ClockChủ Nhật, 29/03/2020 06:15

Thuận An hướng đến thành phố biển

TTH - Sau ngày giải phóng Huế 26/3/1975, người dân Thuận An (Phú Vang) lấy niềm vui hòa bình làm sức mạnh để vươn lên, đến hôm nay có một thị trấn Thuận An đầy sức sống.

Vào mùa biển mớiTrúng vụ ghẹ giáp tết

Diện mạo Hòa Duân nay càng khang trang hơn

Những ngày đầu giải phóng

Theo ghi chép trong cuốn “Lịch sử đấu tranh, xây dựng của Đảng bộ và Nhân dân thị trấn Thuận An”: Trước ngày giải phóng Huế 26/3/1975, tình hình quân ngụy ở Thừa Thiên Huế rối loạn, hoang mang cực độ do bị bao vây tiến đánh từ nhiều phía.

Tối 24/3, từ các cấp chỉ huy đến binh lính địch tháo chạy thục mạng về cửa Thuận An, cửa Tư Hiền, định lên tàu biển chạy vào Đà Nẵng. Phá Tam Giang, con đường duy nhất của địch chạy ra cửa biển Thuận An bị ta uy hiếp mạnh ở phía Đông.

Đến 15 giờ 30 phút ngày 25/3/1975, quân ta đã làm chủ cửa biển Thuận An. Đội công tác vũ trang huyện Phú Vang và du kích các xã đã bắt toàn bộ số lính còn lại (16.000 quân) giao cho Ủy ban Quân quản Tỉnh đội".

Ông Hoàng Văn Cự, Chủ tịch Ủy ban Quân quản lúc bấy giờ (nay đã trên 80 tuổi) nhớ lại: Ngay sau đó, chính quyền cách mạng ổn định tình hình quần chúng, tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng cho Nhân dân; động viên rằng, quê hương mới giải phóng còn rất nhiều khó khăn, người dân phải cố gắng tự cường tăng gia sản xuất, làm ăn.

“Sau ngày giải phóng, cuộc sống còn đói khổ lắm. Chúng tôi phải lên rừng xin sắn, mua sắn về cấp cho dân ăn. Có lúc gặp sắn ở chỗ đất hoang, dân ăn bị say, anh em cán bộ phải chở đi bệnh viện cấp cứu. Nhưng tôi từng nói với dân, chúng ta phải bền lòng, nỗ lực, rồi đây sẽ giàu có, ấm no, hạnh phúc. Rồi đây sẽ có điện thắp sáng. Nông thôn có máy làm ruộng thay trâu. Nhiều người dân không tin. Nhưng sau này điều đó trở thành hiện thực, họ đến gặp tôi để gửi gắm lòng cảm ơn đến Đảng, Nhà nước. Những điều đó tôi luôn cất giữ trân trọng trong ký ức”- ông Hoàng Văn Cự xúc động kể.

Người cán bộ năm xưa, nhân chứng sống của thời kỳ đầu khó khăn sau ngày giải phóng nhớ lại: Lúc đó Thuận An rất nghèo. Hầu hết nhà cửa là nhà tranh vách đất. Đời sống rất cực khổ, thiếu thốn, nhưng được sống trong hòa bình, dân nghèo có ruộng nên Nhân dân rất vui mừng, phấn khởi.

Mục tiêu thành phố biển

Không còn súng đạn, chết chóc, Nhân dân Thuận An lấy niềm vui hòa bình làm điểm tựa, sức mạnh để lao động, sản xuất. Ngư dân đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Nông dân trồng lúa, hoa màu..., gây dựng và dần dần phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng biển, đầm phá. Qua các thời kỳ, đất trồng lúa kém hiệu quả được cải tạo, chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, theo chủ trương phát triển thế mạnh của địa phương.

Ngày 20/8/1999, được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai xã Thuận An và Phú Tân cũ, với tầm vóc mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn Thuận An đoàn kết một lòng, tập trung khai thác, phát triển kinh tế biển, đầm phá, dịch vụ du lịch, đồng thời xây dựng, phát triển cơ sở vật chất.

Ông Hoàng Phước, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thuận An cho biết: Hiện ngư dân của thị trấn đã nâng tổng số tàu thuyền hiện có lên 386 chiếc; trong đó, tàu dưới 90 CV 231 chiếc; từ 90 CV trở lên 155 chiếc. Đặc biệt, có 3 tàu vỏ sắt công suất từ 850-1.100 CV và trên 35 tàu công suất 800 CV.

Năm 1999, sản lượng khai thác thủy, hải sản của thị trấn đạt 2.081 tấn, nay lên 9.890 tấn, tăng 7.809 tấn sau 20 năm. Tổng giá trị sản lượng bình quân hàng năm đạt từ 200 - 250 tỷ đồng. Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, là đơn vị đầu tiên được huyện Phú Vang giao tự cân đối thu, chi ngân sách từ năm 2004 cho đến nay; tổng thu ngân sách của Thuận An năm 2019 đạt 26,65 tỷ đồng, tăng 58 lần so với 20 năm trước.

Những năm qua, du lịch của Thuận An phát triển cả về quy mô và chất lượng. Tổng lượng khách du lịch tăng bình quân từ 25- 30%/năm. Giá trị các ngành dịch vụ tăng 24% năm; tổng mức hàng hóa dịch vụ đạt khoảng 85 tỷ đồng, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm trên địa bàn.

Là thị trấn mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại 4, đến nay, trên 98% đường giao thông của thị trấn quản lý được thảm nhựa; 100% đường giao thông liên tổ dân phố được xây dựng bằng vật liệu cứng. Tổng nguồn vốn đầu tư cho mạng lưới giao thông nông thôn của thị trấn trong suốt những năm qua đạt hàng trăm tỷ đồng.

Ông La Phúc Thành, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang chia sẻ, thành tựu đáng tự hào hơn cả là đời sống mọi mặt của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn không ngừng được cải thiện. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân phấn khởi, tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, thi đua, tích cực sáng tạo trong học tập, lao động, sản xuất...

Chặng đường đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, chung tay xây dựng, phát triển của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn Thuận An được ghi nhận, vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen…

Chặng đường trước mắt mà Thuận An đang vươn tới là nỗ lực xây dựng để trở thành thành phố biển theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bài: QUỲNH ANH - Ảnh: VĂN ĐÌNH HUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em”

Ngày 14/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp chính quyền xã Hải Dương (TP. Huế) và mạnh thường quân tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em” với số lượng 600 con gà giống đến 20 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có con em trong độ tuổi đến trường.

Trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em”
Hướng đến mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh

Thừa Thiên Huế triển khai nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Đây cũng là hoạt động khởi đầu cho vụ trồng rừng năm 2024, với mục tiêu cùng cả nước hoàn thành chương trình “Trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”.

Hướng đến mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh
Return to top