ClockThứ Sáu, 15/07/2016 09:02

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Trung Quốc, Tổng thống Bulgaria

TTH.VN - Chiều 14/7, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 11 tại Ulan Bator (Mông Cổ), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp gỡ Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường

Tại cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và đi sâu hội nhập quốc tế; coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc.

Thủ tướng đề nghị thời gian tới Chính phủ hai nước cùng tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai hiệu quả nhận thức chung cấp cao và kết quả đạt được trong phiên họp lần thứ 9 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc; duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao thường xuyên nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy chính trị, cùng nhau thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất, phát triển cân bằng, lành mạnh.

Thủ tướng đề nghị Trung Quốc tăng cường nhập khẩu các mặt hàng Việt Nam có ưu thế như nông, lâm, thủy hải sản; hoan nghênh các doanh nghiệp có thực lực của Trung Quốc đầu tư vào các dự án phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững của Việt Nam.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc” do hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào đã thống nhất tháng 10/2011 nhằm thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển sớm có tiến triển thực chất, đồng thời kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, thực hiện hiệu quả, toàn diện “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) và sớm đạt được “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC), góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định lại lập trường của Việt Nam về vụ kiện trọng tài Biển Đông.

Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Đảng, Chính phủ Trung Quốc coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Việt Nam; sẵn sàng cùng với Việt Nam tăng cường trao đổi chiến lược, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực; thực hiện nghiêm túc nhận thức chung cấp cao về vấn đề trên biển, kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev

* Cũng trong chiều 14/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev nhằm trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ hiệu quả mà nhân dân Bulgaria đã dành cho Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống với Bulgaria.

Hai nhà lãnh đạo cùng chia sẻ những tình cảm tốt đẹp mà nhân dân hai nước dành cho nhau, trong đó có những ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Rosen Plevneliev tới Việt Nam năm 2013. Hai bên nhất trí cần tiếp tục duy trì, phát huy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.

Đánh giá cao việc thành lập Nhóm công tác chung trong khuôn khổ của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Bulgaria nhằm xác định Danh mục những hàng hóa sơ chế tiềm năng của Việt Nam có thể đưa sang chế biến thành phẩm ở Bulgaria, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Bulgaria quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động, kinh doanh thành công tại các khu chế xuất mà Bulgaria dành cho Việt Nam.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn Bulgaria thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) sớm ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam vào thời điểm chính thức ký EVFTA. Thủ tướng cũng đề nghị Bulgaria sớm triển khai việc cấp ODA về giáo dục cho Việt Nam và tăng số lượng học bổng cấp cho sinh viên Việt Nam.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn Bulgaria chủ động cùng EU tiếp tục ủng hộ quan điểm của Việt Nam và ASEAN về việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Về phần mình, Tổng thống Rosen Plevneliev khẳng định, Bulgaria sẽ dành mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh, đầu tư ở Bulgaria, qua đó tiếp cận thị trường EU.

Tổng thống cam kết sẽ chỉ đạo Bộ Giáo dục Bulgaria quan tâm tăng số lượng học bổng dành cho sinh viên Việt Nam. 

Tổng thống Rosen Plevneliev cũng nhất trí sẽ góp phần thúc đẩy EU sớm ký chính thức và phê chuẩn EVFTA; khẳng định Bulgaria sẽ là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định quan trọng này. Bên cạnh đó, Tổng thống Rosen Plevneliev bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông, khẳng định quan điểm của Bulgaria và EU đề cao tầm quan trọng của việc thượng tôn pháp luật, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Thủ trưởng các cơ quan khác ở Trung ương; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công
Trung Quốc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho đầu tư nước ngoài

Theo kế hoạch hành động vừa được Nội các Trung Quốc công bố, Trung Quốc sẽ tiếp tục rút ngắn danh sách cấm đối với đầu tư nước ngoài và thực hiện các chương trình thí điểm nhằm tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn cho các công ty toàn cầu trong lĩnh vực đổi mới khoa học và công nghệ.

Trung Quốc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho đầu tư nước ngoài
Return to top