Thế giới
Phát biểu nhân Lễ diễu hành mừng ngày Quốc khánh Singapore:

Thủ tướng Lý Hiển Long hướng đến thế giới hậu COVID-19

ClockThứ Hai, 30/08/2021 09:39
TTH.VN - Nhân Lễ diễu hành mừng ngày Quốc khánh Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long đã có bài phát biểu vào ngày 29/8, trong đó công bố hàng loạt các biện pháp giúp đỡ người lao động có mức lương thấp và giải quyết những lo ngại về vấn đề chủng tộc.

Singapore tiêm phòng đầy đủ 80% dân số, tỉ lệ cao nhất thế giớiSingapore đang đi đúng hướng để đạt mục tiêu 80% tiêm chủng vaccine COVID-19Mỹ: Một nửa dân số được tiêm chủng vaccine COVID-19Singapore tìm ra cách kết hợp thuốc trị COVID-19 nhẹ, trung bìnhPhó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chuẩn bị thăm Việt Nam và Singapore

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh minh họa: Reuters/Thanh Niên

Được biết, đây là lần đầu tiên Lễ diễu hành mừng ngày Quốc khánh được diễn ra kể từ khi đại dịch COVID-19 tấn công Singapore và sự kiện của năm 2020 đã bị hủy bỏ. Thay vào đó, Thủ tướng Lý Hiển Long đã có bài phát biểu trước Quốc hội.

Bài phát biểu năm nay cũng bị trì hoãn 1 tuần, từ ngày 22/8 đến 29/8 do số ca nhiễm COVID-19 ở Singapore gia tăng, buộc chính phủ nước này phải thúc đẩy thắt chặt các biện pháp hạn chế để chống dịch.

Cụ thể, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, Singapore đã vượt qua thời kỳ quan trọng, với 80% dân số đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 để chống lại đại dịch lây lan. Mặc dù tình hình vẫn còn phức tạp ở phía trước, song Singapore sẽ tiến lên từng bước.

Thủ tướng Lý Hiển Long chia sẻ, mặc dù có nhiều sự gián đoạn đã xảy ra do đại dịch COVID-19, song vẫn phải cảm ơn người dân Singapore vì tính kỷ luật và khả năng phục hồi kiên cường của người dân trong suốt 18 tháng qua. Có thể nói, Singapore đã làm tốt hơn so với nhiều nước khác trong cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng y tế chết người COVID-19 này.

“Chúng ta đang ở trong một giai đoạn mới, tình huống mới. Việc tiêm chủng đã làm chậm quá trình lây lan của đại dịch”, Thủ tướng Lý Hiển Long cho hay.

Cũng theo ông, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn. Đã không còn khả năng đưa số ca nhiễm xuống mức 0, kể cả khi Singapore phong tỏa đất nước trong một thời gian dài. Vì vậy, nước này phải chuẩn bị cho tương lai sống chung với đại dịch.

Bước “chuyển mình”

Trong khi số ca nhiễm mới đã tăng lên vào tuần trước, nhưng số bệnh nhân nặng vẫn duy trì ở mức ổn định. Điều quan trọng là phải duy trì tình trạng này để Singapore có thể giảm bớt căng thẳng và đặc biệt là để đất nước có thể kết nối với phần còn lại của thế giới.

Thủ tướng Lý Hiển Long nhận định, đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập và nền kinh tế toàn cầu cũng đang khởi sắc, Singapore phải thực hiện các bước chuyển mình.

"Vấn đề lúc này là tạo ra tăng trưởng mới, việc làm mới và tạo ra thịnh vượng cho tương lai”, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh.

Theo đó, để duy trì tăng trưởng lâu dài của Singapore, nước này cần duy trì vị thế của một trung tâm kinh doanh, thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn và phát triển các công ty, doanh nghiệp và doanh nhân Singapore.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải giải quyết những thách thức xã hội của quốc gia để người dân Singapore và con cái họ có thể có cuộc sống tốt hơn.

Hỗ trợ thu nhập cho lao động thu nhập thấp

Về những lo lắng của mình, đơn cử như hỗ trợ thu nhập cho lao động thu nhập thấp, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, nhiều công nhân có mức lương thấp, như nhân viên dọn vệ sinh và nhân viên bảo vệ đang đối mặt với căng thẳng nhiều hơn so với những người khác trong khoảng thời gian này.

“Công việc của họ kém an toàn hơn, dễ bị sa thải hơn và kiếm được ít tiền hơn để vượt qua thời kỳ khó khăn. Trong thời kỳ đại dịch, tình trạng của họ, cuộc sống của họ rất bấp bênh”, ông chia sẻ.

Trước tình hình này, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định những lao động có thu nhập thấp hơn ở Singapore sẽ nhận được sự giúp đỡ từ chính phủ, từ các chính sách như Trợ cấp lao động và Mô hình tiền lương lũy tiến (PWM). Trong đó, độ tuổi nhận trợ cấp lao động sẽ giảm từ 35 tuổi xuống còn 30 tuổi và kéo dài trong thời gian 2 năm. Cùng lúc, mô hình tiền lương lũy tiến sẽ cho phép người lao động biết được công ty nào đang trả cho tất cả lao động của mình mức thù lao xứng đáng.

Luật phân biệt lao động

COVID-19 đã và đang làm trầm trọng thêm sự lo lắng của người Singapore có thu nhập trung bình về sự cạnh tranh việc làm và cơ hội tại nơi làm việc. Điều này dẫn đến sự không hài lòng cho các lao động nước ngoài tại Singapore.

Trong tương lai, Singapore sẽ ra luật về chống phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

“Chúng tôi sẽ tuân theo các nguyên tắc TAFEP (Liên minh Ba bên về Thực tiễn Việc làm Công bằng và Tiến bộ) trong luật mới. Điều này sẽ mang lại nhiều quyền hạn hơn, cũng như mở rộng phạm vi hành động mà chúng tôi có thể thực hiện được”, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh.

Cũng sẽ có một tòa án được thành lập để bảo vệ người lao động chống lại sự phân biệt đối xử dựa trên quốc tịch, cũng như các hình thức phân biệt đối xử khác được TAFEP điều chỉnh, chẳng hạn như phân biệt đối xử dựa trên giới tính, tuổi tác, tôn giáo, chủng tộc hoặc tình trạng khuyết tật.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng yêu cầu người dân Singapore luôn cởi mở với mọi người từ khắp mọi nơi trên thế giới – “Họ là những người nước ngoài đang sinh sống tại Singapore. Họ củng cố đội ngũ của chúng ta. Họ là đồng nghiệp của chúng ta, là hàng xóm, bạn bè của chúng ta. Trong đại dịch COVID-19, một số người đã phải chịu nhiều khó khăn, có thể họ đã bị chia cắt khỏi gia đình đang sống ở quê nhà và chưa thể trở về nhà. Nhiều lao động đang làm việc ở tuyến đầu, vai kề vai với người Singapore. Họ đã và đang đóng góp cho đất nước Singapore”.

Bên cạnh những vấn đề trên, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng nhấn mạnh cần giải quyết vấn đề về chủng tộc để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Singapore tiếp tục là thành phố thông minh nhất châu Á năm 2024

Theo Chỉ số Thành phố Thông minh 2024 vừa được Viện Quản lý phát triển quốc tế (IMD) có trụ sở tại Thụy Sĩ công bố, Singapore là thành phố thông minh thứ 5 trên thế giới, tăng 2 bậc so với bảng xếp hạng năm 2023. Đồng thời, đây cũng tiếp tục là thành phố thông minh nhất châu Á và là thành phố châu Á duy nhất lọt vào top 10, đánh bại các thành phố như Bắc Kinh, Đài Bắc và Seoul.

Singapore tiếp tục là thành phố thông minh nhất châu Á năm 2024
Return to top