ClockChủ Nhật, 01/05/2022 12:15

Thủ tướng Chính phủ: Tiến tới thiết lập quan hệ hợp tác đối tác số Việt-Nhật

Hai nền kinh tế Việt-Nhật có tính bổ sung cao và có nhiều tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng.

Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam: Chân thành, tình cảm, tin cậyThủ tướng Nhật Bản bắt đầu chuyến công du nước ngoài vì hòa bìnhHội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản tích cực thúc đẩy quan hệ hai nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio chụp ảnh chung. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 1/5, tại Trụ sở Chính phủ, sau hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cùng dự Hội thảo hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng do Bộ Công thương và Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tổ chức.

Cùng dự Hội thảo có các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hai nước Việt Nam-Nhật Bản; các nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, chuyển đổi số của hai nước.

Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Đến nay, kinh tế số đang dần được hình thành, phát triển nhanh; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều các hình thức kinh doanh, dịch vụ, chuỗi cung ứng... dựa trên nền tảng công nghệ số; từ đó tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, đang duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh, sở hữu nguồn nhân lực trẻ dồi dào và có nhu câu nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất công nghiệp.

Hai nền kinh tế Việt-Nhật có tính bổ sung cao và có nhiều tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ, sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

“Hai quốc gia có thể hợp tác, chia sẻ để đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số của 2 quốc gia, theo đó tiến tới thiết lập một quan hệ hợp tác đối tác số,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác trên mọi lĩnh vực, trong đó có đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu cho rằng khả năng hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam là không có giới hạn. Nhật Bản và Việt Nam đã và đang tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa hướng tới giai đoạn hậu COVID-19.

Trước hết, để doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động ổn định tại Việt Nam thì công nghiệp phụ trợ của Việt Nam là yếu tố then chốt.

Tiếp theo, Nhật Bản và Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục hợp tác giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội trên nhiều lĩnh vực thông qua chuyển đổi số. Và thứ ba là đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng là xu thế phổ biến và là quá trình thay đổi sâu sắc các hoạt động sản xuất công nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Hơn lúc nào hết, nhu cầu đổi mới công nghệ, chuyển đổi số đang trở nên cấp thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các Tập đoàn đa quốc gia.

Tuy nhiên, đây là một quá trình không hề dễ dàng với vô vàn thách thức, đòi hỏi những giải pháp phù hợp và toàn diện.

Trong thời gian tới, với sự quyết tâm và ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Nhật Bản, hợp tác đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa cung ứng giữa hai nước sẽ không chỉ là cơ hội, mà còn là công cụ hữu hiệu giúp hai nước đạt được mục tiêu, khát vọng phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược tin cậy, thân thiết giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Theo TTXVN/Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

Ngày 27/3, Ban Giám đốc Sở Y tế có buổi tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về khả năng triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025-2030”, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030
Thúc đẩy du lịch phát triển từ cơ chế hợp tác ASEAN+3

Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ thực hiện kế hoạch công tác hợp tác du lịch ASEAN+3 và tích cực đóng góp vào các dự án, hoạt động du lịch chung. Cơ chế hợp tác ASEAN+3 nếu tận dụng và khai thác tốt sẽ mang lại nhiều cơ hội cho du lịch quốc gia nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng.

Thúc đẩy du lịch phát triển từ cơ chế hợp tác ASEAN+3
Return to top