ClockThứ Sáu, 03/03/2017 06:01

Thu hút nhiều dự án lớn từ Nhật Bản

TTH - Chỉ tính riêng các dự án từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản đầu tư trên địa bàn, Thừa Thiên Huế đã được hưởng lợi trên nhiều lĩnh vực, như y tế, giao thông, đô thị, di tích…, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

Một trong 3 nhà tài trợ lớn

Ông Lê Đình Khánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Nhật Bản là một trong 3 nhà tài trợ lớn cho tỉnh trong việc đầu tư triển khai nhiều dự án quan trọng trên các lĩnh vực, trong đó có thể chia thành hai hình thức là tài trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi, với tổng số tiền khoảng 370 triệu USD, chiếm hơn 51% tổng số vốn ODA trên địa bàn.

Tình nguyện viên Nhật Bản tham quan mô hình trồng rau của nông dân TP. Huế

Một trong những dự án sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi lớn nhất từ Nhật Bản là hầm đường bộ Hải Vân với tổng số vốn khoảng 250 triệu USD. Sau khi hoàn thành, hầm đường bộ Hải Vân trở thành hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á và là một trong 30 hầm đường bộ lớn nhất, có công nghệ hiện đại nhất thế giới. Hầm đường bộ Hải Vân hoàn thành không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông, rút ngắn khoảng cách giữa hai tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế- Đà Nẵng, mà còn mở ra nhiều cơ hội giao thương, phát triển du lịch, đảm bảo an ninh quốc phòng…

Các dự án Bệnh viện Quốc tế Huế; trùng tu một số địa điểm, khu vực thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế; chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản lý nước cho Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế…đã được triển khai dưới sự hỗ trợ kể cả vốn, kỹ thuật từ Nhật Bản đến nay đã phát huy hiệu quả, trong đó, Trung tâm Y tế chuyên sâu đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao cho người dân trên địa bàn và khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Lĩnh vực cấp nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó, Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế trở thành một trong 3 đơn vị dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về cấp nước an toàn, nước sạch có thể uống tại vòi. Nhiều địa điểm, di tích sau khi được trùng tu đã đưa vào khai thác du lịch, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị của hệ thống di tích trên địa bàn.

Các dự án về xây dựng trường học kiên cố và trồng rừng giao lưu…cũng được triển khai từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhật Bản. Đặc biệt là các chương trình, dự án do các nhóm tình nguyện viên từ Nhật sang hỗ trợ cho người dân vạn đò chuyển đổi sinh kế, nâng cao kiến thức, giúp nông dân ở các phường vùng ven sản xuất, nuôi trồng theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường, mở trang mới về cách ứng phó của người dân với thiên nhiên, môi trường.

Các dự án FDI từ Nhật Bản dù chưa nhiều, số vốn đầu tư chưa lớn song hầu như đều làm ăn hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho một bộ phận người dân.

Ưu tiên kêu gọi đầu tư

Một trong những dự án lớn đang được triển khai trên địa bàn TP. Huế hiện nay là dự án Cải thiện môi trường nước được thực hiện từ nguồn vốn vay ODA Nhật Bản, với tổng mức đầu tư khoảng gần 3.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng năm 2018, góp phần giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng cục bộ cho khu vực trung tâm phía Nam TP. Huế, đồng thời, đảm bảo nguồn nước thải đã qua xử lý sau khi thải ra môi trường đạt các tiêu chuẩn cho phép.

Nhà máy sản xuất bánh gạo do doanh nghiệp Nhật đầu tư tại Thừa Thiên Huế

Lãnh đạo Sở kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, không chỉ Thừa Thiên Huế mà Việt Nam được hưởng lợi khá nhiều từ các dự án đầu tư từ nguồn vốn ODA, FDI, NGO của Nhật Bản. Kết quả đó là nhờ mối quan hệ tốt đẹp, lâu dài từ phía Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng. Nhật Bản luôn đánh giá Việt Nam, Huế là đối tác đáng tin cậy, do đó, luôn ưu tiên các dự án đầu tư cho Huế.

Lãnh đạo tỉnh xác định, việc kêu gọi đầu tư từ Nhật Bản kể cả nguồn vốn ODA và các doanh nghiệp Nhật luôn là ưu tiên hàng đầu. Tỉnh đã xây dựng khá nhiều chương trình, kế hoạch kêu gọi đầu tư thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư nước ngoài năm 2016, có khá nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến lĩnh vực đầu tư ngành công nghiệp tàu thủy tại Cảng nước sâu Chân Mây-Lăng Cô. Công ty có thâm niên đầu tư lĩnh vực này ở Nhật Bản cho hay, sau khi khảo sát thực tế, họ nhận thấy Cảng nước sâu Chân Mây-Lăng Cô có nét tương đồng với một số cảng nước sâu ở Nhật Bản và khá thích hợp với việc đầu tư ngành công nghiệp tàu thủy và sẽ nghiên cứu để xem xét đầu tư lĩnh vực này.

Ông Lê Đình Khánh thông tin, tỉnh đã xây dựng và ưu tiên kêu gọi 26 dự án đầu tư với đối tác Nhật Bản, trong đó có 4 dự án đầu tư tại Cảng nước sâu Chân Mây gắn với khu phi thuế quan, khu công nghiệp, 7 dự án ở lĩnh vực du lịch, gồm 3 dự án khách sạn, khu vui chơi giải trí, sân golf, 6 dự án khu đô thị, thương mại, 2 dự án về y tế, đào tạo, 1 dự án về nông nghiệp công nghệ cao… Trong đó, có một số dự án đã có nhà đầu tư Nhật Bản khảo sát và sẽ sớm có báo cáo với UBND tỉnh.

Về sự kiện Nhật Hoàng và Hoàng hậu đến thăm Huế, ông Lê Đình Khánh cho rằng, đây là cơ hội tốt để Huế quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch và kêu gọi đầu tư. Dù đoàn đi cùng Nhật Hoàng và Hoàng Hậu không có doanh nghiệp, song với khoảng 100 nhà báo đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới và Nhật Bản, chắc chắn Việt Nam, Huế sẽ được nhiều người biết đến hơn. Không bỏ lỡ cơ hội này, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị đầy đủ các tài liệu cần thiết để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các lĩnh vực ưu tiên đầu tư cho đối tác Nhật Bản.

Ngoài 370 triệu USD từ nguồn ODA hỗ trợ hoàn lại và không hoàn lại, Thừa Thiên Huế đã cấp phép đầu tư cho 7 dự án có nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản, với tổng số đăng ký hơn 30 triệu USD, tạo doanh thu bình quân hàng năm khoảng 18 triệu USD. Trong đó, các dự án đầu tư xây dựng nhà máy rượu sake và rượu trắng Nhật Bản, doanh thu hàng năm đạt khoảng 1,8 triệu USD, nộp ngân sách khoảng 800 ngàn USD, dự án Công ty may mặc MSV giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động, dự án về công nghệ thông tin của Công ty Brycen phát huy hiệu quả…Thừa Thiên Huế còn được hưởng lợi từ các dự án của các tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản, với số tiền 7 triệu USD.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để ẩm thực thành lợi thế thu hút khách đến Huế

Du lịch ẩm thực đang là một xu hướng lớn trên thế giới. Huế tự hào với nền ẩm thực phong phú, đa dạng, nhưng để ẩm thực trở thành lợi thế cạnh tranh thu hút khách thì còn nhiều việc cần làm.

Để ẩm thực thành lợi thế thu hút khách đến Huế
Lao động Việt Nam là nhóm lao động nước ngoài lớn nhất tại Nhật Bản

Theo Tạp chí Nikkei Asia ngày 15/3, lực lượng lao động nước ngoài của Nhật Bản đã chứng kiến sự thay đổi do những điều chỉnh về tiền lương và tỷ giá hối đoái; trong đó, số lượng lao động Việt Nam đã vượt qua lao động Trung Quốc để trở thành nhóm lao động nước ngoài lớn nhất vào năm ngoái. Ngoài ra, lao động đến từ Indonesia cũng tăng gần gấp 3 lần so với năm 2018.

Lao động Việt Nam là nhóm lao động nước ngoài lớn nhất tại Nhật Bản
DỰ ÁN KHU DU LỊCH SUỐI VOI:
Yêu cầu nhà đầu tư xây dựng lại chi tiết tiến độ triển khai

Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh yêu cầu chủ đầu tư Dự án (DA) Khu du lịch Suối Voi (Phú Lộc) xây dựng lại chi tiết tiến độ triển khai các hạng mục công trình, chứng minh năng lực tài chính. Đồng thời, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành giai đoạn 1, 2 đưa vào hoạt động trong năm 2024.

Yêu cầu nhà đầu tư xây dựng lại chi tiết tiến độ triển khai
Nhiều dự án kinh tế cho nông dân

Hội Nông dân (HND) huyện Quảng Điền đã và đang triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án kinh tế cho nông dân
Nhu cầu xã hội về ngành dinh dưỡng rất lớn

Nắm bắt xu hướng nhu cầu về dinh dưỡng trong đời sống ngày càng cao, năm 2024, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế bắt đầu mở khóa đào tạo chuyên ngành dinh dưỡng đầu tiên.

Nhu cầu xã hội về ngành dinh dưỡng rất lớn
Return to top