ClockThứ Tư, 18/04/2012 21:12

Về Côn Sơn nhớ Ức Trai

TTH - Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo;/ Như nước Đại Việt ta từ trước,/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,/ Nước non bờ cõi đã chia,/ Phong tục Bắc Nam cũng khác... Cáo Bình Ngô của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi như văng vẳng bên tai chúng tôi trên đường tìm về Chí Linh tỉnh Hải Dương để thăm khu di tích Côn Sơn.

Đây rồi, chùa Côn Sơn. Tam quan ngoại uy nghi với mái ngói rêu phong cong vút đề 3 chữ Hán lớn Côn Sơn Tự. Vừa bước qua khỏi cổng, một không gian cổ kính rợp mát bóng thông già và những gốc vải cổ thụ khiến lòng ta như lắng lại. Một lối đi rộng, dài hun hút được lát bằng gạch mộc hiền lành dẫn ta tiếp đến với Tam quan nội. Tam quan kiểu cổ, có 2 tầng 8 mái với các hoạ tiết hoa lá, mây tản cách điệu của nền nghệ thuật kiến trúc thời Lê. Nghe nói, Tam quan này đã được trùng tu năm 1995.

Chùa có tên chữ là “Thiên Tư Phúc Tự”, nghĩa là được trời ban cho phúc lành. Theo giới thiệu, chùa kiến trúc theo lối chữ Công trong chùa có tượng Phật từ thời Lê cao tới 3 mét. Nhà Tổ có tượng của ba vị tổ Thiền phái Trúc Lâm gồm Phật hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang. Chùa nằm dưới chân núi Côn Sơn. Ngọn núi có hình giống một con sư tử khổng lồ quay đầu trông về hướng đông bắc để canh giữ sự bình yên cho đất nước, cho thiền môn. Tương truyền, đây từng là nơi hun gỗ làm than và đã từng diễn ra trận hoả công dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh nên trong dân gian còn quen gọi là Chùa Hun. Nghe nói vào đời nhà Lê, chùa có đến 83 gian, bao gồm tam quan, thượng hạ điện, tả hữu vu, lầu chuông, gác trống... Nhưng do bị chiến tranh tàn phá, nên quy mô chùa còn lại như ngày nay.
 

Đường vào chùa Côn Sơn rợp bóng thông cổ thụ

 
Qua khỏi Tam quan nội, khách có thể thấy ngay hai nhà bia cổ kính. Từ ngoài nhìn vào, phía bên phải là con rùa đội tấm bia đá khắc ba chữ Hán “Thanh Hư động”. Chữ trên bia được biết là bút tích của vua Trần Duệ Tông khi ông về thăm Côn Sơn năm 1373. Bên trái là một bia đá hình lục lăng có tên Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi. Theo nghiên cứu của tác giả Lê Duy Mạnh, Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi đượcdựng năm Hoằng Định thứ 8 (1607) đời Lê Kính Tông. Đây là tấm bia dạng thức lục giác rất hiếm ở nước ta, niên đại sớm nhất của dạng bia sáu mặt là tấm bia Quốc sư Báo Ân tự bi ở chùa Báo Ân (Hải Dương) dựng năm 1585, sau đó chính là bia Côn Sơn Tư Phúc Tự. Năm 1965 Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Côn Sơn. Người đã chăm chú đọc, giảng giải cho mọi người nghe về nội dung, ý nghĩa của tấm bia này. Bức hình chụp Bác đọc bia Côn Sơn Tư Phúc trở thành một bức hình nổi tiếng, một biểu tượng trân trọng hướng về nền văn hoá truyền thống của dân tộc...
 
Sau khi chiêm bái, dâng hương trong khu vực nội điện, men theo lối dẫn rợp bóng cây xanh phía bên phải của chùa, chúng tôi đến thăm giếng Ngọc và tháp Tổ Huyền Quang. Giếng Ngọc nằm ở đầu núi. Theo thuyết phong thủy thì đây là huyệt mạch trọng yếu của cả khu di tích Côn Sơn. Truyền thuyết kể lại, khoảng đầu thế kỷ XIII, khi Tổ Huyền Quang đang còn trăn trở vì thiếu nguồn nước thanh tịnh để cúng dường và mộc dục tượng pháp, một đêm rằm tháng 7, ngài được chủ thần long mạch núi Côn Sơn dẫn chỉ cho một viên ngọc lấp lánh trong lùm cây. Tỉnh giấc, ngài đã cùng tăng chúng lên núi xem chỗ có viên ngọc, phát quang bụi rậm thì thấy một mạch nước trong vắt. Tổ Huyền Quang đã tạ ơn Sơn thần và cho khơi sâu thành giếng. Bảy trăm năm qua, nước giếng Ngọc vẫn luôn tràn đầy, ngọt mát và trong như mắt Kỳ lân.
 
Đất và trời Côn Sơn còn gắn với Anh hùng dân tộc-Danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi. Từ 5 tuổi, Nguyễn Trãi đã về đây sống với ông ngoại là quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán. Được tắm mình trong dòng suối Côn Sơn mát trong; được đùa vui trong Thanh Hư động; được nghe kệ, tụng kinh, thấm nhuần tư tưởng giác ngộ vị tha của nhà Phật, tư tưởng cung kiêm dưỡng tính của Lão, tư tưởng tu thân kiêm ái của Nho... Tất cả hun đúc, làm nên một nhân cách Nguyễn Trãi văn võ song toàn, một Ức Trai vằng vặc như sao Khuê với thiên thu muôn thuở. Từ Côn Sơn, Ức Trai tiên sinh đã ra đi, trở thành mưu thần giúp Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, giành lại giang sơn xã tắc. “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn / Lấy chí nhân để thay cường bạo... Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu/ Muôn thuở nền thái bình vững chắc” (Bình Ngô đại cáo). Giúp nước xong, Người lại lui về với Côn Sơn, “Núi láng giềng, chim bầu bạn,/ Mây khách khứa, nguyệt anh tam”. Số phận trái ngang, nghiệt ngã, nhưng lịch sử thì lại rất công bằng. Sau biến cố oan nghiệt “Lệ Chi viên” (1442), hai mươi hai năm sau, tháng 8 năm 1464, vua Lê Thánh Tông đã xuống chiếu “chiêu tuyết” (làm tỏ nỗi oan) cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước hiệu Tán Trù bá, bãi bỏ lệnh truy sát của triều đình với gia quyến Nguyễn Trãi và ra lệnh bổ dụng con cháu ông làm quan. Năm 1467, Lê Thánh Tông ra lệnh sưu tầm di cảo thơ văn Nguyễn Trãi...
 
Ghi nhớ công ơn của Ức Trai-Nguyễn Trãi, ngày 14/12/2000, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương đã khởi công xây dựng đền thờ Ức Trai tại Côn Sơn Chí Linh trên diện tích 10.000 m2 với các hạng mục: Đền thờ, Tả vu, Hữu vu, Tam quan nội, Tam quan ngoại, nhà bia, Nhà Ức Trai trên nền cũ, điện chiếu sáng, sân vườn... Du khách đến tham quan chiêm bái thảy đều tỏ vẻ hài lòng, thỏa mãn với nơi phụng thờ một con người trung hiếu, một nhân cách lớn, một vị anh hùng có công lớn với dân, với nước...Người mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá là “Vĩ đại về nhiều mặt trong lịch sử nước ta”. Người mà Tổng Giám đốc UNESCO Amadou Mahta M’Brow đã nhận xét: “...Cuộc đời và sự nghiệp của ông, những hành vi tư tưởng của ông, theo sự đòi hỏi thế kỷ XV của Việt Nam, đã phát triển và cũng chín muồi cho đến lúc cùng viên mãn.”...
 
Theo những bậc đá trải dài, chúng tôi lên viếng Nhà Ức Trai-nơi xưa kia là nền nhà cũ của Nguyễn Trãi. Rồi từ Nhà Ức Trai, chúng tôi lần theo những cội thông già lên thăm Thạch Bàn trên đỉnh Côn Sơn. Ghé qua một quán nước bên đường, Duyên- cô chủ quán rất trẻ và dễ thương như chính tên gọi đon đả mời vào uống nước. Duyên cho hay, một năm Côn Sơn có hai mùa hội. Hội Xuân bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của Tổ Huyền Quang (22/1). Hội Thu bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Trãi (16/8). Mùa hội, hàng vạn du khách đổ về với Côn Sơn. Duyên mời chúng tôi hãy về đây một lần cho biết Hội. Và cũng để thấy rằng dân ta hiếu nghĩa đến nhường nào...
 
Diên Thống

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển

TIN MỚI

Return to top