ClockThứ Tư, 10/06/2015 14:58

Thư viện vùng sâu

TTH - “Không chỉ tốt ở những trường có điều kiện thuận lợi, ngay cả những vùng xa Phú Lộc, mô hình cũng đã khuấy động phong trào để các thư viện trở thành điểm đến hấp dẫn của học sinh”. Theo lời giới thiệu của cô Cẩm Hương, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lộc, chúng tôi đã tìm về Trường tiểu học Vinh Hưng 1.

Trường tiểu học Vinh Hưng 1 có 430 học sinh/ 15 lớp với cơ sở vật chất khiêm tốn. Ban giám hiệu đặc biệt quan tâm xây dựng thư viện trường thành một địa chỉ hữu ích, thu hút học sinh. Thư viện mở cửa phục vụ 9 buổi/tuần. 90% học sinh có mượn sách, đọc sách thường xuyên, 100% giáo viên mượn sách, đọc sách thường xuyên.

Cô giáo Phạm Thị Duy Mỹ, chuyên trách thư viện cho biết, tủ sách dùng chung hiện có 1.206 quyển. Số bản sách mới bổ sung qua các năm học là 1.424 bản. Sách tham khảo của các môn học là 1.105/585 tên sách. Tủ sách giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức lên đến hàng trăm đầu sách. Thư viện còn đặt mua dài hạn các loại báo, tạp chí: Thừa Thiên Huế, Nhân Dân, Lao Động và Toán tuổi thơ, Sông Hương, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Đào tạo, Huế Xưa và nay. Thư viện còn có hệ thống bản đồ, tranh ảnh giáo dục phong phú với hàng ngàn tranh giảng dạy, gần 200 băng đĩa giáo khoa… xếp ngay ngắn, tiện lợi.
Giờ đọc sách tại thư viện
Mặc dù phòng ốc chung của trường còn khiêm tốn, nhưng thư viện là một không gian thoáng, rộng 100 m2,, trong đó quá bán là chỗ đọc, được trang bị trang thiết bị chuyên dùng từ bàn ghế, giá xếp sách báo, tủ giá trưng bày, tủ đựng số sách, tủ phích (mục lục), bảng giới thiệu sách. Từ tháng 11/2011, thư viện sử dụng phần mềm VEMIS quản lý. Cô Trần Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vinh Hưng 1 cho biết, trường đầu tư nguồn kinh phí ngân sách trên 7% theo định mức qui định và một phần quỹ Hội Cha mẹ học sinh để trang bị thêm tủ, bàn ghế. Ngoài ra, để tạo không gian mở, tiếp xúc nhanh với sách báo trong giờ ra chơi, trường tận dụng cầu thang để tăng diện tích phòng đọc cho giáo viên và học sinh.
Đánh giá về việc xây dựng mạng lưới cộng tác viên thư viện, cô giáo Mỹ cho biết: “Cán bộ, giáo viên và học sinh trong đội ngũ mạng lưới thư viện, thường xuyên hỗ trợ mọi hoạt động. Trường cũng có chế độ bồi dưỡng và tạo điều kiện để cán bộ thư viện được học tập các lớp chuyên môn nghiệp vụ. Chúng tôi không chỉ cập nhật sổ sách, mở thư mục, bảo quản sách, báo, tạp chí mà còn lên kế hoạch giới thiệu sách theo chủ đề chủ điểm ở phòng đọc sách và các buổi chào cờ đầu tuần”.
Trong năm học, thư viện tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách mới, điểm sách theo chuyên đề, thông báo sách mới nhập, triển lãm trưng bày sách, tranh ảnh... tại thư viện, lớp học, sân trường. Thư viện còn tổ chức kể chuyện dưới cờ, phát thanh Kim Đồng; phối hợp tổ chức hội thi, hội giảng, bồi dưỡng học sinh giỏi, hoạt động ngoại khoá... Cung cấp các loại sách, báo, tranh ảnh để trường tổ chức hội giảng chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học theo chuẩn kiến thức-kỹ năng, chuyên đề dạy học tích hợp giáo dục môi trường, giáo dục kỹ năng sống.... Cô Huyền cho biết, hai năm qua trường đầu tư 119 triệu đồng đóng mới tủ, bàn, ghế, bổ sung sách, các loại tài liệu. Với mục tiêu tạo một sân chơi bổ ích cho học sinh và giáo viên, thành công lớn mà nhà trường tạo được chính là đã bước đầu xây dựng thói quen đọc cho học sinh cũng như giáo viên. Có điều kiện tiếp xúc với sách báo, giao lưu với bạn bè, các em không bị thu hút vào các trò chơi vô bổ nguy hại.
Bài, ảnh: Phước Châu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top