ClockChủ Nhật, 30/04/2017 09:17

Thông điệp về một đổi thay

TTH - Huế đón chào 42 năm chiến thắng 30/4 cùng lễ Quốc tế Lao động 1/5 với Festival Nghề truyền thống Huế 2017 và mở cửa Đại Nội vào ban đêm. Được xem là một “phiên bản” của Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế không còn quá xa lạ khi đã bước qua kỳ thứ 7. Nét mới là chuyện về Đại Nội.

Lâu nay nghe nhiều lời phàn nàn về đêm Huế. Nào là đến Huế chỉ để ngủ, nào là Huế - thành phố đi ngủ sớm… Rồi bao câu chuyện kể về khách xa đến, đêm về cố gắng lượn lờ khám phá Huế nhưng quanh quẩn chẳng mấy chỗ chơi, đường phố lại vắng tanh nên cũng đành hòa nhịp với dân Huế… thôi “phủi chân” đi ngủ sớm. Năm này qua năm nọ, người này nói, kẻ kia góp thêm lời đã mặc định về đêm Huế nhạt nhòa, chẳng có chi là vui, là lạ để níu chân du khách.

Nhớ thời anh Nguyễn Văn Mễ còn làm Chủ tịch UBND tỉnh, tại một hội thảo đã nghe anh than phiền: “Một thành phố du lịch nhưng về đêm, Huế chẳng có gì để cho du khách thưởng thức. Chả lẽ bỏ tiền, đi một hành trình dài đến Huế chỉ để... ngủ?”. Dễ chừng cũng đã hàng chục năm rồi đâu ít, vậy mà bây giờ câu hỏi “xưa như trái đất” kia lại vẫn đang đặt ra. Với các đô thị ở vùng hẻo lánh chuyện cũng bình thường, còn với Huế được mệnh danh là thành phố du lịch, nghe mà chạnh lòng.

Huế từng trăn trở và cũng đã cố gắng để “thức khuya” hơn. Việc tổ chức đều đặn các kỳ Festival hằng năm là một minh chứng. Tôi là kẻ mê Festival và xem chừng trong năm, chỉ có Festival mới kéo được tôi ra khỏi nhà vào ban đêm. Thế nhưng Festival chỉ có dăm bảy hôm, mà mỗi năm lại có đến 365 ngày. Huế cũng đã có thêm nhiều dịch vụ vui chơi vào ban đêm nhưng còn đang đếm đầu ngón tay. Đáng nói nhất là ca Huế, nhưng dịch vụ này kết thúc theo quy định trước 22 giờ. Còn lại, kiểu như điểm giải trí “ngủ muộn” bar DMZ ở trước Khách sạn Century, mở cửa từ 7 giờ sáng đến 2 - 3 giờ sáng hôm sau thì chỉ là “không gian nhỏ”.

Mới đây, nhằm góp phần tăng thêm giá trị thương hiệu, hình ảnh đô thị Huế, UBND TP. Huế đề nghị các cơ quan tổ chức bật điện chiếu sáng mặt tiền trụ sở vào 3 ngày cuối tuần và các dịp lễ, tết trong năm. UBND TP. Huế cũng yêu cầu các phường vận động người dân bật điện chiếu sáng mặt tiền khu nhà ở của mình; yêu cầu Công ty cổ phần Môi trường và công trình Đô thị Huế, Trung tâm Công viên cây xanh Huế tăng cường thời gian bật hệ thống đèn chiếu sáng đường phố, công viên, các khu di tích, đôi bờ sông Hương… vào 3 ngày cuối tuần, nhất là các dịp lễ, tết. Tôi nghĩ, đó là biện pháp hỗ trợ, bật đèn cho sáng là để thiên hạ biết “nhà mình đang thức”.

Đi du lịch Thái Lan vài ngày tôi giật mình, tham quan không phải là vấn đề chính mà chủ yếu đi xem diễn. Lặt vặt thì xem heo chạy thi, cọp uống sữa, người “thơm” rắn… Quy mô hoành tráng có xiếc, có show của người đồng tính, sexy... Nghĩa là không có thời gian ngơi nghỉ. Ngay ở Trung Quốc cũng vậy, rất nhiều điểm tham quan, tầm cỡ như Cố cung hay Vạn lý Trường thành… nhưng vẫn biết cách thu hút du khách bằng diễn trò, như xiếc hay show Tống Thành thiên cổ tình ở Hàng Châu, thuộc nhóm những chương trình nghệ thuật hoành tráng và đáng xem nhất trên thế giới.

Thói quen khó đổi và với Huế, ngủ sớm là một thói quen. Thế nhưng, đó không phải là “bản tính khó dời”. “Đại Nội về đêm” là một phương cách, với cảnh sắc Hoàng cung, nghi thức cung đình và các hoạt động diễn xướng… đây là sự kết hợp giữa tham quan và xem diễn, hứa hẹn sẽ thỏa mãn mong mỏi muốn nhìn thấy Đại Nội ban đêm ra sao. Hy vọng, đó là sự khởi đầu không những xóa đi suy nghĩ về thành phố ngủ sớm mà còn báo hiệu về một Huế biết thức khuya hơn, sôi động và vui nhộn. Tôi nghĩ, đó cũng là thông điệp được gửi đi, để hội nhập, phát triển và giàu có hơn, du lịch nói riêng và Huế nói chung đang tìm cách và chắc chắn sẽ đổi thay.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huế xưa mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa mới
Lan tỏa thông điệp bảo vệ quyền trẻ em

Gần gũi, sinh động và thiết thực, sự đa dạng của các mô hình, chương trình tuyên truyền đã tăng cường nhận thức về bảo vệ quyền trẻ em cho chính trẻ em, mỗi người dân, gia đình và toàn xã hội.

Lan tỏa thông điệp bảo vệ quyền trẻ em
Lễ dựng nêu ở Đại Nội Huế

Sáng 2/2 (23 tháng chạp âm lịch), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức lễ dựng nêu (Thướng Tiêu) tại Triệu Miếu, Thế Miếu.

Lễ dựng nêu ở Đại Nội Huế
Vùng đất của rồng

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long, đặt quốc hiệu là Việt Nam (1804), chọn Huế làm Kinh đô của vương triều Nguyễn, mà không dời đô về Thăng Long, vốn là “thượng đô muôn đời của Đại Việt”.

Vùng đất của rồng
Return to top