ClockThứ Năm, 03/06/2010 07:24

Thông tin về việc bứng hàng cây sứ phục vụ Chương trình Hành trình mở cõi

TTH - Ngày 31-5-2010, Báo Thanh Niên có bài viết “Bứng cây trăm tuổi để phục vụ một đêm diễn” phản ánh việc Ban Tổ chức Festival Huế 2010 đã cho “bứng trắng một dãy dài gần 20 cây sứ cổ thụ hàng trăm năm tuổi duyên dáng dọc Hộ Thành hào, ngay trước kỳ đài Huế” để phục vụ cho sân khấu chương trình Hành trình mở cõi.
Xung quanh vấn đề này,Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xin có ý kiến như sau để bạn đọc hiểu rõ hơn sự việc:
 
Thứ nhất là, những cây đại (sứ) được trồng dọc theo Hộ Thành hào không phải là những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, mà chỉ mới được Công ty Quản lý Công trình Đô thị Huế (nay là Trung tâm Công viên cây xanh) trồng trong các năm 1985-1986. Nghĩa là đến nay, những cây xanh này mới được 24-25 năm tuổi. Việc trồng hàng cây này là biện pháp khắc phục tạm thời về môi trường sau khi chợ tạm Đông Ba được bố trí tại đây (trong thời gian tu sửa, nâng cấp khu chợ chính ở vị trí chợ Đông Ba hiện nay).
 
Trong thời Nguyễn (1802-1945), tại khu vực này, lúc đầu người ta để trống hoàn toàn để đảm bảo tầm nhìn thông thoáng của mặt trước Kinh thành Huế. Cho đến đầu thế kỷ XX, triều Nguyễn mới cho trồng một hàng dừa nước ở dải đất thấp và một hàng xà cừ ở dãi đất cao phía trước Hộ thành hào. (xem ảnh tư liệu 1, chụp năm 1923 - ảnh dưới , chụp cảnh toàn bộ mặt trước Kỳ đài thì có thể thấy rõ điều này).
 
 
 
 
Về sau, do chiến tranh, những hành cây này đều không còn. Vì vậy, đến trước năm 1975, khu vực này vẫn hoàn toàn để trống (xem ảnh tư liệu dưới).
 
 
 
 
 
Thứ hai là, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế luôn luôn chú ý đến việc bảo vệ môi trường cảnh quan cho các khu di tích, đặc biệt là việc nghiên cứu, phát triển hệ thống cây xanh trong khu di tích và vùng phụ cận. Việc di dời hàng cây đại trước Hộ thành hào của Kỳ đài chỉ là giải pháp tạm thời để chỉnh lý cho hàng cây đẹp hơn.
 
Từ năm 1985-1986, sau khi hàng cây đại trên được trồng, những cây xanh này do Công ty Quản lý Công trình đô thị Huế trực tiếp quản lý, chăm sóc. Năm 2000, Công ty giao lại cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý để phục vụ dự án chỉnh trang di tích Hộ Thành hào. Nhờ sự chăm sóc của Trung tâm, hàng cây này phát triển khá nhanh, góp phần làm đẹp cảnh quan mặt trước Kỳ đài (xem ảnh tư liệu 2, chụp năm 1994 so sánh với hiện nay để thấy tốc độ phát triển của hàng cây).
 
 
Tuy nhiên, tình trạng sinh trưởng của các cây đại này không đều nhau, một số cây có tán lá bị lệch, dễ gãy đổ trong mùa mưa bão nên Trung tâm đã dự tính chỉnh trang và sắp xếp lại hàng cây trên. Nhân việc tổ chức sân khấu cho chương trình Hành trình mở cõi, Trung tâm đã giao cho Đội Tôn tạo cảnh quan di tích (thuộc Trung tâm) nghiên cứu và dịch chuyển 27 cây ở khu vực giữa hàng (trong đó có nhiều cây nhỏ và cây bị lệch tán) đến chăm sóc tại khu vực Văn-Võ Miếu, đợi sau Festival Huế sẽ trồng và chỉnh trang lại.
 
Việc chỉnh trang di dời loại cây đại trong mùa nắng là hoàn toàn phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của loài thực vật này. Đội Tôn tạo Cảnh quan Di tích là đơn vị rất có kinh nghiệm trong công tác chăm sóc các loài cây cảnh. Vừa qua, Đội đã di chuyển và chăm sóc rất thành công một số cây đại cổ thụ tại khu vực lầu Tứ Phương Vô Sự (trên bắc Khuyết Đài, phía bắc Hoàng thành Huế) do yêu cầu của công tác trùng tu di tích. Chính vì vậy Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế rất yên tâm trong việc di dời để tái chỉnh trang hàng cây đại ở Hộ thành hào, phía trước Kỳ đài.
 
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mong độc giả đã có sự quan tâm đặc biệt đến di sản văn hóa Huế và các vấn đề liên quan.
 
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Return to top