ClockThứ Năm, 01/09/2011 13:28

Ngậm mà nghe!

TTH - Tôi lục tìm trong sách sử, tuyệt nhiên không nghe nhắc đến thời điểm xuất hiện của cây thanh trà trên đất Thần kinh. Nó không giống như trái măng cụt chẳng hạn, gắn liền với thời điểm bà Từ Dũ về làm dâu nhà Nguyễn đem từ Nam bộ ra trồng ở vùng Kim Long, xưa quý đến mức người ta đã đặt cho nó cái tên rất đẹp là trái giáng châu. Chỉ biết rằng, nhiều sách sử cách nay chừng 200 năm về trước, đã nhắc đến trong nhiều của ngon vật lạ tiến cung nhà Nguyễn, cùng với gạo de An Cựu, nhãn Kim Long hay chè Tuần… đã thấy có trái thanh trà của làng Nguyệt Biều góp mặt như đặc sản vườn nổi tiếng của vùng đất Phú Xuân.
Đặc sản thì bao giờ cũng thuộc diện hiếm và quý. Với trái thanh trà Huế, không phải lúc nào cũng sẵn có mà phải đợi đến mùa. Tiết trời đang chuyển dần vào thu cũng là lúc thanh trà Huế vào vụ và vụ thanh trà Huế cũng chỉ loanh quanh trong tháng bảy, tháng tám Âm lịch. Ăn thanh trà năm nay nhớ lại năm trước và thầm nghĩ, không biết sang năm sẽ có chi lạ không đây cũng là một trải nghiệm vui. Lại nữa, thơm ngon là chuyện khỏi bàn, sự hấp dẫn của thanh trà còn nằm ở tính đỏng đảnh của nó. Không phải ở đâu cũng trồng được thanh trà. Ngay giữa vùng đất Thừa Thiên Huế thì chỉ có các xã vùng ven đô như Lương Quán, Nguyệt Biều ở bờ Nam sông Hương và bên kia sông bờ Bắc có nhà vườn Kim Long, Hương Long, xa hơn đến xã Hương Hồ, mới là đất trồng thanh trà cho hương vị thơm ngon, đầy hương sắc vị bưởi hàng đầu Việt Nam.
Hấp dẫn người ăn đầu tiên của thanh trà Huế là ở mùi thơm, không chỉ có ở những múi ruột của trái, mà còn thơm từ vỏ, từ lá và tất nhiên từ cả hoa. Hương vị ngọt thanh cũng là nét đặc trưng dễ phân biệt thanh trà Huế với bưởi và các giống thanh trà nơi khác. Hương vị ngọt thanh kia được giữ lại rất lâu trong miệng sau khi thưởng thức. Bởi vậy, ngôn từ xứ Huế mình mới có câu: “Ăn múi thanh trà ngậm mà nghe”. Có nghĩa là, vị ngọt hương thơm cứ in đậm hoài trong miệng sau khi ăn một thời gian dài.

Thanh trà Huế. Ảnh: TL

Người Huế còn dùng thanh trà cả trong lúc uống rượu, đó là món gỏi thanh trà. Thanh trà lựa trái vừa độ chín, lột vỏ, bỏ hột, bóc lấy múi và tách rời riêng rẽ từng tép nhỏ. Mực khô nướng xé tơi cho vào chảo, trộn đều cùng với các tép thanh trà đã tách ra, cùng chút nước mắm chanh ớt tỏi, vừa xóc đều vừa rưới nước mắm chanh tỏi cho đến vừa dùng là được. Chiều chiều, vài người bạn tri âm ngồi với một chai rượu gạo, một đĩa gỏi thanh trà thì quá tuyệt. Cái vị chua, cay, ngọt, mặn lẫn vào nhau tạo nên một sự kích thích khoái cảm. Cũng là một kiểu “ngậm mà nghe”.
Tôi đã nhiều lần đến vùng Nguyệt Biều. Một cảm giác thật ấn tượng khi đi trên những con đường xanh mát, hai bên đường bạt ngàn những gốc thanh trà. Những con đường vắng vẻ, những khu vườn rộng hàng ngàn mét vuông cùng với những quả thanh trà treo lủng lẳng như một lời mời gọi. Bỗng dưng tôi liên tưởng những vườn đào tiên trong bộ phim Tây Du Ký, hấp dẫn đến nỗi mê hoặc chú khỉ Tôn Ngộ Không. Nhớ lời mời thân thiện đâu đó, nếu bạn đến Huế vào những ngày tháng bảy, tháng tám Âm lịch, đừng quên ghé thăm vườn thanh trà và thưởng thức đặc sản thanh trà nơi đây. Vị ngọt của thứ trái cây đặc sản này không chỉ là sản phẩm của đất đai thổ nhưỡng mà thiên nhiên đã ban tặng mà trong đó còn là sự hòa quyện của hương vị văn hóa của vùng đất Huế Cố đô.
 

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top