ClockThứ Tư, 30/06/2010 14:57

Học trò trong Quảng ra thi

TTH - Tháng bảy - mùa thi, chợt nhớ lại câu thơ: “Học trò trong Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không đành”.

Đi tìm xuất xứ tôi được biết, hai tác giả Hoài Thanh và Hoài Chân trong “Thi nhân Việt Nam”, phần giới thiệu về Xuân Tâm có chép 2 câu thơ trên nhưng không nói rõ tác giả là ai. Còn Xuân Tâm có tên thật là Phan Hạp, chính quê xứ Quảng- sinh năm 1916 tại làng Bảo An, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Xuân Tâm có nhiều sáng tác mà không ít những thi phẩm trong đó được các thế hệ học sinh thuộc lòng và chép đi chép lại trong những lưu bút học trò. Nhà thơ Xuân Tâm từng học trung học tại Trường Quốc Học Huế. Tốt nghiệp bằng Thành chung – tức trung học đệ nhất cấp, ông đã đi làm công chức ở Đà Nẵng. Sau này, năm 1954 tập kết ra Bắc. Dẫu sao, thì đó cũng là nỗi lòng của Xuân Tâm, của một thời “học trò xứ Quảng”.

Tôi thích 2 câu thơ trên. Không chỉ là tấm lòng, là nỗi niềm tâm sự, nó còn gợi lại vị thế với tư cách là trung tâm giáo dục hàng đầu Quốc gia của Huế. Kể từ khi Quốc Tử Giám Huế ra đời đến nay, nền giáo dục đại học ở Huế đã có lịch sử gần hai thế kỷ.
 
Tháng 3-1957, Viện Đại học Huế được thành lập. Tháng 10- 1976, ngay sau ngày giải phóng 3 trường đại học đã được thành lập ở Huế: Đại học Sư phạm Huế, Đại học Tổng hợp Huế và Đại học Y khoa Huế. Bắt đầu từ tháng 4-1994, hình thành nên Đại học Huế bề thế như hôm nay. Tất nhiên, còn kể đến Quốc Học của Xuân Tâm ngày nào nay vẫn đang hội nhập và phát triển.
 
Tháng bảy, mùa hè nắng nóng cũng là thời điểm “dân số bùng nổ” với hàng vạn sĩ tử lều chõng về Huế ứng thí. Bắt gặp trên đường phố Huế những khuôn mặt lạ, ngơ ngác khi lần đầu đến xứ Thần kinh. Cũng bắt gặp trên đường phố Cố đô mấy năm nay hình ảnh những chiếc áo xanh của sinh viên tình nguyện. Ừ, cứ nhớ lại ba mươi năm trước khi mình là một sĩ tử. Ngày thi đến, bao toan lo, bao nỗi niềm… Hạnh phúc biết bao khi bắt gặp nụ cười niềm nở, sự giúp đỡ chân tình trong buổi sáng đến trường thi. Còn bây giờ đây, tình nguyện viên trên sân ga Huế đón sĩ tử, giúp tìm nhà trọ, làm người bạn chí cốt trong buổi đầu bỡ ngỡ. Tôi nghĩ, nếu được phép, tôi sẽ tặng thưởng ngay tấm huân chương cho ai đó đã có ý tưởng về “Tiếp sức mùa thi” với lực lượng tình nguyện viên là những sinh viên. Một hình ảnh cao quý, nhiều lưu luyến, tôn vinh vẻ đẹp Huế, vẻ đẹp Cố đô, vẻ đẹp của một thành phố đại học với bao điều thân thương.
 

Tiếp sức mùa thi - ảnh minh họa từ internet
 
Cũng như tôi, những ai từng có một thời sinh viên, ký ức sống mãi là những tháng ngày dưới giảng đường đại học. “Khung trời đại học” mà ai đó từng nói, là tri thức, là hành trang vào đời và cũng là tình yêu ban đầu nhiều vấn vương, nhiều luyến tiếc. Và Huế là “khung trời đại học” của tôi, của rất nhiều bạn bè ngày xưa và rồi của cả những khuôn mặt non tơ, ngơ ngác mà tháng bảy này tôi gặp trên những đường phố Huế. Sẽ đọng mãi trong ký ức bao người về con sông Hương trong xanh nhìn từ công viên dưới chân cầu Trường Tiền, con đường Ngô Quyền rợp bóng phượng vàng đẹp nhất khi hè về và còn nữa những con đường, những địa danh, những không gian Huế.
 
Tôi thích và mong chờ sự rộn ràng, nắng nực mà đông vui, ấm áp nghĩa tình của Huế vào mùa thi tháng bảy; rồi hoài niệm về một thời “Học trò trong Quảng ra thi…”.
 
Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top