ClockThứ Năm, 16/08/2012 06:12

“Nhiều ca khúc của tôi chịu ảnh hưởng âm giai lơ lớ của Huế”

TTH - Ở tuổi 92, nhạc sĩ Phạm Duy tiếp tục sáng tác và đi khắp nơi để giới thiệu những tác phẩm mới của mình. Huế - mảnh đất có nhiều gắn bó bao giờ cũng là nơi ông tìm đến. Trong lần đến Huế mới đây, Thừa Thiên Huế cuối tuần đã có buổi trò chuyện cùng nhạc sĩ.

Thưa nhạc sĩ, ở tuổi 92, ông vẫn say sưa với âm nhạc. Điều gì làm cho ông vẫn tràn đầy cảm hứng sáng tác?

 

Cái hứng của tôi không ai ngăn được cả. Tôi cũng không ngăn được tôi. Tâm hồn tôi lúc nào cũng đầy nhiệt huyết, nhất là trong âm nhạc. Lắm lúc tôi cũng đã nói là, mình về đây để nghỉ ngơi, làm thinh mà tại sao vẫn làm ồn thế này. Nhưng tình yêu với quê hương, với giống nòi khiến tôi lúc nào cũng có hứng sáng tác.

 

Có sự thay đổi nào trong tư duy, cách nhìn của nhạc sĩ về sáng tác không?

 

Tôi tự thấy mình tiến bộ hơn trong sáng tác. Trước đây, tôi được tiếng lãng mạn trong ca khúc thì bây giờ tôi còn lãng mạn gấp nhiều lần. Tôi già đi thì cảm xúc luôn đạt điểm cực. Buồn thì cũng buồn hơn trăm lần nhưng vui cũng vui hơn vạn lần. Nếu xem đây là sự thay đổi thì có lẽ đó là thay đổi của tôi ở cái tuổi này. Còn mọi thứ vẫn bình thường. Tôi vẫn viết về những thứ mà tôi cho là hay nhất, đúng nhất.

 

Trong gia tài tác phẩm của nhạc sĩ, có rất nhiều ca khúc đậm chất dân ca. Điều gì tạo nên tình cảm tha thiết và chất dân ca thấm đẫm trong nhiều ca khúc của ông, thưa ông?

 

Từ tuổi đôi mươi, tự học nhạc bằng sách tiếng Pháp rồi tập tành đi vào con đường sáng tác biểu diễn, tôi đã định ngay cho mình tư tưởng bài ngoại, không chạy theo những trào lưu bên ngoài mà chỉ sống với những gì sẵn có trong mình và tìm thấy trên quê hương. Càng tới nhiều vùng miền trên cả nước, thậm chí càng đi qua nhiều nước trên thế giới, tôi càng cảm nhận sâu sắc kho tàng dân ca và tiếng Việt của dân tộc mình thật đẹp, thật phong phú.

 

Những câu ca dao hay nhất, tôi đều đã phổ thơ như Đố ai, Nụ tầm xuân… Tôi là người chủ trương đưa văn nghệ nông thôn lên cao hơn. Thường người ta hay theo cái mới, bỏ cái cũ. Tôi lại chú trọng giữ gìn những vốn cũ. Không phải vì tôi hoài cổ đâu, mà quan niệm rằng phải giữ cái gốc của mình đã, rồi muốn phát triển gì thì phát triển sau. Vốn cũ ở đây ví dụ là những giai điệu bình dân, những bài dân ca như cò lả, chèo. Nhiều ca khúc của tôi mang màu sắc dân ca, như bài Nhớ người thương binh nghe kỹ có hơi hướng cò lả, Dặn dò hoàn toàn là một điệu hát ru của Việt Nam…

 

Khi sống ở Mỹ, tôi càng nghiên cứu sâu văn hóa Việt nên đã lao vào sáng tác trường ca về Truyện Kiều, Hàn Mặc Tử. Vị trí tôn quý của Truyện Kiều trong tâm hồn người Việt ai ai cũng biết. Còn Hàn Mặc Tử, cả thế giới chưa từng có thi sĩ nào đau đớn bất hạnh tận cùng với chứng bệnh phong như ông ấy, vậy mà ông vẫn tựa vào đức tin để làm thơ, hiến dâng cho đời những áng thơ bất hủ.

 

Nhiều lần đến Huế, nhạc sĩ có thể kể những kỷ niệm sâu sắc của ông với miền đất này?

 

Đến Huế nhiều lần, trong tôi có rất nhiều kỷ niệm. Tôi đến Huế lần đầu vào năm 1944 với tư cách là 1 ca sĩ trong gánh hát Đức Huy Charlot Miều. Đêm đêm xuống ngủ đò và nghe ca Huế, tôi đã bắt gặp được cái đẹp trong những câu hò, câu hát của Huế. Chính từ ngày đó, tôi phát hiện ra âm giai lơ lớ của Huế và thấy rất thú vị. Về sau, tôi đã viết nhiều bài hát mang âm hưởng Huế như Về Miền Trung, nhiều đoản khúc như Ai vô xứ Huế thì vô, Nước non ngàn dặm ra đi trong Trường ca Con đường cái quan... Sau này, tôi soạn nhạc thì nhiều ca khúc của tôi chịu ảnh hưởng từ âm giai này.

 

Nhạc sĩ có “bóng hồng” nào ở Huế không?

 

Sau cách mạng tháng Tám, tôi lại đến Huế và gặp một người con gái đẹp ở Nam Giao. Từ mối tình này, tôi viết ca khúc Khối tình Trương Chi.

 

Vậy hẳn nhạc sĩ yêu Huế lắm?

 

Lúc còn trẻ, đến đây tôi thấy cái gì cũng đáng nhớ hết. Tôi yêu cảnh vật, con người nơi đây, yêu nhạc cổ truyền vẫn còn sống ở Huế. Tôi vẫn coi Huế là cái nôi của nhạc cổ truyền. Tôi có nhiều ca khúc sáng tác về Huế, như: Nước non ngàn dặm ra đi, Huế đa tình… Lần này, tôi rất hân hạnh khi được trở thành hội viên danh dự của Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế.

 

Xin cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện này!

 

Trang Hiền

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top