ClockThứ Ba, 02/08/2016 14:12

Thủ lĩnh trẻ với ước mơ bảo tồn tri thức bản địa

TTH - Tài năng, có hoài bão, Hoàng Hão Trà My sáng lập Dự án PhotoTEK với mong muốn lưu giữ tri thức bản địa nghề cá làng An Truyền (Phú Vang - Phú Vang).

Dự án ý nghĩa

Là thủ khoa Khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường (Trường đại học Nông lâm Huế), thạc sĩ Phát triển bền vững tại Đại học Chiang Mai (Thái Lan) và thành viên Chương trình kết nối thủ lĩnh sinh thái Đông Nam Á, Trà My không chọn cho mình một con đường bằng phẳng mà mong muốn tham gia hoạt động tình nguyện để sử dụng kiến thức của mình vào việc bảo tồn các giá trị truyền thống đang dần mai một.

Thủ lĩnh Trà My khảo sát thực địa tại An Truyền

Giới thiệu với chúng tôi cuốn sách ảnh “Tri thức bản địa - Qua một làng nghề” mà nhóm Dự án PhotoTEK hoàn thành sau hơn 5 tháng làm việc cùng người dân trong Chi hội nghề cá thôn An Truyền. Trà My bày tỏ chút “duyên” khi hình thành ý tưởng Dự án: “Em có cơ hội đến thăm làng nổi ở Tonle sap là Krakor ở tỉnh Pusat tại Campuchia, và ấn tượng với nghề cá, vùng sông nước tại đây. Thừa Thiên Huế chúng ta cũng có một nơi gắn với “nghiệp” này lâu đời không kém là vùng An Truyền và em tự hỏi tại sao chúng ta không một lần tìm hiểu về văn hóa nghề cá”.

Tìm tòi, phát triển thành một dự án hoàn chỉnh, Trà My tiến hành soạn thảo hồ sơ và thuyết phục Tổ chức AYVP (Chương trình kết nối những thủ lĩnh sinh thái ở Đông Nam Á) cấp nguồn viện trợ Dự án PhotoTEK, đồng thời thành lập nhóm nghiên cứu bao gồm những tình nguyện viên trẻ, chủ yếu là sinh viên đại học tại Huế và Đà Nẵng.

Trà My thổ lộ: “Không có tình nguyện viên nào có nền tảng về Quản lý tài nguyên, đa số đến từ Trường đại học Y Dược Huế nên giai đoạn đầu phải rất khó khăn mới theo được mục tiêu của dự án. Tuy vậy, các bạn thực sự có lòng đam mê, quyết tâm và không bỏ cuộc mặc dù lịch học rất căng thẳng”.

Với sự hướng dẫn, hỗ trợ của người dân địa phương, nhóm đã tiến hành điều tra khảo sát thực địa, tiếp xúc một số đại diện làng để nắm thông tin cơ bản về tri thức nghề cá và văn hóa lịch sử của làng từ đó chọn bốn hộ dân nghề cá làm nghiên cứu điển hình. Cùng sống, cùng làm việc với người dân làng An Truyền (Phú Vang), mỗi thành viên theo dõi và ghi chép từng giai đoạn từ cải tạo hồ nuôi, tiến hành nuôi trồng đến giai đoạn thu hoạch cùng những kinh nghiệm khi đặt nò, thả lừ, vệ sinh hồ nuôi một cách chi tiết. Và thành quả là cuốn sách ảnh màu tập hợp những kiến thức, hình ảnh nhóm đã dày công xây dựng và hình ảnh sinh động, đầy màu sắc của đời sống người dân vùng đầm phá. Với Trà My đó thật sự là “những trải nghiệm tuyệt vời và thành quả cũng thật là đặc biệt”.

Chia sẻ và nhân rộng thành quả

Kể từ đây Trà My và các thành viên nhóm bắt đầu tổ chức những buổi hội thảo chia sẻ tri thức bản địa nghề cá cho học sinh THCS, cán bộ phường xã, sinh viên Đại học Huế, tặng sách ảnh đến UBND xã Phú An, Trường tiều học, trung học Phú An và những người dân nghề cá.

Trà My cho hay: “Với chúng em, tri thức bản địa là vô giá nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một khi môi trường sống đang dần bị hủy hoại một cách nghiêm trọng và cần sự chung tay bảo vệ nguồn tri thức quan trọng này”.

 “Có thể kiến thức bản địa chỉ được truyền miệng trong dân chúng. Việc khám phá và tri thức hóa những thông tin trên để chúng ta trao đổi với nhau, làm dồi dào kiến thức cho mỗi người và cũng là để lại cho con cháu chúng ta sau này những di sản có giá trị”, Trà My chia sẻ thêm.

Tuy dự án đã kết thúc bước đi đầu tiên và đang xây dựng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo, nhưng theo Trà My nhóm sẽ tiếp tục chia sẻ sách ảnh cập nhật thông tin liên quan của PhotoTEK. Qua mạng, xây dựng thêm những hoạt động ý nghĩa nhằm lưu giữ tri thức bản địa của cha ông.

Chia sẻ chút ít về dự định riêng của bản thân, Trà My thổ lộ hiện đang đăng ký làm tình nguyện viên quốc tế cho Liên Hiệp Quốc ở Ấn Độ để có thêm kinh nghiệm tiếp tục các dự án cộng đồng tại Việt Nam. Hy vọng niềm đam mê cùng ý chí đóng góp cho cộng đồng sẽ giúp cô gái trẻ gặt hái thêm những thành công trong tương lai.

PhotoTEK (Photography Documentary of Traditional Ecological Knowledge) là một sáng kiến được bảo trợ bởi Chương trình Tình nguyện trẻ Đông Nam Á năm 2015. Dự án được thành lập đầu năm 2016 nhằm nâng cao nhận thức của người dân địa phương và giới trẻ trong việc bảo tồn tri thức bản địa, giúp giới trẻ có thêm những thông tin và hiểu rõ hơn mối quan hệ tương hỗ giữa người và thiên nhiên trong quá khứ và hiện tại. Mục tiêu xa hơn của dự án là xúc tiến sự tham gia của các bên liên quan như người dân và chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ trong việc bảo tồn và phát triển tri thức bản địa nghề cá, nhân rộng và lan tỏa đến các nước cộng đồng ASEAN và một số nước khác.

Hà Giao

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã

Ngày 7/4, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) phối hợp với Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) tổ chức buổi tọa đàm: Sinh viên với hành động vì động vật hoang dã.

Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã
Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi

Sau 5 năm triển khai, Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh dù đạt nhiều thành quả nhưng vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến môi trường diễn xướng cho loại hình di sản này vẫn chưa nhiều và có nhiều thay đổi theo chiều hướng hiện đại, chương trình quảng bá chưa rộng rãi nên chưa thu hút người tham gia…

Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi
Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống

Là địa phương có khá nhiều nghề, nghề truyền thống (NTT) và làng nghề truyền thống (LNTT) nên để khôi phục, bảo tồn và phát triển, TP. Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống
Return to top