ClockThứ Sáu, 26/04/2013 14:19

Huế - Sài Gòn con đường thần tốc

TTH - Khi tôi ngồi vào bàn viết những dòng đầu tiên của bài viết này, cũng chính là lúc cách đây 38 năm, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị BCHTW Đảng Lao động Việt Nam (Đảng CSVN ngày nay) gửi bức điện số 37/TK cho Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định: "Đồng ý chiến dịch Sài Gòn lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh".

Tấm bản đồ màu đỏ

Một ngày tháng 3/1975, tôi được Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Sư phạm 10+3 Quảng Bình cho nghỉ học một tuần, điều động đến đồi Đồng Sơn (Đồng Hới- Quảng Bình) cùng thầy Thọ, giáo viên dạy họa nhận nhiệm vụ mới. Khi đến mới hay, công việc của chúng tôi là vẽ bản đồ miền Nam giải phóng và chân dung Hồ Chủ tịch để làm công tác tuyên truyền chiến thắng trên chiến trường miền Nam. Lúc này không khí nô nức với chiến thắng giải phóng miền Nam cứ hừng hực. Được tham gia công việc này tôi tự hào và cả hãnh diện nữa. Những bức pa - nô cỡ lớn vẽ bản đồ miền Nam được dựng lên ở các khu trung tâm và ngã ba đường, hàng ngày đã trở thành biểu đồ đánh dấu các vùng giải phóng. Các tỉnh từ Quảng Trị vào Huế, Đà Nẵng… dần dần được tô tràn màu đỏ theo bản tin chiến thắng từ radio. Buổi đó thật vui khôn xiết khi cái màu đỏ ấy cứ lấn dần, lấn dần từng ngày theo hướng tiến quân vào Sài Gòn. Ngày ngày dưới các tấm pa nô ấy cũng đông nghịt người, ai nấy đều hân hoan mong đợi…
 

Bốn chiến sĩ Đoàn Hương Giang đã cắm cờ trên nóc phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh: Internet

 
 
Một ngày cuối tháng Tư, năm 2012, tôi cùng Đoàn đại biểu Cựu chiến binh chiến trường B5 hành hương ra TP Đông Hà (Quảng Trị) tham dự kỷ niệm 40 năm ngày Quảng Trị giải phóng và 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị. Cuộc gặp gỡ thật xúc động. Dòng Thạch Hãn hôm đó đầy hoa, lóng lánh huân chương. Bốn mươi năm gặp lại, biết bao dồn nén của ký ức một thời hoa lửa. Máu đã nhuốm thành cổ hôm nào để xanh mướt cỏ non hôm nay. Ngày ra đi cứu nước và cả khi vĩnh biệt đồng đội bên chiến hào không dòng nước mắt. Ấy thế mà hôm nay gặp lại nhau, các cựu chiến binh của chiến trường B5 Trị Thiên - Huế nước mắt lại giàn giụa, ướt sũng nụ cười. Đúng là “nước mắt chỉ để dành cho ngày gặp mặt” (thơ Tố Hữu).
 
Quảng Trị giải phóng (1/5/1972), đã xóa được nỗi đau chia cắt dòng Bến Hải, nhưng vẫn còn đó đôi bờ Thạch Hãn. Đêm 18, rạng sáng 19/3/1975, lực lượng vũ trang cách mạng bất ngờ từ phía Bắc tiến công giải phóng hoàn toàn phần còn lại của Quảng Trị do địch chiếm giữ. Bọn địch hốt hoảng tháo chạy co cụm ở bờ nam sông Mỹ Chánh. TP Huế đang bị đe dọa. Trong khi Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu ra rả trên đài phát thanh “giữ Huế bằng mọi giá” thì cũng là lúc tiếng súng đồng loạt khai hỏa tấn công, nổi dậy của quân dân Thừa Thiên Huế và quân chủ lực trên toàn tuyến giáp ranh Huế. 10 giờ 30, ngày 25/3/1975, TP Huế thân yêu sau bảy năm chờ đợi từ Xuân 68, giờ đã được ngẩng cao đầu ngắm nhìn trở lại màu cờ giải phóng đã từng một lần tung bay trên đỉnh Phu Văn Lâu. Sáng 26/3, một lá cờ giải phóng mới rộng 8m, dài 12m ngạo nghễ tung bay trên bầu trời Huế báo hiệu Thừa Thiên Huế, hoàn toàn giải phóng.
 
Tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam được tô đậm màu đỏ Quốc kỳ đến tận đỉnh đèo Hải Vân. Cả nước rạo rực hân hoan vào niềm tin chiến thắng. Ngay sau khi được tin Huế giải phóng, Quân ủy Trung ương đã có điện khen ngợi động viên: “việc đánh chiếm và giải phóng thành phố Huế là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược và chính trị rất lớn. Chiến công đó đã làm cho nhân dân cả nước nức lòng phấn khởi, làm cho địch suy yếu thêm một bước hết sức nghiêm trọng. Các đồng chí đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân cả nước” (theo Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng, NXB CTQG, Hà Nội 2000).
Để cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng giải phóng quê hương, Thừa Thiên Huế đã tô đậm màu cờ Tổ quốc với 16.695 liệt sĩ, 9.194 thương binh, 1.451 bệnh binh và hàng vạn đồng bào bị giết hại, hàng ngàn người tàn tật, nhiễm chất độc hóa học của kẻ thù, 6.000 cán bộ, đảng viên, nhân dân bị bắt tù đày, tra tấn dã man trong những xà lim, ngục tối… Bên cạnh những đau thương mất mát do chiến tranh, Thừa Thiên Huế rất đỗi tự hào trở thành đơn vị Anh hùng LLVTND cùng các đơn vị TP Huế, huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới, 90 đơn vị, phường xã, 49 cán bộ chiến sĩ, hàng trăm Bà mẹ VNAH, hàng chục ngàn gia đình có công cách mạng…
Bước chân thần tốc của một binh đoàn
 
Trong quãng đời làm báo, tôi có hơn 15 năm gắn bó máu thịt với lực lượng vũ trang Bình Trị Thiên và sau đó với Thừa Thiên Huế. Chính vì thế, trong những ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước quê hương, tôi thường nhớ về những trang sử đấu tranh cách mạng hào hùng, như đã thấm vào máu thịt. Những binh đoàn, những vị tướng, những người lính Bộ đội Cụ Hồ giờ họ là những nhân chứng sống của lịch sử. Tôi luôn muốn nhắc đến họ như một sự tri ân trong mỗi dịp kỷ niệm năm tháng lịch sử này.
Tôi may mắn gặp lại cựu Đại tá Đỗ Hoài Nam ngay trên đất Huế, vị Lữ đoàn trưởng lữ đoàn pháo binh của Binh đoàn Hương Giang đã từng trút bão lửa xuống các căn cứ địch ở Thừa Thiên Huế trong cuộc tấn công giải phóng Thừa Thiên Huế mùa xuân 1975. Ông nhớ lại:
 
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, Binh đoàn Hương Giang đã tham gia chiến dịch giải phóng Trị Thiên-Huế và tiến quân giải phóng TP Đà Nẵng. Đặc biệt, với sức đột kích mạnh, sức cơ động cao, khả năng tác chiến hiệp đồng quân-binh chủng quy mô lớn, Quân đoàn đã hành quân thần tốc, “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, góp phần giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung; kịp thời tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh trên một hướng trọng yếu. Trong chiến dịch lịch sử này, Quân đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chiếm dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, góp phần giải phóng Sài Gòn-Gia Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
 
Khi kể về một kỷ niệm nhớ mãi của đời mình, mắt đại tá rớm lệ:
 
Huế, Đà Nẵng giải phóng, Lữ đoàn pháo binh được lệnh thần tốc tiến quân vào Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Đoàn quân đến thị xã Quảng Ngãi, lòng tôi bồn chồn đến lạ. Sau 30 năm xa mẹ, xa quê biền biệt bây giờ mới đặt chân tới. Tình nước, tình nhà sao đây bây giờ?. Trao quyền dẫn đầu đoàn quân cho Lữ đoàn phó, tôi tranh thủ phóng xe chạy tạt qua nhà. Làng quê sau 30 năm giờ đây đã đổi khác, lại đang đêm, loay hoay mãi mà không tài nào tìm được lối cũ. Bất chợt gặp một người dân đang khép nép bên đường tôi hỏi nhà bằng tên cũ của bố mình. Người dân rụt rè: “Đây nè, nhà của con rể ông ấy đó”. Đứa em rể dắt tôi về nhà. Thấy tôi xuất hiện như trong mơ cả bố mẹ ngỡ ngàng ôm chầm lấy tôi nấc lên. Sau mấy phút trùng phùng trong vòng tay mẹ không rời, dùng dằng mãi tôi mới thốt lên được một lời “Ba… má ơi, giờ con phải lên đường cho kịp đồng đội. Giải phóng Sài Gòn xong con sẽ trở về với ba má”. Mẹ ông nức nở: “Lỡ con không về thì má sống sao nổi hở con…”. Ông ôm chặt lấy mẹ: “Má đừng lo, bom đạn kẻ thù ba chục năm qua nó không gặm nổi con, huống chi.. má cứ an tâm... con sẽ về”. Ông vội chào ba má, chưa kịp leo lên xe, má ông nhào tới: “Con... con…má đi với con, má sẽ ở bên con, mấy chục năm rồi mới thấy mặt con… giờ mẹ muốn ở gần con, có chết thì cũng chết bên con...”. Bố ông phải níu giữ bà lại. Xe vút đi theo bước đoàn quân, trong đêm ông ngoái nhìn, ngọn đèn trên tay mẹ ông cứ leo lét lóe sáng...
 
Sáng 30/4/1975, tiếng trọng pháo của lữ đoàn pháo binh do ông chỉ huy lại giòn giã bắn cấp tập xuống sân bay Tân Sơn Nhất góp phần làm nên chiến thắng huy hoàng nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng: giải phóng Sài Gòn và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trưa ấy, trong niềm vui giải phóng, ông nhảy cẫng lên cùng các chiến sĩ: “Mẹ ơi...! Sài Gòn đã giải phóng, con sẽ về với mẹ đây!”. Ấy vậy mà phải hơn hai năm sau, ông mới có dịp trở về thăm mẹ, người mẹ từng giờ, từng phút đang mỏi mắt trông chờ. Dẫu muộn, nhưng ông đã trở về nguyên vẹn cùng nụ cười chiến thắng trên môi kính dâng mẹ.

Huế 14/4/2013

Tâm Hành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top