ClockThứ Năm, 20/08/2015 14:30

Thư từ làng

TTH - Một hôm bỗng nhận được thư gửi từ làng qua đường bưu diện. Thư dài mấy trang giấy, của người hàng xóm, năm nay đã cận kề tuổi 90, kèm theo bài thơ “sống vui, sống khỏe”. Qua thư mới hay, cụ từng là thầy dạy chữ của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ thời còn làm ông giáo ở Quảng Bình.

Theo cách mạng trước khởi nghĩa tháng Tám, đi qua hai cuộc chiến, hòa bình xong là cụ đưa vợ con về quê. Với những người đi chiến đấu xa nhà như cụ, hai từ “về quê” có lẽ là nỗi khát khao cháy bỏng. Nên không ít người, khi hòa bình lập lại là bán hết nhà cửa, bỏ ruộng vườn để về quê, bắt đầu lại trên quê hương với bao gian khổ nhọc nhằn.

Qua thư, cụ tự nhận mình là người diễm phúc bởi đã hưởng được hòa bình hơn 40 năm. Còn bao người đồng đội khác thì đã ngã xuống, mãi mãi không còn được về... Nhưng cụ lại có một nỗi buồn của người thượng thọ, khi chứng kiến những người già lần lượt ra đi, để lại những ngôi nhà thờ không còn ai trông giữ. “Nhà ông Đường, nhà ông Tu, nhà ông Phong, nhà ông Truyền, nhà ông Nhỉ, nhà o Tình…đều bỏ không khi các cụ khuất núi. Riêng tôi thì một mình với 3 gian nhà lạnh lẽo đang vượt lên chính mình”-cụ kể, như đang đếm từng nỗi buồn.

Những cuộc ly nông và ly hương của lao động trẻ khiến làng quê vắng vẻ lắm. Con sông quê một thời tấp nập ghe cộ nay tịnh không bóng người. Những cây mưng cổ thụ dầu dòng đã bị bứng lên thành phố làm cảnh từ dạo nào, chỉ còn những cái hố sâu. Sông cũng đã cạn đi nhiều, sau mỗi mùa bồi lắng. Nhỏ nhoi giữa cánh đồng bao la bỏ hoang .

O tôi năm nay cũng đã ngấp nghé tuổi 80, một mình trong ngôi nhà khang trang được xây từ tiền con cái gửi về sau những chuyến làm ăn xa biền biệt. O nói: Buồn lắm. Vắng tiếng cháu con nên cứ bật tivi suốt ngày cho có tiếng người. Lỡ khi trái gió trở trời không biết kêu ai. Sao O không gọi các anh về quê làm ăn cho gần? O trầm ngâm: Ruộng vườn ni làm chi nổi.

Nhìn quanh khu vườn rộng chỉ còn thưa thớt dăm bụi tre của O, lòng tự hỏi: Cũng đất ấy, cũng nắng gió hanh hao ấy, sao ngày xưa, O lại nuôi được bầy con 9 đứa?

Có phải bởi đất cằn, hay là thế hệ trẻ hôm nay không đủ kiên nhẫn, không đủ nghị lực thức đêm, canh đồng để chắt từng giọt nước vào ô ruộng phèn như cha ông ngày trước?

Tiểu Muội
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top