ClockThứ Sáu, 08/05/2015 15:56

Thư pháp lên ngôi

TTH.VN - Những năm gần đây, thư pháp không còn là thú chơi lặng lẽ của một đôi người yêu thích môn nghệ thuật này mà đã thực sự hòa mình cùng lễ hội, giới thiệu rộng rãi với công chúng.

Không gian phô diễn

Mỗi dịp Festival Huế, Festival Nghề truyền thống hay lễ, tết, thư pháp luôn được dành một không gian riêng để các "ông đồ, bà đồ" phô diễn tài năng. Hàng trăm bức thư pháp với nhiều chất liệu khác nhau được trưng bày trong khung kính trông bề thế, sang trọng hẳn.
 Nhà thư pháp trẻ Lê Hà tặng chữ cho khách tham quan
 
Nhà thư pháp Nguyệt Đình, Chủ nhiệm CLB Thư pháp Huế cho biết: “Chúng tôi muốn qua tác phẩm thư pháp để xiển dương văn hóa Huế với khách tham quan. Tác phẩm được thể hiện bằng nhiều chất liệu phong phú, như: sành sứ, giấy, lụa, gỗ, đá… tạo nên những dấu ấn khác biệt. Hoặc, viết thư pháp trên quạt, nón, lồng đèn cũng là cách chúng tôi quảng bá nghề làm nón, quạt, lồng đèn của Huế với du khách gần xa”.
Qua nghệ thuật con chữ, các nhà thư pháp chuyển tải đến người thưởng ngoạn bao lời hay ý đẹp răn dạy về đạo đức, ca ngợi khí phách của người Việt Nam, gợi nhắc về lịch sử hay đề cập đến những vấn đề trọng đại mang tính thời sự…
Với nét bút lả lướt, nhà thư pháp lão luyện Nguyễn Tuấn thể hiện câu nói của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước / Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” đầy ấn tượng khi viết trên mảnh gỗ tạc thành chân dung Bác Hồ.
Hoặc, chữ “Nhẫn” được nhà thư pháp Thúc Hỷ thể hiện đầy hình tượng, gắn với hình ảnh con thuyền đang ra khơi cùng câu thơ do ông sáng tác: “Nhẫn một chút sóng yên gió lặng / Lùi một bước biển rộng trời cao”. Đại ý: đất nước ta nhẫn nại để giành lại chủ quyền biển đảo trong hòa bình.
Tác phẩm của các nhà thư pháp trẻ làm người xem thích thú khi thể hiện sự phá cách về chất liệu, cách viết. Độc đáo nhất là tác phẩm bằng đá của Lê Hà thể hiện sự tỉ mỉ trong từng chi tiết. Bằng những viên đá nhỏ li ti, chữ “Mẹ” được Lê Hà sắp đặt cách điệu thành hình ảnh người mẹ tần tảo với đòn gánh trĩu nặng trên vai. Hay chữ “Tâm” được gói gọn trong hình tròn, phía ngoài là khung viền hình vuông. Lê Hà cho biết, vuông - tròn tượng trưng cho đất trời vững chãi, đá tượng trưng cho sự bền vững, trường tồn, ấy là tâm luôn vững chãi.
Nhà thư pháp trẻ Nguyễn Khánh Quý ghi dấu ấn bằng sự sáng tạo trên chất liệu gỗ và giấy cách điệu. Chữ “Mẹ” viết trên gỗ của Quý đã thuyết phục người xem khi được thể hiện một cách hình tượng thành hình ảnh người mẹ ôm đứa con, dấu nặng là giọt sữa. Hay chữ “Gia đình” được Quý viết trên giấy điệp với nét bút sắc sảo, điêu luyện kèm câu thơ: “Người ta có nhiều nơi để đến/ Nhưng chỉ có một chốn để quay về”. Họa tiết trang trí là khung cảnh một góc xóm ven sông được phối bằng gam màu nâu tạo nên sự ấm cúng, gợi xúc cảm cho người thưởng thức.
Không còn hình ảnh lặng lẽ như bài thơ “Ông đồ” năm nào của Vũ Đình Liên, không gian thư pháp Huế luôn xôm tụ, xúm xít người xem. Với vẻ cung kính, người xin chữ Nhân, người xin chữ Phúc, hay chỉ đơn giản là viết tên mình... Ai nấy ra về, lòng phơi phới niềm vui với món quà đẹp.
Giới trẻ ưa chuộng  
CLB Thư pháp Huế đã trên 25 năm tuổi và ngày càng thu hút đông đảo hội viên, không chỉ lớp người cao tuổi mà lan rộng trong giới trẻ. Nhà thư pháp Nguyệt Đình cho biết, CLB Thư pháp Huế có đến 18 hội viên trẻ. Khác với thư pháp cổ điển, tác phẩm của những nhà thư pháp trẻ đều có trang trí nền và họa tiết sinh động, bố cục chặt chẽ, chữ bay bướm, thể hiện sự phá cách vượt ra ngoài khuôn khổ của thư pháp cổ nhưng nghiêm túc, đúng quy cách và khoa học …  
 Chữ “Mẹ” viết trên gỗ của Nguyễn Khánh Quý
 
Nhà thư pháp Nguyễn Phúc Vĩnh Thọ, Phó Chủ nhiệm CLB Thư pháp Huế từng tâm sự, điều vui nhất với ông là, giới trẻ ngày nay vẫn còn giữ được sự hoài cổ với loại hình văn hóa có phần cổ xưa này. Ở nhà, ông Vĩnh Thọ mở lớp dạy thư pháp với mong muốn truyền tình yêu thư pháp cho mọi người, đặc biệt là lớp trẻ. Những người đến học thư pháp ở ông hầu hết đều còn rất trẻ, phần lớn là sinh viên. Đa số các em đến đây vì đam mê, ham thích. Trong mấy năm qua, hàng trăm người trẻ đã đến với ông và không ít người đã thành công với bộ môn nghệ thuật này.
“Trước đây, chỉ những người đứng tuổi mới thích thư pháp. Nhưng càng về sau, người yêu thích thư pháp lại là giới trẻ nhiều hơn. Thấy được điều này nên Ban Chủ nhiệm CLB Thư pháp Huế đã giao cho chúng tôi chịu trách nhiệm đào tạo thế hệ trẻ làm lực lượng kế cận. Tôi rất vui khi giới trẻ yêu thích thư pháp nên bỏ bao nhiêu công sức cũng không tiếc”, ông Thọ chia sẻ.
Không gian thư pháp không chỉ là nơi để khoe với công chúng những tác phẩm thư pháp đẹp mà còn là nơi để các nhà thư pháp trổ tài tặng chữ cho khách. Hình ảnh hai chàng thanh niên trẻ Lê Hà, Nguyễn Khánh Quý xúng xính áo dài, khăn đóng, nghiêm cẩn ngồi viết thư pháp tặng cho khách khiến tôi ấn tượng. Vẫn ung dung dù rất đông khách ngồi chờ, bàn tay chàng trai vung bút thảo chữ. Chỉ dăm mười phút, những chữ phúc, lộc, thọ, nghĩa, trí, tín… lả lướt hiện ra, đi kèm là những câu thơ đậm triết lý tương ứng.
Với Nguyễn Khánh Quý, thư pháp là tình yêu, giúp em được thỏa đam mê bay bổng cùng con chữ. Vì thế, Quý tỏ ra rất vui khi lễ hội nào cũng đông khách đến xin chữ: “Dù khá mệt nhưng em lại thấy hạnh phúc được truyền tải những gì mình luyện tập tặng cho mọi người. Điều đó chứng tỏ nhiều người quan tâm và yêu thích thư pháp. Hơn nữa, đó như là sự sẻ chia, đồng cảm của mọi người với tình yêu, niềm đam mê của em”.
Xuất ngoại
Cửa hàng thư pháp Thảo Tiên (đường Lê Lợi) có thâm niên 25 năm kinh doanh mặt hàng thư pháp. Chủ cửa hàng cho biết, nhờ công việc này, bà đã nuôi con ăn học nên người. “Thư pháp rất được người dân và khách du lịch ưa chuộng. Hầu như nhà nào cũng treo một vài bức thư pháp. Du khách đến Huế cũng thường mua làm kỷ niệm hoặc làm quà cho người thân, bạn bè”, chủ cửa hàng Thảo Tiên nói.
 Thư pháp được thể hiện trên nón và lồng đèn
 
Mặt hàng thư pháp ở đây rất phong phú, lúc nào cũng trưng bày 300-400 bức thư pháp đủ kích cỡ; từ những điều hay lẽ phải được viết trên gỗ, giấy, đá, lụa... đến tranh phong cảnh có ghi những câu thơ bằng nghệ thuật thư pháp. Giá cả dao động từ 30-40 nghìn đến 300-400 nghìn đồng. Tùy theo yêu cầu của du khách, thư pháp còn được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm và cả tiếng Anh... Thảo Tiên, cô con gái của chủ cửa hàng cho biết: “Nhiều khách Tây rất thích viết tên mình, người thân hoặc những câu châm ngôn mang về nước. Nắm bắt nhu cầu này, em luôn để sẵn giấy, mực ở nhà của nhà thư pháp chuyên viết cho cửa hàng mình. Sau khi khách đặt hàng vài tiếng, em đã có hàng mang đến tận nơi cho khách”.  
Yêu thích rồi mày mò từ Thủy Châu (Hương Thủy) lên Huế tìm thầy học, sau 3 năm rèn luyện, tác phẩm thư pháp của Ngọc Đài đã có chỗ đứng trong lòng người yêu thư pháp gần xa. Nhiều khách hàng là Việt kiều biết tiếng tìm đến chị đặt dăm bảy bức thư pháp mang sang Mỹ làm quà. Thế là, tác phẩm của chị Đài theo chân khách sang tận Mỹ.
Chị Ngọc Đài chia sẻ: “Công việc này đem lại cho tôi nhiều niềm vui. Ở Hương Thủy, ai có tranh, liễn... cần viết thư pháp đều tới đây. Nhiều khi chỉ viết giúp nhưng tôi rất vui vì chữ viết của mình được yêu thích”.
Không chỉ thỏa đam mê, bà đồ này đã kiếm thêm thu nhập khi làm thêm nghề tay trái là sản xuất quạt thư pháp. Tiếng thơm vang xa, chị thường xuyên nhận được những đơn hàng lớn từ các chủ cửa hàng lưu niệm ở TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ...
Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10
Return to top