ClockThứ Ba, 01/11/2016 06:01

Thu nhập ổn định từ nghề chẻ tăm hương

TTH - Nghề chẻ tăm hương truyền thống ở xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy) đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân vùng chiến khu xưa này.

Nhiều gia đình ở Dương Hòa có kinh tế ổn định nhờ nghề chẻ tăm hương

Không giàu cũng khá

Không cần thời gian cụ thể, tranh thủ lúc nào rảnh rỗi là chị em phụ nữ ở xã Dương Hòa bắt tay vào đẩy tăm hương. Tuy gọi là phụ, nhưng nhờ nghề này, bình quân một công lao động cũng kiếm được từ 150- 200 nghìn đồng/ngày. Nguyên liệu tăm hương (hay còn gọi là nhang) được làm từ cây lồ ô. Đây là giống cây được trồng và phát triển nhiều trên địa bàn Dương Hòa và một số xã lân cận như Phú Sơn, Bình Thành (Hương Trà)…

Hiện nay, toàn xã có trên 50 hộ theo nghề chẻ tăm hương. Ông La Đành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Hòa cho hay, chẻ tăm hương là nghề truyền thống đặc trưng của địa phương, có từ nhiều đời nay. Để duy trì nghề, năm 2012, Hội Nông dân xã thành lập Tổ nghề sản xuất tăm hương tại thôn Hạ, nơi có số hộ theo nghề chẻ tăm hương đông nhất. Thực ra, từ năm 2008, tổ này đã được hình thành, nhưng chính thức trở thành tổ chức hội từ năm 2012.

Chị Phan Thị Chi, Tổ trưởng Tổ nghề sản xuất tăm hương cởi mở, tuy gọi là phụ về thời gian, nhưng lại là nghề chính của nhiều chị em phụ nữ trong thôn, xã. Vì nhu cầu về sản phẩm rất lớn, nên nhà nào có nguyên liệu, có công lao động là cho thu nhập cả chục triệu đồng một tháng. Không chỉ chú trọng đến sản xuất, trong quy chế hoạt động, tổ còn thường xuyên tổ chức sinh hoạt hằng tháng, đóng góp quỹ, để giúp nhau về vốn, thăm nom ốm đau, hiếu hỉ…

Làm “lai rai” nhưng dễ có tiền 

Hỏi về tuổi nghề, chị Phan Thị Chi cười: “Mình làm nghề này từ lúc 11, 12 tuổi. Hồi đó, thấy ba mẹ làm, mình cũng xắn tay phụ giúp, dần dần rồi quen và theo nghề cho đến nay”. Qua hơn 30 năm lập gia đình, nhờ nguồn thu từ nghề này, vợ chồng chị nuôi được các con ăn học thành tài, xây nhà cửa khang trang, sắm sửa nội thất, phương tiện đi lại.

Mặc dù có con dại, nhưng chị Hải, thôn Buồng Tằm vẫn tranh thủ rảnh rỗi để đẩy tăm. Bình quân một ngày chị đẩy hơn 1 kiện (10kg), tính riêng tiền công khoảng 120- 150 nghìn đồng.

Theo chị Chi, với nghề này, trong nhà ai cũng có việc để làm. Các công đoạn từ cưa lồ ô thành từng khúc, ra nan có thể dành cho đàn ông làm; còn việc đẩy tăm do phụ nữ tranh thủ làm lai rai. Cây lồ ô không bỏ phí một bộ phận nào. Phần gốc và đọt của cây lồ ô được tận dụng để làm khung hàng mã; phần vỏ dùng làm chổi quét…

Qua trò chuyện với những người làm nghề, chỉ cần nhà nào trồng vài sào lồ ô là không lo đói, lo nghèo, vừa có sẵn nguyên liệu và có việc để làm thường xuyên. Để chủ động nguồn nguyên liệu, người dân ở Dương Hòa đề xuất mở rộng thêm vùng trồng lồ ô trên địa bàn.

Chủ tịch Hội Nông dân xã - La Đành khẳng định, nghề này đã góp một phần không nhỏ trong việc đưa xã Dương Hòa đạt được các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và hình thức tổ chức sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

HOÀI NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao kỹ năng quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng

Lớp tập huấn quảng bá, xúc tiến các sản phẩm du lịch thông qua kỹ năng xây dựng video, clip do TX. Hương Thủy tổ chức diễn ra ngày 17/4 tại xã Dương Hòa. Đông đảo cán bộ, hội viên Chi hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, chủ cở sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thị xã tham dự.

Nâng cao kỹ năng quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng
Đường ngập, di dời nhiều hộ dân trong đêm

Trên đất liền tỉnh Thừa Thiên Huế từ hôm nay (11/10) đến ngày 13/10, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông. Tổng lượng mưa của cả đợt phổ biến 100-230mm, có nơi trên 330mm.

Đường ngập, di dời nhiều hộ dân trong đêm
Tháp Chăm Phú Diên ở… Dương Hòa?

Một điều bất ngờ chúng tôi phát hiện ra rằng, ở xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy cũng được thể hiện có ký hiệu với chú giải “tháp Chăm Phú Diên”.

Tháp Chăm Phú Diên ở… Dương Hòa
Return to top