ClockThứ Hai, 18/03/2019 14:18

Thu hút học sinh đến với trường nghề: Chất lượng đào tạo là then chốt

TTH - Khi xã hội chưa dành nhiều lựa chọn với trường nghề, việc nâng cao chất lượng đào tạo để trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động đóng vai trò quyết định trong việc thu hút học sinh đến với trường nghề.

“Khơi thông” bất cập để phân luồng học sinh học nghề

Giờ thực hành ở Trường cao đẳng Công nghiệp Huế

Gắn kết với doanh nghiệp

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế xác định, cần trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng và thái độ để sẵn sàng lập nghiệp. Ngoài kiến thức và kỹ năng, nhà trường còn chú trọng đào tạo thái độ làm việc. Từ khi sinh viên mới nhập học, trường tổ chức cho các em đi thực tế để hiểu rõ hơn về giáo dục nghề nghiệp (GDNN), môi trường học tập cũng như môi trường làm việc tương lai để có định hướng đúng về nghề nghiệp. Về đào tạo tay nghề, tổng thời lượng thực hành của trường chiếm đến 70% thời gian học tập, không chỉ thực tập tại các doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế mà còn ở những khu công nghiệp lớn trong cả nước. 

Trường cao đẳng Công nghiệp Huế cũng gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp thông qua việc đưa mô hình doanh nghiệp vào nhà trường. Ông Trần Hữu Châu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, cho hay: “Dù nhà trường được đầu tư đến mấy cũng không chạy theo kịp sự phát triển của thị trường công nghệ. Thế nên, trường cố gắng kéo các doanh nghiệp tham gia đào tạo cùng với nhà trường. Chẳng hạn, kết hợp với Công ty HBI mở trung tâm đào tạo sửa chữa máy may tại trường. Công ty đầu tư nguyên một chuyền may, nhà trường cử giáo viên về công ty học cách vận hành, sửa chữa để đào tạo lại cho sinh viên. Sau khi ra trường, sinh viên có thể về làm việc ngay tại doanh nghiệp mà không cần qua thử việc”.  

Ở Trường cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế, việc hợp tác với doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh qua những hợp đồng ký kết hợp tác đào tạo, trong đó, trường có trách nhiệm đào tạo, giới thiệu học viên cho doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp hỗ trợ vật tư cho học viên thực hành, tạo điều kiện cho học viên thực tập và tiếp nhận học viên của trường vào làm việc nếu đủ điều kiện. Trung tâm sản xuất của trường còn nhận hàng hóa về cho học viên làm để tạo điều kiện cho các em có cơ hội thực hành. Đây là mô hình liên kết sẽ được nhà trường đẩy mạnh.

Ông Trần Nam Lực, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế, cho rằng: “Thiếu vật tư, thiết bị không theo kịp, chi phí đào tạo chưa đủ nên công tác đào tạo nghề chưa theo kịp phương pháp đào tạo hiện đại, ảnh hưởng đến chất lượng. Vì thế, nhà trường tập trung nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc liên kết với doanh nghiệp, khuyến khích, động viên đội ngũ giáo viên nâng cao năng lực thông qua việc học tập nâng cao trình độ, trực tiếp sản xuất để trau dồi kỹ năng…”.

Nâng cao chất lượng

Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho rằng, khó khăn lớn nhất trong hoạt động GDNN hiện nay là công tác tuyển sinh. Nhận thức của người dân trong đào tạo nghề còn hạn chế, tư tưởng coi trọng bằng cấp còn phổ biến, tâm lý của phụ huynh, học sinh đều muốn vào đại học. Khi cánh cửa vào đại học ngày càng rộng mở thì cơ hội đối với trường nghề cũng ít dần. Thứ nữa, tính chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức hoạt động dạy nghề của một số cơ sở dạy nghề chưa cao, ngành nghề đào tạo chưa phong phú nên chưa thực sự hấp dẫn, thu hút người học.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp lắp ráp và gia công sản phẩm nên việc trả lương cho người lao động không theo bằng cấp chuyên môn, phần lớn tuyển lao động phổ thông, nên người lao động không mặn mà tham gia các lớp đào tạo cao đẳng và trung cấp. Nhiều doanh nghiệp cũng chưa nhận thức rõ quyền lợi và trách nhiệm trong hoạt động đào tạo nghề, nên chưa tích cực tham gia vào việc xây dựng chương trình đào tạo, tiêu chuẩn kỹ năng nghề, đào tạo thực hành, đánh giá chất lượng…

Đặt ra chỉ tiêu tuyển sinh 15.000 lao động học nghề trong năm 2019, công tác giáo dục nghề nghiệp cần được đổi mới căn bản, đồng bộ và toàn diện nhằm nâng cao số lượng và chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động trong tỉnh, trong nước và hội nhập quốc tế. Ông Tuấn nhấn mạnh: “Để thu hút học sinh, các cơ sở đào tạo nghề phải nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường phải công bố chuẩn đào tạo đầu ra, trên cơ sở đó xây dựng chương trình đào tạo đảm bảo học viên sau khi ra trường đáp ứng tiêu chuẩn trường đã công bố. Trong quá trình đào tạo, cần phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình, giáo trình, giới thiệu việc làm sau khi ra trường... Có đầu ra với mức lương cao, môi trường làm việc tốt thì sẽ thu hút nhiều người học nghề”.

Công tác tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa làm cho xã hội, nhất là học sinh tốt nghiệp THPT, THCS, thanh niên nhận thức rõ vào đại học không phải là con đường duy nhất đảm bảo cuộc sống. Việc phối hợp chặt chẽ giữa Sở LĐTBXH và Sở Giáo dục & Đào tạo để làm tốt công tác định hướng giáo dục nghề nghiệp, phân luồng học sinh là yêu cầu cấp thiết.

Việc nhiều trường nghề trên địa bàn tỉnh có ngành nghề tuyển sinh giống nhau và vì cạnh tranh khốc liệt, một số trường chạy theo số lượng nên bỏ ngỏ chất lượng cũng là điều khiến nhiều người trăn trở. Theo ông Trần Hữu Châu Giang, để nâng cao chất lượng GDNN, Sở LĐTBXH nên tổ chức trung tâm sát hạch, đánh giá đầu ra theo đúng chuẩn thì các trường không thể chỉ đào tạo theo chỉ tiêu.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

TIN MỚI

Return to top