ClockThứ Năm, 08/03/2012 05:30

Thú chơi gốm vỡ

TTH - Cách đây 4-5 năm trên đất Cố đô, những mảnh gốm cổ như đế đèn, ống nhổ, bình vôi, bình hoa… nằm lăn lóc dọc bờ sông, bồn hoa, công viên, góc vườn chẳng ai gìn giữ, có chăng chỉ nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan mua phục vụ cho công việc của mình. Nay bỗng chốc chúng lên ngôi khi các tay chơi đồ cổ “độc” đến Huế săn hàng.

“Khuôn vàng thước ngọc”

Đó là sự ưu ái của ông Phan dành cho những mảnh gốm từ thời Sa Huỳnh và tiền Sa Huỳnh. Khi không có những cái lành hoặc không đủ tiền để mua những cổ vật nguyên vẹn với giá hàng ngàn USD thì chính những mảnh vỡ này cũng giúp cho ông biết được niên đại, đặc điểm văn hóa có tính khoa học của các thời kỳ. Theo ông, những mảnh vỡ đích thực là đồ cổ thật, căn cứ vào nó để xác định niên đại là rất chính xác. “Nhiều lúc thấy vui, tôi gọi chúng nó (những mảnh vỡ) là khuôn vàng thước ngọc” - ông Phan cười.

Cũng theo ông giải thích: “Trong con mắt của nhà nghiên cứu, cổ vật lành hay vỡ đều mang giá trị lịch sử văn hóa như nhau. Có những mảnh vỡ sót lại từ thời xa xưa nhưng lý giải được nhiều khía cạnh thú vị. Chẳng hạn, miếng vỡ cổ vật có bề mặt lồi lõm, in hằn những nan tre nứa, ta có thể khẳng định thời đó chưa xuất hiện kỹ thuật quay mà làm thủ công bằng cách dùng đất đắp lên cái khung tre, sau đó đem nung, hay chỉ cần một miếng vỡ nhưng có chữ viết trên đó thì vẫn xác định niên đại của nó”.

Lý giải sự “lên ngôi” gần đây của những mảnh cổ vật, anh Nguyễn Văn Lập, người chuyên buôn bán đồ cổ cho hay: “Trước đây, xác định giá trị của một cổ vật được đúc kết trong bốn tiêu chí: “Nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi” nhưng từ 2006 trở lại đây, đồ cổ càng ngày càng hiếm hoi, người đam mê nó ngày càng nhiều nên đối với dân chơi đồ cổ, không mấy ai để ý đến đặc điểm “tam toàn” nữa. Cái họ quan tâm bây giờ là những cổ vật tiêu bản, có niên đại lâu năm, có “minh văn, hiệu đế” (chữ được vẽ, chạm, khắc trên cổ vật) giúp xác định xuất xứ nguồn gốc, hay cái còn thiếu trong bộ sưu tập của họ dù đã bị vỡ.

Ông Nguyễn Tích, một người buôn bán đồ cổ cho biết: “Năm năm trở lại đây, khi người trong Nam, ngoài Bắc tới hỏi mua đồ cổ vỡ với giá từ 50-60 ngàn đồng/kg thì nhà nào cũng thu gom để bán. Với những mảnh cổ vật của người Chăm Pa cách đây hàng ngàn năm, nhiều tay chơi phải mua với giá tiền triệu, lúc đó có nhà bán được hàng chục triệu đồng từ gốm vỡ. “Dân chơi đồ cổ ở các thành phố lớn thậm chí cả Việt Kiều đang đến Huế săn lùng mảnh gốm cổ. Ngày nào cũng có người đến nhờ chúng tôi làm đầu mối cung cấp gốm cổ dù nguyên hay vỡ đều được”.
 

Ông Trần Quốc Chuân, dân chơi đồ cổ phường Kim Long bày tỏ: “Chơi cổ vật là để qua đó mà biết được người xưa có đời sống văn hóa, kinh tế, mỹ thuật, thú chơi như thế nào, nó giống như quyển sách lịch sử được viết bằng hiện vật vậy. Mảnh vỡ cổ cũng chính từ cái lành cổ mà ra nên chuyện dân chơi cổ vật chuyển từ chú trọng hình thức sang nghiên cứu vật chất tạo nên cổ vật từ những miếng vỡ là điều dễ hiểu”. Đồng quan điểm đó, anh Nguyễn Hùng, người cung cấp cổ vật trên đường Trần Hưng Đạo cho biết: “Tùy từng mảnh vỡ và khả năng sáng tạo của người chơi, họ có thể bày trí theo ý tưởng của mình, đôi khi vật được tạo nên từ những mảnh cổ vỡ còn đẹp hơn cả đồ gốm lành lặn”. Theo anh Hùng, những người yêu thích đồ cổ không có tiền để mua cái lành thì việc tìm đến những mảnh gốm vỡ là cách lý tưởng nhất để thỏa mãn niềm đam mê cổ ngoạn.

Không chỉ là dân chơi đồ cổ mà hiện nay, những hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu Resort có lối kiến trúc cổ cũng săn tìm những mảnh cổ để ốp tường và bài trí. Anh Nguyễn Hoài Phong, một kiến trúc sư bộc bạch: “Với lối kiến trúc cổ, những vật trang trí như ấm trà, chén bát, niêu đất, bình cổ bị sứt mẻ một cách tự nhiên có giá trị rất lớn trong việc tôn thêm dụng ý của người thiết kế”. Anh Hùng cho biết, cách đây vài ba năm, mỗi ngày cửa hàng của anh cung cấp hàng tấn các mảnh cổ vật cho khách hàng ở Huế và các tỉnh thành khác.

Nặng lòng

Bên cạnh những người vì cuộc sống mưu sinh đã bán đi hàng tấn các cổ vật được trục vớt dưới sông Hương, còn có những con người luôn lưu giữ những cổ vật để góp phần làm nên nét văn hóa Huế. Trong đó phải nói tới nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan, hơn 30 nay ông say mê sưu tầm những cổ vật dù lành hay vỡ bằng tất cả khả năng của mình chỉ với lý do: “Mong giữ lại chút gì cho Huế để bức tranh văn hóa Cố đô thêm phần phong phú”. Có lúc, ông phải cầm cả số hưu ít ỏi của mình để vay tiền ngân hàng mua hàng xe mảnh gốm vỡ.

Hiện nay, giới chơi đồ cổ ở Huế đánh giá ông là “cây đa”, “cây đề” với hàng ngàn cổ vật và hàng vạn mảnh gốm quý đang được ông gìn giữ. Ngôi nhà vườn rộng gần 3000 m2 từng được ví như một “bảo tàng mảnh gốm”. Trong ông luôn đau đáu một tâm niệm: “Huế vốn là vùng đất không hiếm đồ cổ nhưng nay tìm lại, số cổ vật chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần nhiều cổ vật ở Huế được dân buôn đưa đi bán ở các thành phố lớn, bởi ở đó tập trung nhiều dân chơi chuyên nghiệp. ”.

Dù là người buôn bán nhưng một số người vẫn mong được lưu giữ ít nhiều cổ vật cho Huế. Anh Nguyễn Văn Lập tâm sự: “Những người trực tiếp mua những cổ vật trục vớt dưới sông Hương như tụi tui tuy không biết nhiều như ông Phan nhưng mày mò, tìm hiểu và học hỏi giá trị của từng loại cổ vật dần dà cũng mê, cũng quý nó nên muốn giữ lại cho mình”.

Cũng là người sống bằng nghề cung cấp cổ vật, nhưng ông Nguyễn Vẫn ở đường Chi Lăng cho biết: “Biết những mảnh đồ gốm rất có giá trị, muốn cất giữ, nhưng không có tiền nuôi con đành phải bấm bụng mà bán”. Những con người như ông Vẫn, anh Lập… thường bán những mảnh gốm cổ của mình cho ông Phan (dù giá rẻ hơn bán cho các tay chơi khác) bởi theo họ: “Vào tay bác Phan như vào bảo tàng nên lúc nào nhớ, muốn ngắm, ghé bác sẽ được th̃a mãn. Người có chút đam mê đồ cổ như tụi tui thật cảm ơn bác vì bác đã vượt qua được sự chi phối của cơm áo gạo tiền để lưu giữ những cổ vật cho Huế.” Ông Vẫn nói. Thiết nghĩ không riêng gì họ, mà còn rất nhiều, rất nhiều người yêu Huế đều muốn cảm ơn những con người luôn vì Huế như ông Phan…

Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam

TIN MỚI

Return to top