ClockThứ Ba, 02/06/2015 15:02

Thôn rộng, dân đông & nỗi lòng người quản lý

TTH - Do yếu tố khách quan của lịch sử, khi thành lập có những thôn với diện tích, dân số lớn bằng một xã. Công tác điều hành, quản lý với một địa bàn dân cư rộng lớn đã nảy sinh những bất cập, "vượt ngưỡng" của một Ban điều hành thôn…
 
 Tập quán của thôn An Xuân xưa trai gái chỉ dựng vợ gả chồng quanh quẩn trong làng nên dân số ngày một tăng

 Khó nhớ hết nhà dân

Hẹn ông Hoàng Lời, Trưởng thôn An Xuân (Quảng An, Quảng Điền), ông bảo: “Chú chắc chắn nhé. Việc chú quan trọng, nhưng hướng dẫn bà con thu hoạch lúa, việc đồng áng của tui quan trọng hơn. Thôn đông lắm, giờ không bắt tay vô làm thì không kịp”.
Ngồi trong hội trường, chỉ tay ra cổng làng, ông nêu “lý lịch trích ngang” của thôn An Xuân thế này: “An Xuân được thành lập từ lâu với tên làng Hậu Yên. Thôn có diện tích đất tự nhiên 715 ha; diện tích đất sản xuất 260 ha. An Xuân với khoảng 1.300 hộ dân, 5.300 nhân khẩu, chiếm 50% dân số của xã Quảng An. Địa phương có 2 HTX thì riêng An Xuân có một HTX gồm 5 đội sản xuất rồi. Nói thật, tui giờ không biết cụ thể hết nhà dân, chỉ mang máng họ ở đội nào mà thôi”.
Đến thôn An Xuân, nhà cửa san sát như phố. Theo thống kê, hiện đất ở tại đây chừng 200m2/hộ. Con số khá nhỏ so với vùng nông thôn hiện nay. Theo tập quán, trai gái An Xuân chỉ lấy vợ gả chồng quanh quẩn trong thôn nên dân số ngày càng tăng.
Là thôn có diện tích và dân số “ngang ngửa” xã Quảng Thái (Quảng Điền) nhưng bộ máy điều hành ở An Xuân cũng như những địa phương khác. Ông Lời tâm sự: “Thôn lớn nhưng bộ máy gồm 1 trưởng thôn, 1 phó thôn và 1 bí thư chi bộ. Hàng ngày, từ chuyện mất con gà đến việc thanh niên uống rượu đánh nhau đều phải giải quyết. Khó nhất là khi tập hợp quần chúng, tuyên truyền thì phải mất rất nhiều thời gian, họp các đội tuyên truyền về chính sách sau đó về phổ biến cho người dân. Chứ họp dân thì…không làm sao tìm ra địa điểm, đủ sức chứa”.
Ông Đặng Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng An tâm tư: “Do địa bàn rộng lớn, cư dân đông nên rất khó khăn trong công tác quản lý, tập hợp tuyên truyền vận động Nhân dân, công tác quản lý của Ban điều hành thôn hết sức bất cập, không thể quán xuyến mọi công việc. Công tác bình xét hộ nghèo, di dời và hỗ trợ khi gặp thiên tai lũ lụt lại càng khó khăn. Mặc dù thực hiện quy chế dân chủ cơ sở nhưng do người dân quá đông, địa bàn rộng lớn nên nhiều lúc xảy ra tranh cãi, kiện cáo kéo dài...”.
Năm 2008 và năm 2013, HĐND xã Quảng An đã thông qua Đề án gửi UBND huyện, Phòng Nội vụ huyện Quảng Điền xin tách thôn An Xuân làm 3 thôn An Xuân Bắc, An Xuân Tây và An Xuân Đông nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng. “Việc chia tách thôn An Xuân thành 3 thôn không ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt truyền thống của làng, dòng họ, xóm giềng. Thôn không phải là cấp chính quyền, nhưng thực tế, nó có một vị trí rất quan trong, là nơi trực tiếp hàng ngày, phát sinh những quan hệ, cũng như những yêu cầu trọng quản lý xã hội. Do điều kiện địa bàn rộng, dân cư đông, việc chia tách thôn và các tổ chức chính trị xã hội phải tương ứng để định hướng tư tưởng, tập hợp lực lượng và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý là điều kiện tất yếu khách quan”, ông Đặng Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng An, kiến nghị.
“Liều” tách để quản lý
Theo ông Cái Vĩnh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh, hiện Sở đang hoàn thiện đề án tách, nhập các thôn gửi UBND tỉnh để trình HĐND cùng cấp thông qua tại kỳ họp năm nay. Từ năm 1998 đến nay trên địa bàn tỉnh không tiến hành chia tách các thôn mới nên hiện có rất nhiều thôn dân số quá đông, ảnh hưởng đến việc quản lý, điều hành. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có đến 46 thôn có 500 hộ dân trở lên, trong đó có 5 thôn trên 1.000 hộ. Một thôn lớn tách ra thành 4-5 thôn thì quy mô quá lớn, trái với Thông tư 04 của Bộ Nội vụ vì liên quan đến chế độ của các cán bộ bán chuyên trách. Vậy nên, hiện sở đang đề xuất tách những thôn trên 1.000 hộ.
Cùng cảnh như thôn An Xuân, để thuận lợi trong công tác quản lý, điều hành, xã Quảng Phước (Quảng Điền) đã “tự tách” thôn Thủ Lễ Đông thành hai thôn Thủ Lễ 2 và Thủ Lễ 3. Bà Phan Thị Châu, cán bộ Văn phòng UBND xã Quảng Phước cho biết: “Thực hiện Nghị định 22/NĐ-CP ngày 17/3/1997 của Chính phủ về việc thành lập thị trấn và điều chỉnh địa giới hành chính xã thuộc huyện Quảng Điền. Toàn xã Quảng Phước có 7 thôn với 1.913 hộ, 8.188 nhân khẩu. Trong đó, có thôn Thủ Lễ Đông là một thôn có địa bàn rộng gồm 854 hộ và 3.558 khẩu chiếm 43,03% dân số toàn xã. Do địa bàn dân cư rộng, địa hình phân bố cách trở, phân tán, có một số xóm dân cư sống biệt lập xa khu trung tâm, giao thông đi lại khó khăn nhất là mùa mưa bão. Do vậy, trong quá trình quản lý và điều hành hoạt động của thôn còn gặp nhiều khó khăn bất cập”.
Bà Châu cho biết thêm, trên văn bản Nhà nước thì Quảng Phước có 7 thôn nhưng thực tế lại có 8 thôn. Thôn Thủ Lễ 2 được tách ra có cơ cấu bộ máy chính trị bình thường như những địa phương khác (gồm trưởng thôn, bí thư chi bộ và công an viên) được hưởng trợ cấp. Để “nuôi” được bộ máy này từ năm 1997 đến năm 2013, mỗi năm xã Quảng Phước phải trích thêm 35-40 triệu đồng từ ngân sách để trả lương cho các cán bộ. Từ sau năm 2013 đến nay, UBND huyện Quảng Điền đã hỗ trợ thêm một phần ngân sách để giúp xã Quảng Phước duy trì bộ máy Ban điều hành thôn Thủ Lễ 2 hoạt động.
“Việc tự chia tách như thế là sai nhưng không chia tách thì quá nhiều bất cập trong quản lý, điều hành khiến cuộc sống người dân khó khăn”, bà Châu nói như phân trần.
Ông Lê Đức Ưa, Chủ tịch UBND xã Quảng Phước kiến nghị: “Từ tháng 4/1997 đến nay, tình hình quản lý và điều hành của Ban cán sự thôn Thủ Lễ Đông rất khó khăn. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chung trong tình hình mới, theo chủ trương nghị quyết của đảng ủy và tâm tư nguyện vọng của cán bộ đảng viên và Nhân dân thôn Thủ Lễ Đông, chính quyền địa phương nhất trí tách làm hai thôn để việc quản lý và điều hành được thuận lợi”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Nội vụ huyện Quảng Điền, cho biết: “Đối với 2 thôn ở xã Quảng An và Quảng Phước, UBND huyện Quảng Điền đã có đề án tách thôn gửi Sở Nội vụ và UBND tỉnh cách đây vài năm nhưng hiện vẫn còn đợi. Việc tự chia tách và tổ chức thành 2 bộ máy có chi trả trợ cấp như ở thôn Thủ Lễ Đông (xã Quảng Phước) là sai hoàn toàn, Phòng Nội vụ huyện Quảng Điền đã nhiều lần làm việc với UBND xã Quảng Phước. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế thì nhu cầu chia tách thành 2 thôn ở địa phương này rất cao nên huyện Quảng Điền cũng đề nghị tỉnh chấp thuận”. 
Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Return to top