ClockChủ Nhật, 05/02/2017 13:26

Thư viện làng chắp cánh ước mơ

TTH - Giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các ứng dụng khoa học – kỹ thuật – công nghệ, có điều kiện tiếp xúc với các nền văn hoá thông qua việc đọc sách, tài liệu miễn phí…là ý tưởng của những người lập ra thư viện tư nhân ở các thôn, làng huyện Phong Điền.

Học sinh đọc sách, báo, truy cập mạng Internet miễn phí tại Thư viện tư nhân “Cổ Sơn Thư Quán” tại thôn Cổ Bi 2, xã Phong Sơn

Gần 5 năm nay, cứ đến thứ 7, Chủ nhật, thư viện tư nhân “Cổ Sơn Thư Quán” tại thôn Cổ Bi 2, xã Phong Sơn lại đón tiếp học sinh nghèo về đây đọc sách. Em Phan Ngọc Minh Tâm kể nhà nghèo, không có điều kiện để mua sách học thêm, đến đây, em được tham khảo đủ các loại sách báo để học tập, mở mang thêm kiến thức, giúp em thêm nhiều kiến thức bổ ích.

Ông Phan Ngọc Châu, chủ nhân thư viện nói, sau nhiều năm chuẩn bị, được sự động viên của gia đình, bạn bè, anh em trong làng, những người tâm huyết với việc đọc sách như ông Đỗ Hữu Hà- Giám đốc Thư viện tỉnh, Phan Thanh Bình – Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế… hỗ trợ về sách, báo, đầu năm 2012, thư viện của gia đình được mở, phục vụ miễn phí bạn đọc trong và ngoài xã, chủ yếu là học sinh. Ban đầu, ông có 3 tủ sách với khoảng 500 đầu sách, đến nay, số lượng đã tăng lên 7 tủ sách với hơn 1.500 cuốn sách, báo các loại, trên nhiều lĩnh vực như: lịch sử, triết học, khoa học, nông nghiệp nông thôn, thiếu nhi, văn học, truyện… Năm 2016, được sự giúp đỡ của anh em, ông đầu tư, trang bị cho thư viện thêm 5 máy vi tính có kết nối Internet giúp học sinh nghiên cứu, tìm hiểu các lĩnh vực học tập từ học tiểu học đến trung học, ôn thi đại học... Mỗi tuần, ông đều nhờ giáo viên khoa công nghệ thông tin về hướng dẫn các em tra cứu trên máy vi tính…

Nhằm động viên các em trong việc đọc sách ông còn tổ chức các cuộc thi kể chuyện sách, kết hợp với chính quyền, các tổ chức xã hội trao phần thưởng cho học sinh có thành tích trong học tập vào cuối năm học. Từ nguồn vận động của bản thân ông còn trao tặng quà, xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong các dịp lễ, Tết.

Thư viện làng Kế Môn, xã Điền Môn cũng đã hoạt động từ năm 1999. Người góp công không nhỏ là ông Hồ Huệ, một người dân của làng, đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Hơn 15 năm trước, ông Huệ đã tặng khu đất và ngôi nhà rường cổ của gia đình mình để xây dựng thư viện làng, nhằm nâng cao văn hoá đọc cho bà con nông dân. Trước việc làm ý nghĩa của ông Huệ, thư viện Quốc gia đã hỗ trợ thêm nguồn sách.

Ông Nguyễn Đăng Trông, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Môn cho biết, từ năm 2014, thư viện làng Kế Môn phát triển thêm cơ sở 2 ngay tại Trung tâm thương mại xã Điền Môn (cũng do ông Huệ bỏ kinh phí xây dựng). Cả 2 cơ sở thư viện có gần 200 đầu sách với khoảng 6.000 cuốn thuộc nhiều lĩnh vực. Thông qua Thư viện Quốc gia Việt Nam và Thư viện Tổng hợp tỉnh, quỹ Bill & Melinda Gates Hoa Kỳ gửi tặng cho thư viện làng Kế Môn 5 máy vi tính kết nối mạng cho bạn đọc truy cập miễn phí. Thư viện mở cửa phục vụ mọi đối tượng bạn đọc vào tất cả các ngày trong tuần.

Đầu năm 2016, được sự hỗ trợ của huyện Phong Điền về bàn ghế, tủ sách, thư viện làng cổ Phước tích cũng được khai trương đi vào hoạt động với khoảng 1.000 đầu sách. Góp công lớn trong thành lập thư viện này là ông Lê Trọng Sâm, cán bộ lão thành cách mạng, quê làng cổ Phước Tích, đang sinh sống tại TP. HCM. Hiện nay, thư viện này do Ban thường trực làng cổ Phước Tích quản lý. Những giáo viên đã về hưu là những người tình nguyện làm thủ thư, trông coi và mở cửa vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần.

Những tủ sách, thư viện ở làng quê là một mô hình mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Nó không chỉ là nơi để học sinh rèn luyện kiến thức ngoài nhà trường mà còn là chỗ để bà con nông dân tìm hiểu các loại sách về kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi... và giúp ích trong cuộc sống hằng ngày; đồng thời, bổ sung thêm kiến thức lịch sử, văn hóa các vùng miền trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Quang Cườm, Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy (kiêm trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện) Phong Điền khẳng định: “Những mô hình thư viện trên đã và đang trở thành trung tâm văn hóa, là điểm đến quen thuộc của người dân nông thôn, góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức xã hội, kiến thức lịch sử nên rất cần được nhân rộng. Chính những tủ sách, những thư viện bé nhỏ đó là kho kiến thức vô giá để chắp cánh cho những ước mơ”.

 Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cậu học trò năm ấy

Xuân ngẩng đầu lên nhìn tôi rồi ngoảnh mặt đi nơi khác. Nhiều lần tôi cố tình nhìn chăm chăm về phía Xuân để cậu ta không còn “cơ hội” đánh lảng sang hướng khác. Vậy mà dường như đoán biết được lúc nào là có ánh mắt của tôi đưa xuống chỗ ngồi của mình, khi thì cậu cúi mặt xuống, khi thì cậu nhìn mông lung ra cửa sổ, nơi có cây khế sai quả của nhà bác cai trường.

Cậu học trò năm ấy
Gần 1.000 học sinh tham gia Ngày hội trải nghiệm ước mơ

Ngày 3/3, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Du lịch Huế tổ chức chương trình Ngày hội trải nghiệm ước mơ năm 2024 dành cho học sinh lớp 9 các trường trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn tỉnh.

Gần 1 000 học sinh tham gia Ngày hội trải nghiệm ước mơ
Du học khi ước mơ đủ lớn

Không dễ có quyết định cho con sống xa nhà tận trời Tây, khi các em đang ở độ tuổi “Ăn chưa no, lo chưa tới”. Tuy nhiên, với nhiều chương trình du học hấp dẫn mời gọi, nhiều phụ huynh sẵn sàng chi “tiền trăm, bạc triệu” cho con có những trải nghiệm thú vị ở xứ người.

Du học khi ước mơ đủ lớn
Return to top