ClockChủ Nhật, 29/10/2017 18:57

Thôn nghèo đã khác

TTH - Những con đường bê tông phẳng lỳ, những ngôi nhà khang trang san sát nhau tạo nên diện mạo mới cho vùng thủy diện thôn 9, xã Điền Hòa (huyện Phong Điền), nơi mà cách đây hơn chục năm phải đối mặt với vô vàn gian khó.

Người dân thôn 9 trở về sau chuyến mưu sinh trên đầm phá

1. Đập Cửa Lác (xã Điền Hòa) sáng sớm, hàng chục ngư dân thôn 9 cặm cụi với những mớ thủy sản sau đêm dài đánh bắt. Từ thuở “khai ấp”, cuộc sống của cư dân vùng vạn chài này nổi trôi theo con nước. Họ chẳng có đất đai, ruộng vườn, cả gia đình bấu víu nhau trên chiếc đò nhỏ, vừa gọi là... nhà vừa là phương tiện mưu sinh.

Chuyện trò với người quen, tôi gặng hỏi về cái tên ngày trước của xóm vạn chài này nhưng nhận cái lắc đầu nguầy nguậy từ bạn. “Không thể gọi họ với cái tên ngày xưa được, vì như thế có phần miệt thị, họ giận đấy. Thôn 9 chừ khác rồi, không còn nghèo khổ, trình độ dân trí thấp như trước”, bạn nói.

Gắn bó với con nước

Ngày trước, theo lời bạn, áng chừng cách đây khoảng mấy chục năm, người dân vùng vạn chài này dường như chỉ quẩn quanh bên mạn đò và có phần “tách biệt” với đời sống trên bờ. Song, ít ai biết rằng, cũng chừng ấy thời gian, khi hệ thống giao thông còn chưa hoàn thiện, nhờ những người lái đò xóm chài (bến đò Chợ Biện) mà hàng ngàn người dân xã Điền Hòa, và các vùng lân cận không bị cô lập với phố thị sầm uất.

Bến đò Chợ Biện đã lùi vào quá khứ, nhiều lái đò lão luyện cũng không còn nữa, giờ chỉ là tên gọi trong ký ức. Ở vùng Ngũ Điền, đò dọc về làng nơi nào cũng có, nếu Điền Hòa có bến đò Chợ Biện thì Điền Hải có bến đò Chợ Mới, Điền Lộc có bến Đại Lộc hay bến đò Thanh Hương ở Điền Hương. Và ai đã từng một lần ngồi đò dọc lên Huế sẽ lưu luyến với cả bầu trời ký ức, về những lần ngồi trên sàn đò “hưởng” khói thuốc lá Phong Lai được cuốn thành từng điếu cỡ ngón tay cái của các mệ; đứng trên mui đò, hưởng cảm giác sảng khoái giữa mênh mang sông nước hay vẻ bồn chồn của một cậu sinh viên lên đò về làng.

Cũng nhờ những chuyến đò này, hàng hóa của địa phương được giao thương với thành phố, hay có những chuyến hàng mua sỉ bán lẻ ở chợ Đông Ba của chị em, đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. “Bến đò còn đó nhưng không còn hoạt động vì đường sá đã thông thương, tài công cũng có người đã mất, toàn bộ đều ở thôn 9. Lúc trước, trừ những ngày gió bão, ngày nắng cũng như mưa đò vẫn chạy, tạo thành  nhịp cầu nối miền quê với thành phố. Đò chạy cỡ 3 tiếng sẽ lên tới Huế. Một thời ở bến Chợ Biện, tấp nập những chuyến hàng từ thành phố về làng, như “thương cảng” của người dân địa phương. Đò chở khách hàng ngày, chở từ cậu sinh viên lên phố học tập, chị tiểu thương đến mấy mệ buôn thúng bán mẹt, anh cán bộ đi công tác xa…”, ông Phan Văn Hóa, trưởng thôn 9 hồi tưởng.

“Chừ nhớ lại, không biết kể mấy lần cho hết, tài sản của bà con chỉ mỗi chiếc đò, đó cũng là nhà, mùa mưa bão người dân phải di tản theo những con hói đến nơi khác tránh trú, còn đò neo ở bến hứng chịu cuồng phong. Vì vậy, mỗi lần đò bị nước cuốn trôi là bà con mất tài sản lớn nhất trong nhà. Đó là chưa kể những lúc vì bảo vệ tài sản, có người ở lại trên đò để giữ, hiểm nguy đến tính mạng”, ông Hóa nói.

2. Bây giờ, từ bến đò xưa nhìn về nơi ở mới của người dân vùng thủy diện thôn 9, hàng loạt ngôi nhà khang trang san sát nhau. Con đò giờ chỉ là phương tiện mưu sinh...

Năm 1986, khi bão ập vào, hơn 30 hộ dân thôn 9 phải “di cư” đến nơi ở mới, chính là vùng tái định cư bây giờ với những ngôi nhà tre nứa đơn sơ, dột nát. Đến năm 2008, được sự hỗ trợ của Nhà nước, 16 hộ dân khác được lên bờ, chấm dứt cảnh lênh đênh trên sông nước. Và bây giờ, thôn 9 đã có cả thảy 82 hộ dân. “Khi tái định cư, mỗi hộ được Nhà nước cấp 70m2 đất và hỗ trợ 14,5 triệu đồng để xây nhà, chấm dứt một thời vất vả, khổ cực. So với nơi ở cũ, chừ sướng hơn nhiều lần, không còn cảnh lo âu mỗi khi trời trở gió. Bà con cũng tích cóp được tiền xây dựng được nhà cửa kiên cố, và lo làm giàu”, ông Hóa cho biết.

Hến tiền được xem là đặc sản của người dân thôn 9

Dù được lên bờ nhưng đại bộ phận người dân nơi đây vẫn gắn bó với con nước, nhưng cách nghĩ của họ đổi thay khá nhiều. Không còn cảnh vì khó khăn con em phải thất học; không phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản có sẵn, nhiều hộ dân đã biết phát triển kinh tế với mô hình nuôi cá lồng trên đầm phá, rồi thoát nghèo, vươn lên làm giàu, như hộ ông Dũng, ông Phước thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Có lần, tiếp xúc với ngư dân thôn 9 vừa trở về sau chuyến đánh bắt trên chân đập Cửa Lác, họ tự hào vì lượng thủy sản đánh bắt trở thành nguồn cung cấp chính cho các ngôi chợ trên địa bàn và vùng lân cận. Riêng về đánh bắt hến, đây là “vựa hến” của cả vùng Ngũ Điền. Mà đâu chỉ có hến thông thường, còn có cả hến tiền, loại hến to bằng ngón tay cái được ngư dân coi như đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Anh Đặng Văn Mẫn (thôn 9, xã Điền Hòa) chia sẻ: “Cũng như nhiều vùng sông nước khác, tụi tui mưu sinh nhờ khai thác thủy hải sản trên đầm phá. Không như trước, chừ khai thác phải cẩn thận, để thủy sản có thể tái tạo. Thành quả tụi tui đánh bắt được các thương lái thu mua ngay tại bến, xuất đi các địa phương lân cận, thậm chí hến tiền được xuất ra tận Hà Nội. Thu nhập khấm khá nên đời sống của người dân đã thoải mái hơn nhiều”.

Tư duy, nhận thức của cư dân vạn chài thay đổi kéo theo đời sống của họ như được lật sang trang mới. Đến vùng tái định cư này, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên khiến chẳng ai nghĩ rằng, hơn chục năm trước, thôn 9 có tỉ lệ hộ nghèo khá cao, dân phải chạy ăn từng bữa, khi con đò - phương tiện mưu sinh hư hỏng đồng nghĩa với việc bữa cơm bị cắt xén. “Mỗi ngày người dân khai thác thủy sản kiếm được khoảng 150 nghìn đồng, đến mùa khai thác hến, thu nhập tăng lên nhiều lần. Học sinh cũng không còn nghỉ học, số lượng các cháu thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Cách đây nhiều năm, so với các thôn khác trong xã, thôn tui thuộc dạng nghèo, nhưng giờ thì đời sống của người dân đã bước sang trang mới”, ông Phan Văn Hóa tự hào.

Đánh giá về thôn vạn chài này, ông Nguyễn Đăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa bảo rằng thôn 9 đã khác ngày xưa, có nhiều nhà cao tầng trị giá từ 500-600 triệu, với dân thủy diện đó là điều đáng mơ ước. “Không chỉ khai thác thủy sản đầm phá, thôn 9 còn có khoảng 35 hộ dân nuôi cá lồng cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, nhiều người dân còn liên kết với bạn làm ăn ở các địa phương khác để phát triển kinh tế. Khoảng cách về kinh tế giữa thôn 9 và các thôn còn lại không còn nữa, thậm chí còn giàu hơn”, ông Phúc cho biết.

Bài, ảnh:  QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng quỹ khuyến học

Để gây quỹ khuyến học, Hội Khuyến học xã Điền Hòa (Phong Điền) vận động mỗi cặp vợ chồng khi đăng ký kết hôn tự nguyện ủng hộ 200.000 đồng.

Đa dạng quỹ khuyến học
Khai thác tiềm năng sông nước trong lòng đô thị

Thật đặc biệt khi Huế có nhiều con sông nằm ngay trong lòng thành phố. Không gian nước này cùng cảnh quan, danh thắng đôi bờ là tiềm năng lớn của đô thị Huế cần được định hướng đầu tư, khai thác.

Khai thác tiềm năng sông nước trong lòng đô thị
Return to top