ClockThứ Hai, 20/06/2016 17:02

Thủ tướng: Kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên

TTH.VN - Ngày 20/6, tại tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó biến đổi khí hậu.

Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trong khu vực 2,25 triệu ha rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của rừng đối với Tây Nguyên, địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng và cho rằng Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc bảo vệ rừng, góp phần đưa Tây Nguyên có bước phát triển mới. Việc bảo vệ rừng Tây Nguyên, được coi như nóc nhà Đông Dương, là đặc biệt quan trọng và cấp thiết. Bên cạnh vai trò về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, điều tiết khí hậu, rừng còn gắn với văn hóa cồng chiêng, tín ngưỡng, không gian sinh tồn của cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Thủ tướng nhìn nhận, thời gian qua, việc Tây Nguyên mất 41% diện tích rừng là rất nghiêm trọng. Chất lượng rừng còn lại cũng rất kém. Nguyên nhân, theo Thủ tướng, là do các cấp, các ngành chưa quan tâm đúng mức, nhất là đất rừng chưa có chủ; lực lượng chức năng chưa làm tròn trách nhiệm bảo vệ rừng. Điểm đáng lưu ý nữa là tình trạng di dân tự do từ nhiều tỉnh thành đến Tây Nguyên, làm trầm trọng hơn vấn nạn phá rừng. Mặc dù các cơ quan chức năng có nhiều cố gắng, nhưng nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề bảo vệ, phát triển rừng Tây Nguyên chưa thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.

Toàn cảnh hội nghị

“Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân quyết tâm khôi phục, phát triển rừng bền vững, phấn đấu đạt, vượt mục tiêu đề ra, gắn với việc nâng cao đời sống cho người dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trong khu vực 2,25 triệu ha rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác, kể cả các dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai, trừ các dự án phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh quan trọng. Không chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp. “Chúng ta đã có một diện tích tương đối trồng cây cao su, cà phê và các cây công nghiệp khác, nên tiếp tục tập trung vào thâm canh, chế biến sâu, nâng cao chất lượng, chứ không phải tăng diện tích tràn lan”, Thủ tướng lưu ý.

 Thủ tướng khẳng định phải đóng cửa các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên, và cho rằng đây là giải pháp quan trọng để ngăn chặn đầu ra cho nạn phá rừng, buôn lậu gỗ.

Thủ tướng đẩy mạnh sắp xếp lại các nông, lâm trường, ban quản lý để đất rừng có chủ, có chính sách bảo đảm thu nhập cho người bảo vệ, trồng rừng. Ngừng cấp phép các công trình thủy điện liên quan đến chiếm đất rừng và rừng; kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với các dự án thủy điện không chấp hành quy định trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng. “Chúng ta có chủ trương khôi phục rừng khi làm thủy điện nhưng nhiều dự án không thực hiện nghiêm, chỉ lo phát điện mà không lo trồng rừng”, Thủ tướng nêu vấn đề.

Thủ tướng yêu cầu cấp ủy chính quyền, các lực lượng công an, kiểm sát, quân đội vào cuộc, đấu tranh một cách có hiệu quả với nạn phá rừng, làm rõ trách nhiệm người phụ trách từng địa bàn, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”. Bên cạnh xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, móc nối, bao che, dung túng cho hành vi phá rừng, kể cả xử lý hình sự, Thủ tướng cũng yêu cầu phải tôn vinh những tập thể, cá nhân, lực lượng làm tốt công tác bảo vệ rừng. Chủ tịch UBND các tỉnh Tây Nguyên có trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng trên địa bàn, giao nhiệm vụ này tới xã, huyện, cấp kinh phí và bố trí lực lượng kiểm lâm theo quy định.

Thủ tướng yêu cầu giải quyết kịp thời tình trạng di dân tự do, tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ, phát triển rừng.

Các ý kiến phát biểu của Bộ NNPTNT, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và một số bộ, ban, ngành liên quan cũng như 5 tỉnh Tây Nguyên thống nhất nhận định rừng Tây Nguyên đang bị suy giảm nhanh cả về diện tích và chất lượng. Trong vòng 5 năm (từ 2010-2014), tổng diện tích rừng Tây Nguyên đã giảm tới hơn 300.000 ha, độ che phủ của rừng giảm còn 48,5%. Đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cảnh báo hiểm hoạ mất rừng Tây Nguyên ngày càng tăng cao. Các ý kiến nhìn nhận 2 nguyên nhân chính dẫn tới “chảy máu” rừng Tây Nguyên là chuyển đổi rừng và phá rừng. Theo Bộ NNPTNT, nguyên nhân của tình trạng phá rừng là vấn đề di dân tự do, công tác quản lý bảo vệ rừng yếu kém, quản lý các cơ sở chế biến gỗ, tụ điểm mua, bán gỗ kém hiệu quả, việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển lâm nghiệp vùng Tây Nguyên chưa đủ mạnh.

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào

Sáng 20/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, đơn vị liên quan về tình hình sản xuất, cung ứng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, nhất là vào tháng cao điểm tiêu thụ điện năm 2024 và những năm tiếp theo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Thủ tướng làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế, khảo sát dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Chiều tối 6/4, làm việc tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác tham quan cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ điều trị tại Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế; thăm, tặng quà hai ca ghép tạng xuyên Việt mới đây đang được theo dõi sau phẫu thuật.

Thủ tướng làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế, khảo sát dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top