ClockThứ Năm, 08/10/2015 16:37

Thông điệp chia sẻ yêu thương

TTH - Theo định nghĩa của Tổ chức y tế thế giới (WHO), “Chăm sóc giảm nhẹ là một tiến trình cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình người bệnh, những người đang đối mặt với những vấn đề liên quan tới sự ốm đau đe doạ đến tính mạng, thông qua sự ngăn ngừa và làm giảm gánh nặng họ chịu đựng bằng cách nhận biết sớm, đánh giá toàn diện và điều trị đau và các vấn đề khác, thể lực, tâm lý xã hội và tâm linh”. Trong chăm sóc giảm nhẹ (CSGN), các triệu chứng được khoác một “tấm áo choàng” là các phương pháp điều trị mà mục tiêu cơ bản của chúng là đem lại càng nhiều sự thoải mái cho bệnh nhân càng tốt. Trong điều trị ung thư, chăm sóc CSGN càng là một nhu cầu rất lớn không chỉ với bệnh nhân mà cả với gia đình họ. Tuy vậy, không phải ai cũng đánh giá đúng tầm quan trọng của nó, kể cả các thầy thuốc.

Nụ cười trên môi bà Marsha Curry khi lắng nghe tiếng đàn của Patel. Ảnh: Tampa bay Times

“Những cuộc đời bị che khuất, những bệnh nhân bị che khuất”

Hưởng ứng Ngày Chăm sóc giảm nhẹ thế giới 10/10, Hội Ung thư Thừa Thiên Huế và Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức Ngày hội tư vấn với chủ đề "Bệnh ung thư- Hiểu để sẵn sàng đối mặt" cho bệnh nhân ung thư và người nhà vào lúc 14h00 ngày 09/10/2015 tại Hội trường Trung tâm Đào tạo Bệnh viện.

Đó chính là thông điệp năm 2015 của Liên đoàn CSGN thế giới và Mạng lưới CSGN trẻ em quốc tế hướng tới một thế giới mà người lớn và trẻ em có sự tiếp cận phổ cập với CSGN. Có “những bệnh nhân bị che khuất” với “những cuộc đời bị che khuất” là những người cần chăm sóc giảm nhẹ mà không được nhận ra. Thực trạng cho thấy 42% thế giới không có dịch vụ CSGN và 32% số dịch vụ đã có cũng chỉ tiếp cận được một phần rất nhỏ người dân. Chỉ có 20 trên 234 quốc gia (chiếm 8,5%) ở đó chuyên ngành CSGN được kết hợp trong hệ thống y tế chung, và đến 80% dân số thế giới khó tiếp cận với nguồn thuốc men cần thiết cho CSGN, đặc biệt theo một điều tra của WHO năm 2010, có đến 66% dân số thế giới không thể tiếp cận được với opioid mạnh (vẫn thường biết đến với các tên thuốc giảm đau morphine, fentanyl,v.v...).
Tại Việt Nam, khi mà tình trạng quá tải ở các bệnh viện, trung tâm, khoa điều trị ung thư vẫn hết sức trầm trọng thì việc quan tâm đầu tư cho lĩnh vực CSGN thực sự còn nhiều hạn chế. Đau là một triệu chứng nghiêm trọng phổ biến của bệnh ung thư vẫn chưa được đánh giá đúng mức và kiểm soát hiệu quả. Đó là chưa kể rất nhiều những triệu chứng khó chịu khác hành hạ bệnh nhân như khó thở, bội nhiễm, chảy máu, tiêu chảy, nôn mửa,... khiến bệnh nhân ngày càng kiệt quệ, suy mòn. Nhiều bệnh nhân khi được chẩn đoán ung thư giai đoạn muộn không thể điều trị khỏi, họ thường được khuyên đưa về nhà, “muốn ăn gì thì ăn”, nghĩa là chỉ chờ chết. Bệnh nhân đã bị bỏ mặc một cách oan uổng như thế, coi như bệnh «trời kêu ai nấy dạ» không thể xoay sở. Không chỉ các triệu chứng thực thể mà các vấn đề về tâm lý, xã hội, tinh thần đè nặng lên thân xác bệnh nhân cũng bị bỏ mặc. Những nỗi buồn đau, thất vọng, sợ hãi, mất mát, ám ảnh về cái chết... chẳng lẽ chỉ một mình bệnh nhân gánh chịu? Và ngay cả những người thân trong gia đình, những người hằng ngày bối rối, vụng về, lo lắng trong chăm sóc bệnh nhân, họ sẽ phải chịu đựng sự trầm uất và căng thẳng (stress) như thế nào và trong bao lâu?
Cần được quan tâm chia sẻ nhiều hơn
 Thực tế, những vấn đề nghiêm trọng kể trên sẽ được kiểm soát đáng kể nếu như chúng được đánh giá một cách đúng đắn, toàn diện từ đó có thể xây dựng một kế hoạch chăm sóc hiệu quả, góp phần cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư. Trên 80% bệnh nhân ung thư có triệu chứng đau, vậy thì cần đánh giá và điều trị đau một cách chuẩn mực, sẽ giúp bệnh nhân tránh được nỗi sợ hãi lớn nhất mà họ có thể cảm nhận được, “sợ đau hơn sợ chết”. Bệnh nhân cần được thấu hiểu và giải tỏa những gánh nặng tâm lý, xã hội và tinh thần, cân nhắc các khía cạnh đạo đức, văn hóa và cả tôn giáo chuyên biệt. Chúng ta vẫn thường được chia sẻ trên các phương tiện thông tin truyền thông vô số những câu chuyện, những cảnh đời cảm động của những người đã và đang “sống chung với ung thư”, cách họ can trường vượt qua những thời khắc gian khó với sự hỗ trợ của nhiều “lực lượng”: thầy thuốc, người thân, tình nguyện viên và cả chính họ.
 
Ở tuổi 80 và phải chống chọi với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, cụ bà Betty Simpson (bang Indiana - Mỹ) đã làm nên điều kỳ diệu trên mạng chia sẻ ảnh Instagram, thắp lên niềm vui yêu thương cuộc sống. Biết bà của mình đang phải đấu tranh chống lại căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, vật lộn với những liều thuốc hóa trị đau đớn cả về thể chất lẫn tinh thần, người cháu gái Zach Belden tạo một tài khoản Instagram (@GrandmaBetty33) để bà Betty chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc của bà với bạn bè và gia đình trong thời gian ngắn ngủi còn lại của mình. Hàng trăm ngàn người theo dõi là một số lượng đáng nể với một tài khoản Instagram bình thường để giờ đây câu chuyện hạnh phúc và niềm vui sống của bà trở thành của tất cả mọi người. “Chúng ta hãy tiếp tục lan truyền thông điệp đến mọi người rằng CÓ THỂ chiến đấu với bệnh ung thư, và sống hạnh phúc khi đấu tranh với nó là điều chắc chắn có thể làm được” - Người cháu gái Zach Belden gửi lời nhắn trên Instagram.
 Cụ bà Marsha Curry như bừng tỉnh khi giai điệu êm đềm của bài hát Giọt nước mắt trên thiên đường rót vào không gian ngột ngạt của căn phòng bệnh. Bà không biết bài hát này nhưng điều đó không quan trọng. Những nốt nhạc nảy ra từ đôi tay của cậu thiếu niên Milan Patel đang tươi cười ở cuối giường đã xóa tan những đau đớn mà căn bệnh ung thư gây ra cho bà. Gương mặt già cỗi của bà Curry nở ra một nụ cười mà người thân của bà đã lâu không còn nhìn thấy. Kế bên, con trai Michael của bà nắm chặt tay mẹ và cũng lắng nghe chăm chú. “Ở đây thật khó khăn” - bà Curry nói về những ngày tháng vật lộn ở bệnh viện với hi vọng bệnh tình thuyên giảm. Nhưng ba bản nhạc của Patel để lại cho mẹ con bà Curry một món quà lớn là “hạnh phúc”, như bà Curry diễn tả. Patel, học sinh 15 tuổi của Trường Palm Harbor (Mỹ), bắt đầu mang đàn đến bệnh viện từ cuối năm 2010. Cùng bốn nhạc công tình nguyện khác, nhóm nhạc Suncoast Hospice của Patel đã truyền cảm hứng và hy vọng cho nhiều bệnh nhân đang chống chọi với tử thần.
Hay câu chuyện tình yêu lãng mạn của chàng sinh viên năm thứ nhất Đại học Iowa (Mỹ) Riley Nicolay và cô gái Deidre Sechi đã làm lay động trái tim hàng triệu người yêu mến mình trên mạng xã hội: Riley Nicolay đã quyết định cạo trọc đầu để mình không trở nên khác biệt với người yêu bị rụng tóc vì hóa trị ung thư.
Bức ảnh của họ, cùng trọc đầu, nhìn nhau đầy yêu thương được đăng tải trên blog của Riley trang mạng xã hội Reddit sau vài giờ đã thu hút hơn 1 triệu lượt người thích và hàng ngàn ý kiến chia sẻ. Hàng triệu người đang dõi theo cuộc chiến với tử thần của đôi tình nhân Riley Nicolay và Deidre Sechi chia sẻ: “Chúng tôi chúc các bạn sẽ chiến thắng! Tất cả bệnh nhân ung thư sẽ chiến thắng! Hãy mạnh mẽ! Chúng tôi luôn bên các bạn” - rất nhiều thành viên, độc giả đã bày tỏ như thế bên dưới các bài báo viết về họ.
 
Có lẽ những lời bình phẩm trong những câu chuyện kể trên tự thân đã nói lên vai trò thiết thực và toàn diện của CSGN đối với bệnh nhân ung thư. Tại Việt Nam, thời gian qua đã có những chương trình thiện nguyện đem đến niềm vui sống, niềm tin cho hàng trăm ngàn bệnh nhân ung thư đang điều trị tại các cơ sở y tế còn chật hẹp và nhiều thiếu thốn. Các chương trình “Ước mơ của Thúy” (báo Tuổi Trẻ), chiến dịch “Mạnh hơn sợ hãi” của mạng lưới ung thư vú Việt Nam, hay các hoạt động của Quỹ “Bệnh nhân ung thư - ngày mai tươi sáng” (Bộ Y tế), v.v... bước đầu tạo được hiệu ứng lan tỏa trong xã hội về chung tay hỗ trợ bệnh nhân ung thư đang từng ngày chống chọi với bệnh tật nghiệt ngã. Năm nay nhiều hoạt động thiết thực sẽ được tổ chức tại các bệnh viện, trung tâm điều trị ung thư trên cả nước hưởng ứng Ngày Chăm sóc giảm nhẹ thế giới, cùng truyền đi thông điệp chia sẻ yêu thương. Đừng để những bệnh nhân bị che khuất, đừng để những cuộc đời bị che khuất. Và rằng, “chăm sóc giảm nhẹ cần được hiện hữu cho tất cả mọi người mắc bệnh hiểm nghèo, bất kể tuổi tác, màu da, giới tính, bệnh tật hay nơi họ sống”..., trong đó 6% những người cần tới CSGN ở giai đoạn cuối đời là trẻ em.
TS. BS PHẠM NGUYÊN TƯỜNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia
Return to top