ClockThứ Năm, 15/09/2016 10:42

Thu hồi đất ở phường An Đông: Người dân chưa thông

TTH - Diện tích thu hồi lớn, cấp đất tái định cư (TĐC) diện tích quá nhỏ; giá bồi thường (BT) thấp, có dấu hiệu không công bằng..., là phản ánh của nhiều hộ dân ở phường An Đông (TP. Huế) bị thu hồi đất để thực hiện dự án Phú Mỹ An tại khu A- Đô thị mới An Vân Dương.

Nhiều thắc mắc

Theo các hộ dân: Họ sinh sống tại tổ 5 khu vực 2, phường An Đông từ nhiều đời nay. Cuộc sống đang an cư bị xáo trộn khi họ bị thu hồi đất, phải TĐC nơi khác. Đã vậy, theo thông báo niêm yết công khai dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC số 291 ngày 2/6/2016 của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế (TT), giá bồi thường về đất, tài sản trên đất (nhà ở, công trình xây dựng, kiến trúc, cây cối...) quá thấp. Diện tích đất bị thu hồi lớn, trong khi đất TĐC diện tích quá nhỏ, không đáp ứng nhu cầu ở của nhiều nhân khẩu trong gia đình. Có dấu hiệu không công bằng trong BT về đất... Những vấn đề bất cập nêu trên khiến các hộ “ăn không ngon, ngủ không yên”.

Các hộ dân lo lắng vì cho rằng bồi thường chưa thỏa đáng

Theo thẩm định của cơ quan chức năng về đất của bà Trần Thị Gái: Là đất (chưa có thẻ đỏ-pv) do bà Gái khấu cư đã sử dụng đất từ năm 1968. Nhà do bà Gái tự xây năm 1985. Hộ bà Gái hiện có 11 nhân khẩu (căn cứ tờ khai nguồn gốc sử dụng đất do UBND phường An Đông xác nhận). Tính theo nhân khẩu nên hộ bà Gái được đền bù 99,5% đất ở là 550 m2, đất nông nghiệp liền kề 11,2m2. Theo ông Tuấn: Các hộ bị thu hồi đất, hộ nào có nhiều nhân khẩu (tương tự hộ bà Gái) đề nghị kê khai bổ sung để cơ quan chức năng điều chỉnh.

Cụ thể: đất ở được chia thành 2 loại, là đất ở loại đường 4c vị trí 2 có giá BT 2.260.000đ/m2. Đất ở loại đường 4c vị trí 3 có giá BT 1.430.000đ/m2. Đất nông nghiệp (vườn) liền kề có giá BT 23.300đ/m2. Ông Nguyễn Đắc Thẻo, Nguyễn Đắc Lực, bà Nguyễn Thị Gái, Nguyễn Thị Hoa và nhiều người dân khác cho rằng, cách đây hơn chục năm, giá đất thị trường ở khu vực này đã 4-5 triệu đồng/m2. Nay áp giá BT như nêu trên là quá thấp. Nhiều gia đình có diện tích đất 500- 600m2, ngoài đất ở hạn mức 300m2 (hạn mức đất ở nông thôn do trước đây là xã), hoặc 200m2 (hạn mức đất ở TP, do nay là phường), đất vườn liền kề được sử dụng trồng cây ăn trái, trồng trọt, chăn nuôi. Nếu BT đất vườn giá như nêu trên, coi như người dân “mất trắng”. Vấn đề bất cập khác, cùng chung một khuôn viên đất, nhưng nhà trước (của cha) được tính vị trí 2 (giá 2.260.000đ/m2), nhà liền ngay sau đó (của con) lại tính vị trí 3 (giá 1.430.000đ/m2).

Tài sản (nhà cửa) trên đất, giá BT thấp, không đủ để xây dựng lại nhà ở mới. Đối với cây cối, giá “chênh” quá nhiều so với thực tế. Ví dụ: 1 cây tre thị trường có giá 20 nghìn đồng, nhưng chỉ được BT 7 nghìn đồng. Loại cây cảnh có giá vài triệu thì chỉ được BT mấy chục nghìn đồng. “Với phương án bồi thường nêu trên, người dân thiệt thòi đủ thứ về cách phân loại đất, giá cả. Phương án cấp đất TĐC cũng khiến người dân lo lắng. Nhiều gia đình đông nhân khẩu, được phân đất TĐC mỗi lô diện tích 90m2, làm sao đáp ứng được nhu cầu ở? Mặt khác, người dân chưa hề biết thông tin về chính sách cấp lô phụ cho hộ đông người, diện tích đất bị thu hồi lớn”- ông Nguyễn Đắc Lực nói.  Các hộ kiến nghị bị thu hồi bao nhiêu diện tích đất ở (hạn mức đất ở tại TP hiện 200m2) thì họ phải được cấp lại bấy nhiêu tại nơi TĐC. 

Một vấn đề khiến nhiều hộ thắc mắc, cho rằng có sự bất công trong BT. Đó là, những hộ có “thẻ đỏ” lại bị thiệt thòi hơn so với hộ chưa được cấp “thẻ đỏ”. Cụ thể: các hộ có “thẻ đỏ” chỉ được BT đất ở trong hạn mức (200 hoặc 300m2, diện tích còn lại tính BT loại đất nông nghiệp liền kề). Trong lúc đó, hộ bà Trần Thị Gái diện tích 561m2 (đất chưa có “thẻ đỏ”), nhưng lại được BT 550m2 đất ở. “Tất cả những vấn đề bất cập nêu trên khiến chúng tôi “nhấp nhổm”, tư tưởng không “thông””. Một lão niên tâm tư.

Đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế và nội dung tại những văn bản đơn vị này cung cấp: Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc giải tỏa đầu tư xây dựng khu nhà ở cao cấp, biệt thự đa chức năng, dịch vụ, thương mại tại khu đất ký hiệu TM2, OTM2, OTM4 và BT thuộc khu A- Đô thị mới An Vân Dương, phường An Đông, TP. Huế, TT thực hiện công tác BT hỗ trợ và TĐC. Chủ đầu tư là Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh. Đơn vị thẩm định điều kiện BT là Phòng Tài nguyên & Môi trường TP. Huế. Theo đó, trên kết quả thẩm định về đất, tài sản trên đất, TT căn cứ các quy định hiện hành của UBND tỉnh để lập phương án áp giá BT.

Ông Tuấn cho biết, đối với loại đất nông nghiệp liền kề gắn với nhà ở bị thu hồi, người dân được hỗ trợ 50% giá đất ở, nhưng không quá một lần hạn mức đất ở (ví dụ hộ có diện tích đất vườn liền kề bị thu hồi là 300m2, thì được hỗ trợ 50% giá đất ở đối với 200m2, là 1 lần hạn mức đất ở TP; 100m2 còn lại chỉ tính giá bồi thường 23.300đ/m2). Tuy nhiên hiện nay, chính sách của UBND tỉnh có quy định 5 lần hạn mức (cho từng dự án), do đó, TT đang đề nghị UBND tỉnh áp dụng quy định này, để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Công văn số 1140 ngày 18/7/2016 Trung tâm Phát triển quỹ đất gửi Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh cũng nêu: “Trong phạm vi giải phóng mặt bằng có khu vực dân cư gồm các hộ gia đình đã sinh sống từ lâu và ổn định, được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do đó công tác BT, hỗ trợ và bố trí TĐC còn vướng mắc. Tại các buổi họp để thông báo chủ trương thu hồi đất, kết thúc công khai phương án BT, hỗ trợ, các hộ gia đình có ý kiến là có cơ sở và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay”. Do đó, tại công văn này, TT đề nghị: “Quỹ đất TĐC tại khu hạ tầng kỹ thuật TĐC2 có các lô diện tích từ 126 đến 196m2 đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật đưa vào sử dụng. Để giải quyết vướng mắc, kiến nghị của hộ giải tỏa, đảm bảo công bằng trong công tác bố trí TĐC (vì các hộ bị thu hồi đất có diện tích trung bình từ 200 đến 600m2), đề nghị Ban quản lý phát triển đô thị tỉnh báo cáo đề xuất UBND tỉnh sử dụng các lô đất nêu trên (23 lô), ưu tiên bố trí cho các hộ chính tại khu vực giải tỏa. Các lô diện tích 90m2 sử dụng cho các hộ phụ”.

Theo ông Tuấn, phương án BT hiện nay mới chỉ là dự thảo, niêm yết công khai để người dân có ý kiến. Những vấn đề chưa phù hợp sẽ được điều chỉnh. Sau “phần” này, cơ quan chức năng sẽ họp bàn để đưa ra phương án về các lô phụ, tiếp tục công khai cho người dân. Hội đồng tư vấn của tỉnh sẽ giải quyết về các vướng mắc trong công tác BT hỗ trợ, bố trí TĐC (giải quyết những điều chưa có quy định).

Theo ông Nguyễn Đình Nghị, Chủ tịch UBND phường An Đông: Đến nay vẫn chưa có phương án TĐC. Còn về giá bồi thường, Trung tâm Phát triển quỹ đất “áp” theo quy định, chính sách hiện hành. Tuy nhiên tùy từng kiến nghị, chính quyền địa phương sẽ xem xét cụ thể (về nguồn gốc sử dụng đất), nắm bắt tâm tư của bà con để có đề xuất, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.

Dự án Phú Mỹ An có tổng diện tích thu hồi giải phóng mặt bằng 166.395,4m2. Trong đó: Thu hồi đất nông nghiệp trồng lúa nước với diện tích 159.396,8m2; gồm có 68 hộ gia đình. Thu hồi đất ở với diện tích 6.998,62; gồm có 38 hộ (22 hộ chính và 16 hộ phụ) bị thu hồi đất và giải tỏa toàn bộ nhà ở. Dự kiến bố trí TĐC 22 hộ chính và 16 hộ phụ.

UBND TP. Huế đã ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp trồng lúa nước tổng giá trị là 10,5 tỷ đồng. Đã thực hiện chi trả, bàn giao mặt bằng với diện tích 15,9 ha. Công trình hạ tầng kỹ thuật phê duyệt giá trị hỗ trợ di chuyển là 830 triệu đồng. Tính đến nay, tiến độ giải phóng mặt bằng đạt 90% khối lượng công việc.

Đối với diện tích đất ở 6.998,62, gồm có 38 hộ (22 hộ chính và 16 hộ phụ), đã thẩm định điều kiện bồi thường về đất. Trung tâm Phát triển quỹ đất đã lập dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC niêm yết công khai, tạm tính 18 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống

Ngày 17/4, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai năm 2024 đến cán bộ các sở ban, ngành, tổ chức, đơn vị phòng chuyên môn thuộc tỉnh, thành phố, huyện, thị xã. Đến dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống
Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Nỗi niềm người dân làm du lịch

Dịch vụ du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế khi tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cần phát triển đúng định hướng phát triển của tỉnh và xu hướng du lịch thế giới là chuyên nghiệp hóa hoạt động dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu khách du lịch.

Nỗi niềm người dân làm du lịch
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Return to top