ClockThứ Năm, 19/07/2012 05:48

Nơi ngã ba Tuần

TTH - Chuyện rằng, để gặp nhau nơi ngã ba Tuần, hay còn gọi là ngã ba Bằng Lãng, dòng Tả Trạch bắt nguồn từ dãy Trường Sơn đã có hành trình 67 cây số, vượt qua 55 thác nước hùng vĩ. Còn ở phía bên kia, dòng Hữu Trạch anh em cũng đã để lại phía sau cung đường trên 60 cây số và 14 ngọn thác dữ vượt qua.

 

Cái tên Bằng Lãng chưa rõ lý do và xuất xứ lại có vẻ hợp với cảnh trí miền sông núi hùng vĩ, mênh mang này nhưng cái tên ngã ba Tuần lại cho thấy vị trí chiến lược án ngữ và bảo vệ thủ phủ Kim Long, Phú Xuân hay kinh thành Huế ở phía thượng nguồn sông Hương. Trong bộ sử nổi tiếng “Phủ biên tạp lục”, cụ Lê Quý Đôn cho biết, thời chúa Nguyễn một sở Tuần đã được thiết lập tại ngã ba Bằng Lãng. Còn “Quốc sử quán triều Nguyễn” sau này thì cho hay, vị vua đầu triều nhà Nguyễn là Gia Long ngay từ khi mới lên ngôi đã cho đặt Tuần Hộ sở tại đây. Một lực lượng quân đội đồn trú ở ngã ba thượng nguồn sông Hương này để làm nhiệm vụ bảo vệ phía tây kinh thành Huế. Bên cạnh đó là lực lượng tuần hà khám xét và thu thuế các thuyền bè chở sản vật từ thượng nguồn sông Hương về kinh thành. “Tuần” do thế có nghĩa là tuần tra, là canh gác. Cùng với ngã ba Tuần là cầu Tuần, là bến đò Tuần, bến phà Tuần...Và cũng bởi ở vị thế ngã ba sông, một thời từ bến Tuần có đò ngang sang làng Hải Cát (sang Trẹm) và lăng Minh Mạng (sang La Khê bãi) cho nên còn gọi là đò ba bến.

 

Sông Hương đoạn ngã ba Tuần. Ảnh: Internet

 

Vùng đất ngã ba Tuần kỳ lạ và hấp dẫn. Người Huế mình có một thức ăn đặc sản là loại mứt gừng thường dùng vào dịp Tết. Ngay ở Thừa Thiên Huế gừng được trồng nhiều nơi vậy nhưng để có được thức ăn mứt gừng ưng ý thì với bà nội trợ xứ Huế nguyên liệu phải là gừng trồng ở ngã ba Bằng Lãng có màu vàng nhạt, mùi thơm và vị cay đặc biệt. Đi tìm lời lý giải, người ta đã nói nhiều về chất đất đặc biệt màu mỡ ở vùng đất nơi 2 dòng Tả Trạch và Hữu Trạch gặp nhau. Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà cư dân bao miền từ rất sớm đã tụ hội về đây lập làng, dựng nghiệp để hình thành tên đất Cư Chánh, La Khê, Hải Cát… được sớm ghi vào sử sách. Phải là “đất lành, chim đậu”.

 

Còn tôi rất thích và vẫn thường ngồi ở một quán cà phê nhỏ nằm chênh chếch chiếc cầu mới dựng bắc qua sông Hương ở khu vực ngã ba Tuần. Chính tại nơi đây, từ rất nhiều góc nhìn khác nhau, không bị che chắn và lấp khuất, tôi như cảm nhận được đầy đủ hơn vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên toàn bích vùng thượng nguồn sông Hương. Trong tôi, nơi hai nguồn Tả và Hữu Trạch giao bôi là một trong những nơi có cảnh quan đẹp nhất xứ Thần kinh. Tương truyền, xưa vua Minh Mạng ngự thuyền đi qua, rung động trước vẻ đẹp non nước hữu tình nơi ngã ba Tuần này đã cảm tác: “Một thước nước in trời/ Đò ai chiếc lá khơi/ Non cao xem vòi vọi/ Dòng biếc thấy vơi vơi…”.

 

Chợt nghĩ, vào đầu thế kỷ 17 khi lần đầu tiên định đô ở một vùng đất dọc theo dòng sông Hương, Chúa Nguyễn Phúc Lan chắc đã cho người thị sát và vùng ngã ba Tuần này với vị thế và cảnh quan tuyệt vời đã giúp cho vị minh chúa niềm tin khi quyết định chọn Kim Long, cách đó không xa làm thủ phủ xứ Đàng Trong, khởi đầu cho quá trình đô thị hoá trong lịch sử hình thành và phát triển đi từ Kim Long, Phú Xuân đến Huế. Bắt đầu từ đây xuôi về hạ lưu trước khi hợp cùng dòng sông Bồ ở ngã ba Sình, hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch có chung một tên gọi sông Hương với kinh thành một thuở và phố hội đông vui hôm nay…

 

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn

TIN MỚI

Return to top