Nhắc tới đây, ông Dũng lại bồi hồi: “Người dân thôn 14 có được như ngày hôm nay cũng nhờ bác Phương”.

Dạo một vòng quay khu vực nuôi trồng thủy sản, chúng tôi dừng chân tại hồ nuôi của bà La Thị Bé, khi bà đang loay hoay cho cá ăn. Từ cuộc sống nghèo đói, hiện gia đình bà Bé đang phát triển mô hình nuôi xen ghép tôm, cua, cá và các loại cá đặc sản với diện tích gần 2ha, lãi ròng đạt gần 200 triệu đồng/năm.

Nói đến những đổi thay của thôn 14 sau 30 năm lên bờ, ông Nguyễn Đính, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Công cho hay: Nhờ phát triển nuôi trồng thủy sản, người dân thôn 14 dần ổn định cuộc sống. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt gần 30 triệu đồng/người/năm, cao nhất nhì của huyện.

Trong 50 hộ phát triển nghề nuôi trồng thủy sản ở thôn 14 có hơn 1 nửa có thu nhập từ 500 triệu đến 3 tỷ đồng, lãi ròng trên 100 triệu đồng/năm. 15/15 tiêu chí (xã giao chỉ tiêu) xây dựng nông thôn mới, thôn đều hoàn thành và vượt so với kế hoạch. Con em trong thôn được đến trường, số lượng đỗ vào các trường đại học, cao đẳng luôn xếp tốp đầu của xã”.

Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thông qua phiên toà giả định

Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Quảng Điền vừa phối hợp với UBND xã Quảng Ngạn tổ chức “Phiên tòa giả định tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân” nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong đoàn viên, thanh niên và Nhân dân trên địa bàn huyện.

Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thông qua phiên toà giả định
Tài trợ 5 tỷ đồng xây dựng Trường tiểu học Quảng Công

Nhằm tạo điều kiện cho con em xã Quảng Công thuận lợi trong học tập, huyện Quảng Điền phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vừa tổ chức lễ khởi công xây dựng Trường tiểu học Quảng Công.

Tài trợ 5 tỷ đồng xây dựng Trường tiểu học Quảng Công

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top